Phát huy ưu đãi "thiên thời, địa lợi", cùng sự năng động, sáng tạo, từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc được coi là nơi "đất lành" để các nhà đầu tư dừng chân lập nghiệp. Những bứt phá về thu hút đầu tư, những con số vượt mốc về thu ngân sách, những kết quả nổi trội trên nhiều lĩnh vực... đã minh chứng một hướng đi đúng, thuận lòng người. Trong đó, định hướng phát triển một vùng du lịch sinh thái - tâm linh được hiện thực hóa bằng Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2020, đã đưa du lịch Vĩnh Phúc lên tầm cao mới với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững.
Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng ấn tượng về cô bé bán đào người dân tộc H'Mông ở Sa Pa (Lào Cai) với nụ cười xinh xắn, vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Cô bé gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ giây phút đầu tiên bằng nụ cười tươi tắn. Ngạc nhiên hơn, khi chào mời khách mua đào, cô bé nói được cả tiếng Kinh và tiếng Anh. Tiếp chuyện với một đồng nghiệp vui tính của tôi, cô bé tỏ ra rất thông thạo các địa danh và đặc sản, thậm chí còn nhiệt tình "tập huấn" nhanh cho khách một vài câu thăm hỏi xã giao bằng tiếng dân tộc của mình. Thế là, chẳng ai bảo ai, chỉ một chốc, hơn chục giỏ đào của cô bé đã bán hết, cả chủ và khách đều phấn khởi... Câu chuyện về người dân làm du lịch ở Sa Pa đã tạo nên một nét riêng, khiến du khách lưu luyến và mong ngày trở lại. Không đao to búa lớn, không khuếch trương, không thể hiện tầm vĩ mô hay đẳng cấp... chỉ một nụ cười, một câu nói mộc mạc, một hành vi ứng xử văn hóa... Lẽ dĩ nhiên, không thể thiếu sự đầu tư về hạ tầng; sự gìn giữ, tôn tạo để nhân lên nét đẹp "trời ban" cho những địa danh kỳ thú, song, nếu thiếu đi những nụ cười, những cử chỉ hiếu khách chân thành..., du lịch sẽ thiếu đi phần "hồn" mà bất cứ một nhà đầu tư du lịch nào cũng cần.
Nếu Sa Pa được mệnh danh là "Thị trấn trong mây" với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo; Vịnh Hạ Long - di sản thế giới với những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng toàn cầu; Hội An phố cổ với một quần thể kiến trúc đặc sắc; Phú Quốc - 1 trong 13 bãi biển “hoang sơ và đẹp nhất” thế giới... thì du lịch Vĩnh Phúc có gì, đó là được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như: Danh thắng Tây Thiên với văn hóa tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu, khu nghỉ mát Tam Đảo được ví như "Đà Lạt của xứ Bắc", Flamingo Đại Lải Resort - Nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nằm trong top 10 resort đẹp nhất hành tinh... cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, tạo nên một quần thể du lịch sinh thái, tín ngưỡng và nghỉ dưỡng.
Bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như bao địa phương mới tái lập, Vĩnh Phúc gặp không ít khó khăn. Còn gì áp lực hơn, khi có trong mình tiềm năng mà không phát huy, khai thác được? Trong lúc còn bề bộn vì việc gì cũng phải đầu tư, tập trung nhân lực, thì rất mừng, bản thân mỗi người dân Vĩnh Phúc đã nhận thấy tiềm năng, cơ hội và giá trị của mảnh đất mình đang sống. Thế là, cùng các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch, người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã nhận thức rõ vai trò, vị trí của du lịch - dịch vụ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để có những động thái tôn vinh danh thắng quê hương mình. Sự bất cập, khập khiễng trong bước đầu làm du lịch là không thể tránh khỏi, do nhiều nguyên nhân. Song, ý thức và sự quyết tâm làm du lịch của các cấp chính quyền và mọi người dân là có thật. Bắt đầu với việc quy hoạch, phục hồi, tôn tạo và đầu tư "tấm món" cho những công trình du lịch trọng điểm, dù là tự phát, du lịch Vĩnh Phúc cũng bắt đầu nhen nhóm và mang lại một nguồn thu đáng kể.
