Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn quốc gia Bến En, kỳ vọng sớm trở mình

12/08/2018 - 2162 view
Vườn quốc gia Bến En, kỳ vọng sớm trở mình

Chắc hẳn là hữu ý nên khi sắp đặt vùng đất này, tạo hóa đã thêm mấy lần kỳ công, ưu ái để làm nên một “tác phẩm nghệ thuật” kỳ vĩ của tự nhiên. Vườn quốc gia Bến En Thanh Hóa ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn - màu xanh của non ngàn, nước biếc và mây trời; màu xanh của sự sống, sinh sôi, nảy nở và của cả niềm kỳ vọng được con người gửi gắm. Rằng, vẻ đẹp tự nhiên tiềm ẩn ấy sẽ sớm trở mình, để thức dậy cả một vùng đất còn nhiều gian khó...

Bến En giữa những ngày nắng, lòng hồ sông Mực như được thêu muôn vàn sợi chỉ vàng lấp lánh. Không gian bát ngát, thoáng đãng và yên bình, bốn bề nước in bóng núi, núi soi mặt nước như đôi tình lữ đã gắn bó với nhau từ thuở tạo hóa nhào nặn nên non, nên nước. Cái mặt gương rộng tới 3.000 ha, chứa trong lòng nó hàng trăm triệu m3 nước, qua biết mấy thời gian, biết mấy lần kiến tạo địa hình và thay đổi địa chất, vẫn thủy chung với vùng đất đại ngàn. Hay nó cũng quấn quýt chẳng thể rời hơn hai chục hòn đảo lớn nhỏ, được sắp đặt như một bàn cờ mà các quân cờ đã tạo ra thế “cờ tàn nghệ thuật”, với vẻ đẹp kinh ngạc mà người chơi đã tính toán hết đường đi nước bước để có một ván cờ đẹp? Vì vậy mà, khám phá vẻ đẹp Bến En, du khách sẽ trải qua cảm giác từ lý thú, đến ngạc nhiên và khâm phục khi nhận ra sự vĩ đại, kỳ bí nhưng đầy hấp dẫn của thiên nhiên. Rộng là vậy, nhưng “tấm thảm nước” với các cánh cung đảo và bán đảo mới chỉ là một phần trong bức tranh tự nhiên khổng lồ rộng 14.734,67 ha - cũng chính là toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Bến En đang sở hữu. Cả không gian xanh bất tận được đan kết bởi cảnh quan hồ, các đảo trên hồ với hệ thống rừng và hang động trên các dãy núi đá vôi. Chính sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc địa hình rừng, núi và hồ nước đã tạo nên một tiểu vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thích hợp cho việc tổ chức hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng.

Với hai hệ sinh thái chính là hệ sinh thái núi đất và hệ sinh thái hồ nước ngọt, theo thuyết minh về Vườn quốc gia Bến En, nơi đây được các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao về sự phong phú, đa dạng và mức độ quý hiếm các loài động, thực vật. Kết quả điều tra năm 2013 cho thấy, hệ thực vật tại VQG bao gồm 6 ngành, 7 lớp, 77 bộ, với 1.417 loài thực vật, trong đó có 57 loài quý hiếm như trầm hương, re hương, vệ hài, sao Hải Nam, lim xanh... Đặc biệt, có cây lim xanh cổ thụ thuộc loại hiếm ở Việt Nam hiện nay, với đường kính 1,78m. Cùng với đó là hệ động vật lên đến 1.530 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 và IUCN 2013 đang bị đe dọa diệt chủng như vượn má trắng, báo lửa, culi lớn, culi nhỏ, gấu ngựa, rùa vàng... Ngoài ra, trong VQG và vùng phụ cận còn hệ thống các dãy núi đá vôi, chịu tác động của hiện tượng karst và bào mòn tự nhiên mà tạo nên nhiều hang động đẹp, với nhiều nhũ đá hình thù kỳ ảo, hay những dòng suối nhỏ chảy róc rách suốt ngày đêm như hang Ngọc, hang Cận (xã Xuân Khang), hang Dơi (xã Hóa Quỳ), hang Suối Tiên (xã Xuân Phúc)... Lợi thế tự nhiên này là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm tự nhiên, tìm hiểu đời sống và tập tính các loại động vật hoang dã...

Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và hấp dẫn, trong vùng đệm Vườn quốc gia Bến En còn có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và giàu giá trị, với hệ thống các di tích, danh thắng nổi tiếng, cùng các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Đó là đền Khe Rồng thờ một vị tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh đầu thế kỷ XV; đền Phủ Sung thờ Liễu Hạnh thánh mẫu; di tích Lò Cao Kháng Chiến nơi giáo sư Trần Đại Nghĩa và cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng các lò đúc gang để chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội ta đánh Pháp; đền Phủ Na thờ Bà Triệu; đền Nưa-Am Tiên, địa danh nổi tiếng về sự linh thiêng với Giếng Rồng và huyệt đạo quốc gia... Những di tích, danh thắng này đã, đang được tỉnh và huyện Như Thanh quan tâm đầu tư, khai thác, bước đầu phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với đó là nhiều bản làng truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ như làng Lúng, làng Quảng, làng Cốc, làng Mài, làng Rọc Răm... còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực độc đáo. Đây sẽ là những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, có khả năng bổ trợ cho sản phẩm du lịch sinh thái nếu được đầu tư phù hợp và bài bản.

