Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng đá Non Nước, tài hoa người thợ

26/09/2014 - 2697 view
Làng đá Non Nước, tài hoa người thợ

Đến thăm làng đá Non Nước Đà Nẵng, vào tận xưởng tham quan quá trình chế tác đá, du khách có thể nhận ra rằng, những người thợ nơi đây gắn bó với đá bởi “tình yêu” được kết tinh và truyền qua các thế hệ suốt 400 năm.

Đôi tay như “di sản”

Tiếng ồn đinh tai nhức óc đang phát ra từ hệ thống các máy cắt, mài đá. Tiếng kin kít, rèn rẹt khi các lưỡi cắt chạm vào đá, tóe lửa, vượt quá khả năng chịu đựng màng nhĩ có thể khiến người đến tham quan làng đá Non Nước chưa quen cảm thấy trân mình, váng đầu. Thế nhưng, với thợ làm đá, đây lại là âm thanh vui vẻ, sống động nhất bởi nó báo hiệu làng vẫn sống với nghề, nghề vẫn nuôi được làng và mỗi người thợ nơi đây.

55 tuổi, ông Phan Hữu đã gần như điếc đặc. 30 năm gắn bó với nghề. “Với lưỡi cắt mỏng như tờ giấy, tốc độ quay chậm nhất đã đạt 1.400 vòng/phút. Không chỉ rất ồn ào, tất cả máy móc ở đây đều bén ngót, không dao rựa mô bằng. Những người thợ ở làng đá Non Nước đều đã nhiều lần phải rịt tay vào khăn, chạy vội ra cấp cứu tại Bệnh viện Ngũ Hành Sơn do lưỡi dao “liếm” tay trong quá trình tạo tác”, ông Hữu cho hay.

Để tạo nên một kiệt tác, người thợ phải cắt đá thành hình khối, tùy theo từng chủ đề mà chọn khối đá phù hợp, sau đó sẽ tưởng tượng về sản phẩm để căn chỉnh và phác họa những đường nét cơ bản nhất. Tiếp đó, người thợ đá dùng đục để tạo ra bản lề của sản phẩm. Đây là khâu rất quan trọng bởi nếu những đường tạc chính này không chuẩn sẽ khiến tác phẩm không cân đối, thiếu hoàn thiện. Sau công đoạn đục thô là quá trình mài, gọt, tạo dáng sản phẩm. Lúc này, người thợ làng đá Non Nước lần lượt sử dụng các mũi dao khác nhau để tỉa gọt thành hình.

Tay trái người thợ luôn cầm một ống dẫn nước nhỏ để vừa làm mềm đá vừa giảm lượng bột đá bay ra, không gây cản trở trong quá trình chế tác. Tay phải người thợ là máy tỉa, gọt liên tục đưa những đường ngọt lịm, dứt khoát lên bề mặt đá. Nhìn bàn tay người thợ đưa nhẹ nhàng, đều đặn trên khối đá trắng toát khiến khách tham quan và người thuyết minh làng đá mỹ nghệ Non Nước đều thán phục và có cảm giác đá mềm mại tựa một chiếc bánh kem hay miếng đậu phụ khổng lồ. Tuy nhiên, để khối đá vô tri dần toát ra được vẻ đẹp của cuộc sống, mang tâm hồn của con người với những nét uốn lượn đẹp mắt, người thợ phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh tay vào đá cứng, liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày. Đây là nguyên nhân cho những u sần to bằng hạt đậu mọc chi chít trên mặt ngoài bàn tay người thợ đá.

Nhìn vào đôi tay người thợ làng đá Non Nước, có thể “đọc” được những nhọc nhằn, vất vả và cả hiểm nguy của nghề. Do ngâm nước liên tục trong suốt quá trình làm việc, mặt trong bàn tay người thợ đá luôn bở tơi, không còn thấy vân tay. Tuy nhiên, đôi tay ấy vẫn là công cụ nhạy bén, là kênh giao tiếp giúp người thợ cảm giác được đá, hiểu được đá. “Sự tỷ mẩn, cẩn thận trong từng mũi khoan, đục chưa đủ. Chỉ bằng cách chú tâm, kiên nhẫn để “lắng nghe” câu chuyện từng đường vân đá thầm thì cùng với đôi tay mới giúp chúng tôi thăng hoa, sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có hồn”, anh Nguyễn Văn Dũng, thợ chế tác tượng Phật bà Quan Âm, cho biết.

