Ngày 5/11/2014, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã tổ chức Lễ khánh thành bốn khu bán tự nhiên chăm sóc gấu tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đến dự buổi lễ có sự tham gia của gần 200 đại biểu, đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tam Đảo, Cục Kiểm lâm, Vườn Quốc gia Tam Đảo, cơ quan CITES và một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Công trình vừa hoàn thiện là một trong những hạng mục quan trọng của Dự án Xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam giai đoạn II - Dự án Trung tâm cứu hộ gấu tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất cả nước hiện nay.
- Hệ thống bốn khu bán tự nhiên được kết nối qua hai khu nhà gấu đôi với tổng diện tích hơn 12.000 m2, địa hình tự nhiên đa dạng, có khả năng nuôi dưỡng khoảng 80 cá thể gấu theo mô hình bán hoang dã. Công trình được khởi động từ tháng 12 năm 2013, với mức đầu tư gần 18 tỷ đồng do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ toàn bộ về mặt tài chính cũng như cam kết duy trì Trung tâm 15 năm sau khi kết thúc dự án.
- Hai khu nhà gấu mới hoàn thiện có nhiều cải tiến so với các khu chăm sóc gấu đã xây dựng trước đó. Một số buồng gấu được trang bị đặc biệt, có thiết kế phù hợp với thể lực và vận động của các cá thể gấu bị tàn tật. Thêm vào đó, các khu bán tự nhiên rộng hơn 2.500 m2, tận dụng địa hình tự nhiên đa dạng của thung lũng Chắt Dậu, được lắp đặt thêm bể bơi, các bậc leo trèo, cành cây, cũng như các thiết bị đặc biệt làm đa dạng môi trường sống cho gấu, giúp chúng nhanh chóng phục hồi khả năng tự nhiên và sự linh hoạt. Công trình đi vào hoạt động đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng lực cứu hộ của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam ở vườn quốc gia Tam Đảo, cũng như tăng tính linh động trong công tác chăm sóc 110 chú gấu hiện đang được chăm sóc tại đây.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam bày tỏ: “Vượt qua rất nhiều khó khăn, hai khu nhà gấu đôi hoàn thiện là dấu mốc đáng tự hào trong lịch sử phát triển của Tổ chức tại Việt Nam. Sự thành công này không thể đạt được nếu thiếu sự hợp tác và giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện là Cục Kiểm lâm và Vườn Quốc gia Tam Đảo. Trải qua quá trình cách ly, khám chữa bệnh, phục hồi và ghép nhóm, thì việc đưa gấu ra các khu bán tự nhiên chính là phần thưởng lớn nhất đối với Tổ chức. Bởi đối với rất nhiều cá thể gấu, đây là lần đầu chúng được cảm nhận thế nào là cỏ xanh dưới chân và nắng ấm trên lưng”.
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, khoảng 2.400 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại đó, chúng bị giam cầm suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý, nhiều cá thể bị tàn tật, sau khi được cứu hộ chúng sẽ không sống được nếu được thả về tự nhiên.
- Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam cách đây 8 năm. Hiện có hơn 100 cá thể (cả gấu chó và gấu ngựa) đang sinh sống trong môi trường bán tự nhiên tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, thuộc vườn quốc gia Tam Đảo. Tại đây, Gấu được chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
- Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành Kiểm lâm để cứu hộ và tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Bênh cạnh đó, Tổ chức còn phối hợp với các thầy thuốc đông y của Trung Ương Hội Đông y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Để nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, Tổ chức còn thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức các buổi tuyên truyền, giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu nói riêng, các loài động vật nói chung.
TTXT du lịch Vĩnh Phúc