Địa điểm du lịch Kênh gym

Danh thắng Tây Thiên - Vĩnh Phúc

Tây Thiên Vĩnh Phúc

Khu danh thắng Tây Thiên là một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá... mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, nằm giữa khung cảnh núi cao rừng thẳm, suối thác hữu tình. Tây Thiên còn là trung tâm thờ Mẫu và Phật giáo lâu đời ở Việt Nam, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Từ xa xưa, Vĩnh Phúc vốn được coi là nơi hội tụ và lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Quốc Mẫu Tây Thiên là người có tài thao lược, đã giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước Văn Lang. Giặc tan, bà từ chối những tước lộc vua ban để lui về với núi rừng Tây Thiên hùng vĩ. Khu danh thắng Tây Thiên được lập nên để tưởng nhớ công ơn bà.

- Danh thắng Tây Thiên đã được Lê Quý Đôn mô tả lại trong Kiến văn tiểu Lục từ thế kỷ 18, có đoạn "... bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy... sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi... trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày... từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa... hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, phát nguyên từ đỉnh núi chảy xuống trông như tấm lụa; bên hữu là suối Vàng".

Có thể nói, nhờ sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên và tín ngưỡng, mà khi đến hành hương hay du lịch Tây Thiên Vĩnh Phúc, người ta dễ dàng tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, cũng như thỏa ước nguyện về một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Khu danh thắng chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991.


Quần thể danh thắng Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Vĩnh Phúc thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là một trong những thiền viện lớn nhất Việt Nam, được xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu, đồng thời đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của những nước khác, và là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.
Trung tâm Văn hóa - Lễ hội Tây Thiên Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên

Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên Vĩnh Phúc có qui mô 163ha, được xây dựng khang trang theo chủ đề “Đến với Phật, về với Mẫu”. Trung tâm bao gồm trục hành lễ, sân lễ hội, khán đài, và các công trình phục vụ công cộng. Đây là một trong những trung tâm lễ hội quan trọng nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong những ngày diễn ra Lễ hội Tây Thiên.
Bảo tháp Tây Thiên Bảo tháp Tây Thiên

Nằm phía bên trái cổng Tam Quan là Đại Bảo tháp Tây Thiên Vĩnh Phúc, một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa chưa từng có từ trước đến nay tại Việt Nam. Bảo tháp Tây Thiên được thiết kế cao 29m, gồm 3 tầng - tượng trưng cho Thân Khẩu Ý của Đức Phật. Trong đạo Phật, bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh là đất, nước, gió, lửa, và không khí.
Đền Thỏng Tây Thiên Đền Thỏng Tây Thiên

Điểm dừng chân đầu tiên trong các đền Tây Thiên Vĩnh Phúc là đền Thỏng hay còn gọi là đền Trình, là nơi du khách hành hương vào trình báo trước khi đăng sơn lên khu Đền Thượng - nơi thờ chính của Quốc Mẫu Tây Thiên. Đền Thỏng hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng. Đền là nơi diễn ra các sự kiện chính của phần Lễ trong Lễ hội Tây Thiên, với các lễ dâng hương, lễ khai hội và lễ tế.
Đền Cậu Tây Thiên Đền Cậu Tây Thiên

Qua đền Thỏng, theo con đường rợp bóng mát là tới đền Cậu Tây Thiên Vĩnh Phúc. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi Cậu ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu Tây Thiên. Trong đền có hai pho tượng gồm một nam, một nữ, là một cặp xứng đôi trong tư duy lưỡng hợp. Người ta lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái.
Đền Cô Tây Thiên Đền Cô Tây Thiên

Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô Tây Thiên Vĩnh Phúc. Đền Cô có niên đại lâu đời và thờ Cô Bé, tương truyền là con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu Tây Thiên giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đạt và yên bình với thảm thực vật xanh mướt. Dòng suối Giải Oan cùng giếng cổ sát chân đền Cô có tiếng là linh thiêng, du khách thường lấy nước từ đây để dâng lên cùng lễ vật thờ cúng.
Tịnh thất Tây Thiên Tịnh thất Tây Thiên

Từ đền Cô, men theo một lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối nhỏ phủ rêu phong, sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên Vĩnh Phúc. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch. Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa đã có lịch sử trên 800 năm, trải rộng từ Á sang Âu, nhưng chỉ nhận sư nữ.
Đền Thượng Tây Thiên Đền Thượng Tây Thiên

Thuộc quần thể khu di tích danh thắng Tây Thiên, Đền Thượng nằm trên sườn núi Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo, ẩn hiện trong mây mù, chim hót, thông reo. Đây được xem là nơi ở của Quốc Mẫu Tây Thiên (Vĩnh Phúc), và là nơi thờ chính của bà với thần hiệu “Tam Đảo sơn Trụ Quốc Mẫu”. Khu Đền Thượng trải rộng gần 3ha, với các công trình: Đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Cô Chín, đền Mẫu Hoàng Thiên cùng với các công trình phụ trợ: nhà Tả, Hữu mạc, nhà công quán...

Danh thắng Tây Thiên Vĩnh Phúc có gì hay nữa ?

Tuyến cáp treo Tây Thiên được thiết kế men theo dòng suối thơ mộng, vượt qua đại ngàn xanh thẳm để lên núi, sẽ là dịp để du khách ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp từ trên cao. Chiều dài toàn tuyến là 2.480m, ở độ cao 364 m so với mực nước biển, bao gồm 50 cabin loại 8 chỗ với công suất chuyên chở từ 1.000 đến 1.800 khách/giờ. Thời gian đi khoảng 12 phút/chuyến.

- Điểm xuất phát của cáp treo ở chân núi, ngay sát đền Cậu và điểm đến là khu Đền Thượng.

* Giá vé cáp treo Tây Thiên Vĩnh Phúc
- Người lớn: Khứ hồi - 180.000đ/vé. Một chiều - 120.000đ/vé.
- Trẻ em: Khứ hồi - 120.000đ/vé. Một chiều - 70.000đ/vé.


* Ban quản lý Khu danh thắng Tây Thiên Vĩnh Phúc
    
- Địa chỉ : Xã Đại Đình - Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc    
- Điện thoại: 0211.3814.666

Mục lục

Du lịch Vĩnh Phúc
             - Khu du lịch Tam Đảo
             - Vườn quốc gia Tam Đảo
             - Danh thắng Tây Thiên
             - Hồ Đại Lải
             - Làng gốm Hương Canh