Nhờ bởi sự đa dạng và giàu có nguồn tài nguyên du lịch, nơi đây đã được UBND tỉnh xây dựng “Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En, giai đoạn 2010-2020” và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4775/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009. Theo đó, thị trường khách du lịch chính của VQG là các nước ASEAN, bên cạnh khách của các thị trường Tây Âu, Đông Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Sản phẩm du lịch chính là tham quan, nghỉ dưỡng, khảo sát nghiên cứu đa dạng sinh học, tìm hiểu lịch sử và văn hóa tâm linh, tham quan làng nghề, du lịch đồng quê, du lịch mạo hiểm, hội nghị, hội thảo, dịch vụ nuôi trai lấy ngọc và kinh doanh dịch vụ hàng trang sức, nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng dự báo các chỉ tiêu phát triển về lượng khách quốc tế, nội địa, cũng như doanh thu du lịch mà VQG Bến En có thể đạt được trong giai đoạn 2010-2020.

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, những năm qua, VQG đã và đang được đầu tư một số hạng mục hạ tầng giao thông, điện, viễn thông; cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch, gồm 1 nhà khách Vườn quốc gia Bến En có 6 phòng nghỉ và nhà hàng phục vụ ăn uống; 1 trung tâm giáo dục môi trường với 1.902 mẫu thực vật, 51 mẫu thú, 50 mẫu chim, 215 mẫu côn trùng, 90 mẫu bò sát để giới thiệu đến khách tham quan vẻ đẹp cảnh quan và sự đa dạng sinh học của VQG. Đồng thời, tổ chức quảng bá vẻ đẹp và tiềm năng du lịch của VQG, nhằm thu hút các nhà khoa học, các sinh viên đến nghiên cứu, tham quan, học tập. Cùng với đó, VQG cũng đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch, gồm tham quan cảnh quan lòng hồ và đa dạng sinh học; dịch vụ giáo dục môi trường không thu phí; dịch vụ cắm trại, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ với đồng bào Thái tại bản Vơn (xã Tân Bình)... Ngoài ra, để kêu gọi đầu tư, VQG đã lập quy hoạch, đề án cho thuê môi trường rừng (được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2108/QĐ-UBND, ngày 1/7/2011), làm cơ sở để tăng cường công tác quảng bá, thu hút đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

Tuy vậy, mức độ đầu tư để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất, cũng như hiệu quả khai thác phát triển du lịch Vườn quốc gia Bến En hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hầu hết các phương tiện, trang thiết bị phục vụ du lịch đang được tận dụng các điều kiện sẵn có, nên chất lượng còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động du lịch mới giới hạn ở việc tham quan vùng hồ, ăn uống và truyền thông giáo dục môi trường; còn các sản phẩm như nghỉ dưỡng cao cấp, khảo sát nghiên cứu đa dạng sinh học, tìm hiểu lịch sử và văn hóa tâm linh, du lịch đồng quê, du lịch mạo hiểm vẫn chưa được hình thành. Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch sinh thái còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn... Chính vì vậy, dù hoạt động du lịch tại VQG những năm qua đã có một số khởi sắc, song lượng khách đến thăm và lưu trú còn rất hạn chế; kinh phí thu từ các hoạt động du lịch mới chỉ đủ để bù chi, nên chưa có nguồn lực để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

Cùng chung thực trạng với nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh, khi “điểm nghẽn” lớn nhất trong đầu tư phát triển du lịch tại VQG hiện nay là kinh phí. Tuy nhiên, nếu trông chờ vào ngân sách thì bài toán phát triển tại đây sẽ là khó khả thi. Để có thể tháo gỡ được “điểm nghẽn” này, không cách nào khác là kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Thanh Hóa nói chung và Vườn quốc gia Bến En nói riêng đang chờ đợi cú hích mạnh mẽ từ Sun Group, với đại dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En”, với tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng. Đồng thời, với một slogan rất “truyền cảm hứng” là “Chất lượng - Đẳng cấp - Sự khác biệt”, hy vọng sự có mặt của Sun Group sẽ biến “viên ngọc xanh” Bến En trở thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.

Kỳ vọng là rất lớn, nhưng để đi đến kết quả cuối cùng trong hiện thực lại cần một quá trình nỗ lực bền bỉ và quyết tâm lớn từ phía doanh nghiệp lẫn chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Có như vậy, “bản tình ca của núi rừng” từ Vườn quốc gia Bến En mới có thể cất dậy đầy quyến rũ và say đắm.

TTXT du lịch Thanh Hóa

Mục lục

Du lịch Thanh Hóa
          - Bãi biển Sầm Sơn
          - Vườn quốc gia Bến En
          - Thành Nhà Hồ
          - Suối cá thần Cẩm Lương
          - Khu di tích Lam Kinh
          - Động Từ Thức