Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng đá Non Nước phát huy giá trị truyền thống

14/04/2017 - 2627 view
Làng đá Non Nước phát huy giá trị truyền thống

Làng đá Non Nước Đà Nẵng (nằm ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) không chỉ nổi tiếng với những người thợ chế tác đá tài hoa mà còn là nơi lưu giữ giá trị truyền thống của một thời cha ông đi khai hoang, lập ấp.

Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải, đền thờ Thạch Nghệ Tổ sư tồn tại mấy trăm năm qua như một chứng nhân cho điều đó. Theo ông Mai Hùng, Ban quản lý đền Thạch Nghệ Tổ sư cho biết, đền được lập hơn 400 năm trước, là nơi thờ ông tổ nghề của làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn. Ngày xưa, đền khá đơn sơ và hư hỏng nặng do chiến tranh. Sau giải phóng, người trong làng xây mới lại đền trên nền đất cũ.

Bao đời nay, cư dân ở đây truyền tụng rằng, buổi đầu lịch sử làng đá Non Nước được những người thợ đá đầu tiên từ Thanh Hóa đến địa bàn Khái Đông - Non Nước mở đất, khai thôn, lập ấp sinh sống. Trong quá trình mưu sinh, họ đã lấy đá sẵn có từ núi để đục đẽo thành vật dụng thô sơ phục vụ cuộc sống hằng ngày như những hòn chì đá dùng để buộc neo tàu thuyền, các loại cối giã gạo, xay bột, tiếp đó là những sản phẩm điêu khắc bia mộ, đặc biệt là những chế tác rồng, phượng, rùa, phục vụ trang trí tại các chùa, miếu, lăng tẩm, cung đình. Những sản phẩm điêu khắc đá được phát triển qua nhiều đời, hình thành nên làng đá Ngũ Hành Sơn Non Nước ngày nay. Trong khi đó, dựa vào phổ ý ở đền thờ Thạch Nghệ Tổ sư thì tổ sư của làng nghề đá Non Nước Đà Nẵng là người khắc bia chùa Phổ Khánh (chùa làng Ái Nghĩa, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, đời Lê Hy Tông (1678) là một người họ “Huỳnh”, quê tại “Quán Khái xã”.

Trong tâm thức của những người làm nghề, Thạch Nghệ Tổ sư là người có công lao lớn. Vì thế, mỗi năm, đến mùng 6 tháng giêng, những người thợ trong làng đá Non Nước mang búa, đục đến đền thờ Thạch Nghệ Tổ sư để cầu mong tổ nghề phù trợ một năm mới nhiều may mắn. Vào 16 tháng ba âm lịch, người dân tổ chức ngày giỗ tổ ở đền nhằm tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công khai phá và tạo dựng nên làng nghề đá Non Nước ở Đà Nẵng. Ngày nay, những người đang làm nghề, kể cả những người đã chuyển sang nghề khác vẫn về thắp hương, cúng bái bày tỏ lòng biết ơn Thạch Nghệ Tổ sư. Đó là nét đẹp văn hóa tinh thần quý giá mà người dân làng nghề lưu giữ bao đời nay.

Để phát huy giá trị của làng đá mỹ nghệ Non Nước, năm 2017, lần đầu tiên UBND phường Hòa Hải phối hợp cùng Ban quản lý đền, Ban quản lý làng đá Non Nước tổ chức ngày giỗ Thạch Nghệ Tổ sư vào ngày 16 tháng ba âm lịch (12/4 dương lịch). Theo ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, làng điêu khắc đá Non Nước hiện có hơn 500 hộ sản xuất và kinh doanh, thu hút gần 3.500 thợ và nghệ nhân (trong đó có những gia đình đã theo nghề trên ba thế hệ), giải quyết việc làm, mang lại giá trị kinh tế cũng như thu hút khách du lịch cho quận. Thời gian tới, quận chủ trương tổ chức quy mô hơn ngày giỗ Thạch Nghệ Tổ sư, đưa hội thi tay nghề chế tác đá, trưng bày tác phẩm nghệ thuật đá vào dịp này với mong muốn nâng cao tay nghề của người thợ, tạo sự gắn bó giữa những người làm nghề và cùng chung tay xây dựng làng chạm khắc đá Non Nước ngày càng lớn mạnh hơn.

“Chúng tôi cũng đã làm hồ sơ đề nghị công nhận đền Thạch Nghệ Tổ sư của làng đá Non Nước là di tích cấp thành phố. Nếu được thông qua, tôi nghĩ đó là sự động viên, khích lệ lớn đối với những người gắn bó và mang cả tình yêu vào nghệ thuật chế tác đá để họ không ngừng nỗ lực lưu giữ nghề truyền thống cha ông”, ông Nguyễn Hòa nói.

TTXT du lịch Đà Nẵng