Ngành du lịch Vĩnh Phúc những năm gần đây trên đà phát triển mạnh. Nhiều khu, điểm du lịch như khu nghỉ mát Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, hồ Đại Lải, Flamingo Đại Lải resort, Đảo Ngọc, Pradise Đại Lải, FLC Vĩnh Thịnh, Khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô... trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có một thực tế là việc niêm yết giá ở một số cơ sở du lịch còn chưa được chú trọng và thực hiện chưa khoa học, chuyên nghiệp nên không "kéo" được nhiều khách đến sử dụng dịch vụ, nhất là dịch vụ ẩm thực, lưu trú.
Đồng chí Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: "6 tháng đầu năm 2016, tổng số lượt khách tham quan du lịch tới toàn tỉnh ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015, doanh thu ước đạt 721 tỷ đồng. Qua số liệu trên cho thấy khách đến du lịch Vĩnh Phúc nhiều nhưng doanh thu không cao, lý do khách chủ yếu tham quan chứ không sử dụng dịch vụ nhiều. Nguyên nhân do dịch vụ du lịch của các cơ sở không cân bằng và nhiều cơ sở kinh doanh chưa biết cách thu hút khách qua việc niêm yết giá. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc niêm yết giá, thậm chí có nơi không công khai giá cả khiến khách du lịch có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng dịch vụ, nhất là vào những dịp lễ Tết và mùa cao điểm. Nếu Vĩnh Phúc học tập cách niêm yết giá như ở Khu du lịch Sa Pa thì doanh thu sẽ nâng lên đáng kể".
Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 300 cơ sở lưu trú du lịch với 4.613 phòng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao; 2 khách sạn 3 sao, 26 khách sạn 2 sao; 20 khách sạn 1 sao và 245 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009. Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Ngoài khách sạn thành phố và nhà nghỉ du lịch là hai loại hình chủ yếu, tại các khu du lịch như Đại Lải, Tam Đảo đã hình thành những resort nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê... đã đưa vào phục vụ, góp phần phát triển du lịch Vĩnh Phúc. Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh trong tỉnh đều thực hiện tốt việc niêm yết giá khi kinh doanh các loại hình nhà hàng, khách sạn... nhưng cách niêm yết giá không ấn tượng, gợi mở một cách công khai nên không thu hút được khách sử dụng dịch vụ. Tại các nhà hàng, khách sạn - hầu hết các dịch vụ ăn, nghỉ đều có giá công khai nhưng lại công khai khi khách vào bên trong khu vực. Khách hàng sẽ được xem giá qua "Menu" (thực đơn) khi có yêu cầu. Thực đơn thường được ghi trong một cuốn sổ lớn hay trên một chiếc bảng treo trên tường hoặc bảng nhỏ để ở quầy lễ tân. Khách hàng cẩn thận một chút thì xem qua, khách hàng không để ý thì "vô tư" đặt dịch vụ. Khi kết thúc việc ăn uống hoặc nghỉ ngơi mới xảy ra nhiều điều không hài lòng về giá cả. Nhiều nhà hàng, cơ sở lưu trú... từ đó mà mất khách, bị khách tẩy chay...
Anh Nguyễn Văn Đạt (Phúc Yên) chia sẻ: Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, việc niêm yết giá dịch vụ ở đó khác với Vĩnh Phúc. Ví như ở Sa Pa (Lào Cai), các nhà hàng thường để bảng giá công khai phía bên ngoài - phía trước cửa để khách đi ngang qua có thể nhìn thấy giá các món ăn là bao nhiêu, hôm nay thực đơn có gì, cũng từ đó du khách không có tâm lý ngại bị "chặt chém", hay "treo đầu dê bán thịt chó"... Theo trung tâm xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc thì nhiều nhà hàng khách sạn trên địa bàn tỉnh công khai giá theo kiểu để bên trong hoặc cũng còn nhiều nơi phục vụ theo kiểu không có bảng giá.
Cũng theo Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: "Công khai niêm yết giá phía trước cửa khu vực kinh doanh - là một văn hóa trong kinh doanh. Hiện tại, các cơ sở du lịch Vĩnh Phúc chưa làm được điều này vì nhiều chủ cơ sở kinh doanh còn kinh doanh mang tính chộp giật, hay tùy đối tượng khách để thu tiền, nhìn khách "bình dân" sẽ thu giá mềm, khách "hạng sang" sẽ thu giá cao. Chính điều này là một trở ngại trong dịch vụ du lịch, làm mất hình ảnh đẹp của du lịch Vĩnh Phúc và kìm hãm doanh thu. Để giải quyết tình trạng này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ du lịch xây dựng phương án quản lý giá, niêm yết; hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành thực hiện Luật Du lịch; tổ chức các lớp tập huấn cho người làm quản lý các cơ sở kinh doanh, lưu trú...".
Thiết nghĩ, để nâng cao doanh thu du lịch, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước thì mỗi cơ sở kinh doanh không chỉ biết "làm mới mình" bằng cách đầu tư cơ sở vật chất mà còn phải nâng cao chất lượng phục vụ qua cách công khai giá, từng bước hình thành văn hóa kinh doanh... thì mới phát triển du lịch một cách bền vững và góp phần nâng tầm du lịch Vĩnh Phúc.
TTXT du lịch Vĩnh Phúc