Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc tỉnh Thái nguyên được xác lập theo Quyết định số 3467/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc có vai trò rất quan trọng, điều tiết nguồn nước, giữ cho hồ đạt công suất thiết kế, hạn chế bồi lắng lòng hồ, kéo dài tuổi thọ của công trình. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt sẽ tạo ra những cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tổng diện tích rừng phòng hộ theo dự án xác lập khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc là 3.453,78 ha, nằm trên địa bàn 6 xã gồm: Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP Thái Nguyên); Phúc Tân (Phổ Yên); Lục Ba, Tân Thái, Vạn Thọ (Đại Từ), trong đó: có rừng 3.206,7 ha; chưa có rừng 247,3 ha. Trong số này thì rừng tự nhiên phục hồi là 322,24 ha, chủ yếu trên địa bàn xã Tân Thái, Phúc Tân với số loài cây tái sinh biến động từ 10 đến 12 loài chủ yếu là Dẻ, Trám, Lim xẹt, Muồng đen, Trâm, Ràng ràng... Rừng trồng phòng hộ là 2.860 ha chủ yếu là cây Keo tai tượng và Keo lá chàm, nguồn vốn trồng rừng từ các chương trình dự án như: 327, 661 và do dân tự bỏ vốn ra trồng thời kỳ trước xác lập khu rừng.
Qua điều tra cho thấy, khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc mặc dù đã được đầu tư khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng nhưng hệ sinh thái còn nghèo nàn về mặt thành phần loài cây, thảm thực vật và giá trị sinh thái. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ còn nhiều bất cập, hiện tượng xâm lấn đất lâm nghiệp và khai thác lâm sản trái phép xảy ra ngày càng nhiều, do đó đã tạo nên sức ép cho công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do vẫn chưa thực sự tạo ra được cơ chế, chính sách để chia sẻ lợi ích và khuyến khích người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để phát huy khả năng phòng hộ cho khu vực Hồ Núi Cốc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, sinh thái và du lịch cho khu vực rừng, năm 2014, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã xây dựng Phương án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững có sự tham gia của người dân đối với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2014-2020 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Mục tiêu của Phương án là quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tạo nên khu rừng có chức năng phòng hộ tốt, cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái, thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng; tạo ra lợi ích đối với người dân tham gia quản lý bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ít nhất bằng mức thu nhập đối với quản lý bảo vệ và phát triển rừng sản xuất. Phân rõ trách nhiệm và tạo sự đồng thuận giữa Ban quản lý rừng phòng hộ với cộng đồng dân cư, người dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Giải quyết các quyền lợi của người dân đã tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng khi thực hiện khai thác, nâng cấp rừng theo quy định của pháp luật. Thông qua Phương án được phê duyệt, chủ rừng với sự tham gia của người dân có sự chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như chia sẻ những lợi ích thu được từ rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật...
Theo Phương án, diện tích đất trống chưa có rừng: 247,3 ha từ nay đến năm 2020 sẽ trồng các loại cây bản địa gồm các loài: Trám trắng, Trám đen, Sấu, Lát hoa, Dẻ, Lim xanh, Giổi, Chò chỉ, Chò nâu, Thông mã vĩ, Chân đồi, khe có độ ẩm cao: trồng Tre bát độ, Luồng, song mây... Chuyển đổi những diện tích rừng trồng Keo sang trồng cây bản địa đa tác dụng, đảm bảo phát huy tốt chức năng phòng hộ, tạo cảnh quan môi trường với tổng diện tích: 1.315,6 ha. Dự toán kinh phí thực hiện phương án trên 89,3 tỷ đồng, trong đó trồng rừng mới 247,30 ha tổng mức đầu tư gần 13,8 tỷ đồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rừng trồng cây Keo sang trồng cây bản địa đa tác dụng 1.315.60 ha tổng mức đầu tư trên 73,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc: Hiện chúng tôi đang triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Phương án quản lý Bảo vệ rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc bền vững có sự tham gia của người dân giai đoạn 2014-2020, cùng với các văn bản, chính sách chung của Nhà nước, của ngành và tỉnh đến các hộ dân trên địa bàn tham gia bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ; chúng tôi còn tuyên truyền về quyền lợi của các tổ chức, hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc. Song song với đó là lồng ghép các nội dung đầu tư bảo vệ và phát triển rừng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án khác để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn rừng.
Phương án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc được thực hiện sẽ tạo ra động lực mới nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tạo ra khu rừng có chức năng phòng hộ tốt, cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...
TTXT du lịch Thái Nguyên