Sống chết cùng đá

Nằm rải rác giữa các ngôi nhà cao tầng, khang trang trong làng đá Non Nước là những gian nhà lợp bằng tôn, bụi đá trắng xóa trên tường, trần; đóng thành tảng chắc nịch như thạch cao dưới nền. Đây là nơi người thợ như hóa thân vào đá, tập trung cao độ trong từng đường nét, chỉ một phút lơ là, có thể bỏ toàn bộ khối đá cũng như nguy hiểm đến sự an toàn của bản thân.

Trong mù mịt bụi và độ ồn luôn quá ngưỡng từ các loại máy cắt, cưa, mài..., hầu hết những thợ đá đều không mang khẩu trang hay bất kỳ món đồ bảo hộ nào. Đưa bàn tay trắng xóa bụi đá, nhợt nhạt, nhăn nheo lên quệt mồ hôi, anh Nguyễn Thái Học (33 tuổi, có 13 năm gắn bó với nghề) thở dốc: “Làm việc dưới mái tôn hấp nóng không khác gì đang làm việc giữa trời. Nắng nóng, công việc nặng nhọc buộc chúng tôi phải thở mạnh. Nếu mang khẩu trang thì việc thở càng thêm khó khăn”. Vì bụi đá, người thợ nào cũng bạc tóc, bạc lông mày, bạc cả lông mi.

Với người thợ đá, dường như không ai thoát khỏi những cơn đau thắt người ở lưng và đầu gối do phải làm việc lâu trong các tư thế khom, gập người. Mỗi lần đau là mỗi lần họ chọn cách uống thuốc giảm đau để lại tiếp tục miệt mài với đá, với mũi đục, tiếng ồn và cả sự rình rập của thương tật để tạo ra những hoa văn tinh xảo. Tất cả những thợ đá mà người thuyết minh về làng đá mỹ nghệ Non Nước cùng chúng tôi có dịp trò chuyện đều gặp nhau ở một điểm chung: không mua Bảo hiểm xã hội. Với họ, giấy tờ, chữ bút là điều quá phức tạp, hơn nữa: “Thợ trẻ, sức trẻ nhiều nên bệnh tật chưa gõ cửa. Tiền mua BHXH dành để mua sữa và đóng học phí cho con”.

Kể về tai nạn nghề nghiệp, ai tại làng đá Non Nước cũng rùng mình khi nhớ lại tai nạn của gia đình chị Nguyễn Thị Hải và anh Huỳnh Bá Công cách đây 20 năm khiến cả 2 vợ chồng bị những tổn thương nghiêm trọng. Cả làng nghề đã quyên góp để lo đầy đủ chi phí phẫu thuật, giúp tái tạo bắp và gót chân mới, lắp ốc vít để cố định xương chị Hải cũng như cứu 2 ngón tay còn lại của anh Công. Mang thương tật suốt đời vì đá, gia đình anh Công, chị Hải vẫn không quay lưng lại với đá. Bằng tiền quyên góp của làng nghề, anh chị tiếp tục duy trì cửa hàng nhỏ của mình, chỉ khác là mặt hàng chế tác không còn những khối đá đồ sộ mà chuyển sang làm bia đá có kích thước nhỏ.

Nhìn những giọt mồ hôi trắng nhờ do bụi đá đang thi nhau rịn quanh các nếp nhăn, nhìn những đôi bàn tay nhiều u sần, tài hoa đang chạm gọt vào đá, khách đến tham quan du lịch làng đá Non Nước Đà Nẵng có thể nhận ra rằng, những người thợ nơi đây gắn bó với đá không chỉ vì đời sống cơm áo hằng ngày. Họ gắn bó bởi tình yêu dành cho đá dường như được kết tinh và truyền qua các thế hệ suốt 400 năm, giúp cho làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ vẫn tồn tại và phát triển bền vững chứ không đối mặt với nguy cơ bị mai một. Bằng bàn tay tạo tác của mình, người thợ đá đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật được xã hội công nhận, tôn vinh.

TTXT du lịch Đà Nẵng