Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Thanh Hóa trên đà cất cánh

09/02/2016 - 1813 view
Du lịch Thanh Hóa trên đà cất cánh

Xác định du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng tâm, Thanh Hóa quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thành công của Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) 2015, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kỳ vọng, mục tiêu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế động lực đang bắt đúng thời cơ để được hiện thực hóa.

2015 là đột phá của năm du lịch Thanh Hóa, với nhiều con số và sự kiện ấn tượng. Đặc biệt, các con số tăng trưởng “chưa từng có” về lượng khách (trên 5,5 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2014) và doanh thu (5.200 tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2014), đã góp phần xác định vị thế mới cho Thanh Hóa trên bản đồ du lịch đất nước. Đồng thời, có thể khẳng định, Thanh Hóa đang và sẽ tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào “chuỗi giá trị” ngành du lịch Việt Nam. Đây cũng là cơ sở quan trọng để sớm đưa Thanh Hóa trở thành một trong các trọng điểm du lịch quốc gia.

Theo kết quả đánh giá của ban tổ chức NDLQG 2015 tại 16 tỉnh, thành phố có di sản, thì cả lượng khách và doanh thu đều tăng cao so với năm 2014, lần lượt là trên 11% về lượng khách và 14% về doanh thu. Con số này đã phản ánh tính đúng đắn và hiệu quả thiết thực trong việc xác định chủ đề NDLQG 2015 - “Kết nối các di sản thế giới”. Song, quan trọng hơn cả những con số chính là khởi đầu cho sự hình thành nên một tour du lịch “xuyên Việt” đậm bản sắc và độc đáo. Từ thành công của việc “kết nối các di sản thế giới” trong NDLQG, có lẽ hơn lúc nào hết, các địa phương có di sản nên nhìn nhận lại một cách bài bản và chuyên nghiệp trong cách làm du lịch. Thay vì “đèn nhà ai nhà nấy sáng” hay ra sức cạnh tranh nhằm kéo du khách đến địa phương mình, tại sao không tiến hành hợp tác cùng có lợi, vừa giảm chi phí, cạnh tranh, vừa mang lại hiệu quả, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc?

Mặc dù thành công của NDLQG trước hết thể hiện ở việc du lịch Thanh Hóa đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Song, không thể phủ nhận, để có được thành công ấy, tự bản thân địa phương đăng cai tổ chức đã có quá trình “tích lũy nội lực” bền bỉ. Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng tươi đẹp, mà xứ văn vật này còn nức tiếng với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ và hàng trăm di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, gắn với sự hưng vong của nhiều triều đại phong kiến quân chủ. Bởi vậy, mảnh đất nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã này đã góp vào kho tàng văn hóa vật thể Việt Nam nhiều bảo vật quốc gia quý báu, gồm kiếm ngắn núi Nưa, tượng cây đèn hình người, tượng hai người cõng nhau thổi kèn, bia Vĩnh Lăng, Vạc đồng Cẩm Thủy, Trống đồng Cẩm Giang, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc; hay trên bảng xếp hạng TOP điểm đến hấp dẫn Việt Nam (năm 2014), du lịch Thanh Hóa được ghi danh với 3 cái tên đặc biệt: Thành Nhà Hồ - TOP 5 thành cổ nổi tiếng thu hút du khách, cầu Hàm Rồng - TOP 10 địa danh rồng ấn tượng nhất, chợ Thiều - TOP 10 chợ phiên thu hút khách du lịch nhất; đặc biệt năm 2015, Thành Nhà Hồ được kênh truyền thông CNN Hoa Kỳ bình chọn là di sản đứng đầu trong 21 di sản thế giới nổi bật nhất, đồng thời cũng trong năm, lần đầu tiên Thành Nhà Hồ đón lượt khách thứ 100.000 đến tham quan... Đây sẽ là những “phần vốn” riêng làm động lực để du lịch Thanh Hóa nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng bứt phá và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như mục tiêu và kỳ vọng.