Còn nhớ, cách đây khoảng 17-18 năm, có một bài báo bày tỏ sự lo lắng của người trong cuộc khi thấy tài nguyên và danh thắng Vĩnh Phúc chưa được phát huy, khai thác; hoặc có khai thác, cũng ở mức độ tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu tính đồng bộ, khoa học, thậm chí đâu đó vẫn còn vì lợi ích trước mắt... Chính điều này đã làm cho du lịch tỉnh Vĩnh Phúc dậm chân tại chỗ. Đó là một thực trạng được phản ánh đúng, kịp thời và hiệu ứng của nó đã phát huy tác dụng. Thế là từ "Du lịch Vĩnh Phúc - Nghĩ mà lo" (tít bài báo) đến "Đánh thức Nàng tiên trong rừng" (tít một bài báo khác - nói về sự chuyển động của du lịch Vĩnh Phúc) đã vô tình đánh dấu hai điểm mốc mà khoảng cách chỉ vỏn vẹn... vài năm, đã khẳng định thiện chí và trách nhiệm của người phản ánh cũng như người thực hiện.
Dấu ấn quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là sự ra đời của Nghị quyết 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ - du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Vĩnh Phúc sẽ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh và Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch của vùng và cả nước. Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với vui chơi, giải trí; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh; mở rộng các lĩnh vực du lịch - dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm; tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng của Vĩnh Phúc... đã từng bước tạo nên sự khởi sắc, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến các điểm, khu du lịch Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 12% - 15%. Nếu như năm 2011, Vĩnh Phúc mới chỉ đón được 1,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 27 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 740 tỷ đồng; thì chỉ sau 5 năm (2016), những điểm du lịch ở Vĩnh Phúc đã đón được gần 4 triệu lượt khách, tăng 150%, trong đó có gần 38 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 1.287 tỷ đồng. Quan trọng, du lịch đã đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch.
Chủ trương, hiệu quả của du lịch đã tạo nên động lực để ngành du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục có những bước tiến mới. Cùng với việc tu bổ, tôn tạo và xây mới nhiều dự án, công trình du lịch trọng điểm như: Tu bổ Đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu thuộc Khu danh thắng Tây Thiên giai đoạn II; tu bổ di tích Đền Thính (Yên Lạc); Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch); Đền thờ Đức Bà (Tam Dương); Cụm di tích Đình - Chùa Hương Canh; Đền Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa; Văn Miếu tỉnh... thì cơ sở hạ tầng nhiều khu, điểm du lịch truyền thống như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải... cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch được chú trọng và triển khai tích cực, tạo nên phong cách phục vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Một số dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch mang lại thương hiệu đẳng cấp cho du lịch Vĩnh Phúc như: FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Vingroup... Đặc biệt, Quần thể du lịch sinh thái FLC Vĩnh Thịnh - An Tường là một dự án lớn, có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường (Vĩnh Tường) cũng như của tỉnh. Với việc trở thành một tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, thì hiệu quả và lợi ích của dự án mang lại sẽ rất lớn; nhất là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh nói chung, phù hợp với định hướng phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh.
Cùng với những cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp, công ty du lịch Vĩnh Phúc, dịch vụ phát triển, bằng chính việc đổi mới tư duy, hoạt động về du lịch, tỉnh đang "ghi điểm" trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè trong nước và quốc tế. Xác định du lịch là trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiến tới sự phát triển bền vững, hiệu quả, với những giải pháp cụ thể cho từng bước đi, chắc chắn, trong tương lai gần, du lịch Vĩnh Phúc sẽ phát triển để trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn, xứng đáng với tiềm năng vốn có.
TTXT du lịch Vĩnh Phúc