Đánh giá thành công của NDLQG 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, với nhiều kết quả đạt được, NDLQG đã tạo ra bước chuyển biến lớn, với những giá trị và nội hàm mới cho du lịch Thanh Hóa. Quả đúng như vậy! Giá trị và nội hàm mới ấy, trước hết phải kể đến sự ra đời của hàng loạt các công trình văn hóa lớn như Nhà hát Lam Sơn, Thư viện tỉnh, Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo...; ở việc hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng tâm như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh... Đặc biệt, với việc thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, tham gia vào lĩnh vực du lịch, với các dự án quy mô lớn, chất lượng cao, như khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Phượng Hoàng, Khách sạn Dragon Sea... Tất cả đã và đang từng bước định hình nên hình ảnh mới, sang trọng và đẳng cấp, cho du lịch Thanh Hóa.

Với thành công của năm du lịch quốc gia, một lần nữa không thể không đặt vấn đề về nhận thức và sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, tin cậy lên hàng đầu. Đây cũng chính là cơ sở cho việc làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bắt đầu từ gốc từ không chỉ chăm chăm hớt lấy phần ngọn. Cùng với đó, nét đặc thù của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, tác động tích cực đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Cho nên, nếu tách du lịch ra khỏi các mối liên hệ, mọi sự ràng buộc thì chắc chắn du lịch không thể có điều kiện phát triển.

Nếu nói, truyền thông, thông tin và giáo dục là những mặt mạnh của phát triển du lịch thì với NDLQG 2015, du lịch Thanh Hóa đã nắm bắt đúng và hiệu quả công cụ hữu hiệu này. Du lịch đã và đang mang đến những nhận thức mới về chính nó cho con người. Bởi, thay vì là một cuốn bách khoa thư đầy bí mật, thế giới ngày nay đang dần trở thành cuốn sách phổ cập sâu rộng và trở nên gần gũi hơn. Tuy nhiên, những mâu thuẫn, xung đột cũng theo đó mà gia tăng khiến cho “bất ổn” trở thành từ được nhắc đến nhiều nhất những năm gần đây. Và, du lịch được kỳ vọng như một giải pháp tự nhiên nhất nhằm “tăng cường hiểu biết, khoan dung và tôn trọng” lẫn nhau giữa các dân tộc, các nền văn hóa. Đó cũng là cách để con người có thể cùng chung sống trong một thế giới không biên giới.

Chất lượng nhân lực - chất lượng du lịch. Nhận định này một lần nữa càng cho thấy tính đúng đắn, hợp lý, thậm chí trở thành quy luật khi xem xét trong bối cảnh cụ thể: NDLQG 2015 - Thanh Hóa. Không thể phủ nhận, cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ hiện đại là điều kiện cần thiết và quan trọng cho du lịch phát triển. Song, điều kiện đủ cho sự phát triển vững chắc phải là con người, mà trực tiếp là chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Du lịch Thanh Hóa đang hướng đến mục tiêu an toàn - thân thiện - hấp dẫn càng không thể không nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực là nhân tố trực tiếp gửi các thông điệp lịch sử, văn hóa đến du khách; đồng thời, đây cũng là yếu tố góp phần làm cho sản phẩm du lịch trở nên hoàn chỉnh và chất lượng.

Trong 10 xu hướng của du lịch thế giới đã được dự báo thì “quan tâm đến môi trường xung quanh” là xu hướng đứng thứ nhất. Nghĩa là, khách đi du lịch hết sức quan tâm đến trạng thái môi trường, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nơi họ đến. Chính vì vậy, các “điểm đến xanh” chắc chắn sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Đồng thời, ngay từ năm 1997, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã nhận định, du lịch sẽ là một hoạt động hàng đầu của thế kỷ 21 để tạo việc làm và bảo vệ môi trường. Cả xu hướng và nhận định nêu trên đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của du lịch cho phát triển. Thành công của NDLQG 2015 không chỉ tạo đà cho du lịch Thanh Hóa cất cánh, mà chắc hẳn sự phát triển của du lịch sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Song, thiết nghĩ đó phải là những bước đi bền vững - du lịch bền vững: vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần mang lại việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống cho cộng đồng.

TTXT du lịch Thanh Hóa

Mục lục

Du lịch Thanh Hóa
          - Bãi biển Sầm Sơn
          - Vườn quốc gia Bến En
          - Thành Nhà Hồ
          - Suối cá thần Cẩm Lương
          - Khu di tích Lam Kinh
          - Động Từ Thức