Sáng ngày 2/2 (tức ngày mồng 6 tháng giêng năm Đinh Dậu), tại khu di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên) long trọng tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Đuổm và khai mạc lễ hội xuân Đinh Dậu 2017. Đến dự có đồng chí: Trần Quốc Tỏ- Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Nông Quốc Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Hoàng Văn Hùng- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Phạm Thái Hanh- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên; Đồng chí: Nguyễn Thị Mai- Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện. Đồng chí: Ma Văn Rục- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Đồng chí: Phạm Bình Công- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Lãnh đạo các Phòng, Ban, Ngành, Đoàn thể huyện. Lãnh đạo đảng, chính quyền 16 xã, thị trấn trong toàn huyện và khách du lịch thập phương.
Trong tâm thức dân gian, sự tích Đền Đuổm có giá trị lịch sử sâu sắc, đánh dấu thời kỳ nhà Lý củng cố khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên miền núi. Lễ hội nhằm khẳng định công lao của ông Dương Tự Minh, người Tày, nhân vật có thật trong lịch sử, đã hội tụ dân từ nhiều vùng ngược từ miền dưới lên theo dòng sông tụ về đây xây dựng mảnh đất này. Lễ hội thể hiện sự suy tôn của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc đối với công lao to lớn của tướng Dương Tự Minh.
Lễ hội Đền Đuổm minh chứng cho sự bồi đắp của các lớp văn hóa trên một hiện tượng lịch sử: khởi đầu là một nhân vật lịch sử có thật, gắn với các cuộc đấu tranh chống giặc Tống và sự nổi dậy của các quý tộc, thổ hào, châu mục ở vùng biên ải, khi mất ông trở thành Thánh bảo vệ dân chống lại các thế lực siêu nhiên. Các hiện tượng trong lễ hội ít nhiều gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Lễ hội Đền Đuổm là môi trường giáo dục tự nhiên mà hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Thực hành và tham dự lễ hội, cộng đồng chủ thể và khách du lịch thập phương được cùng nhau ôn lại lịch sử về người anh hùng Dương Tự Minh, lịch sử vùng đất này và nhắc nhở con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi khắc công ơn những người có công với dân, với làng, với đất nước. Lịch sử và truyền thuyết về Dương Tự Minh đã, đang và sẽ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc cho người dân nơi đây nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Lễ hội Đền Đuổm giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng, giữa các thôn xóm, gia đình... từ việc chuẩn bị lễ vật (cùng làm cỗ chay, cỗ mặn), cho đến các hoạt động nói chung của lễ hội. Sự giao lưu này như chất kết dính giữa các thế hệ, các cộng đồng dân cư trong huyện hoặc mở rộng hơn nữa, là phương tiện cho việc đối thoại, cùng nhau chia sẻ, hưởng thụ và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội sẽ là môi trường bảo tồn, giáo dục là lưu truyền văn hóa truyền thống và là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc và biểu dương sức mạnh tập thể mà ở thời điểm nào cũng cần gìn giữ và phát huy.
Lễ hội Đền Đuổm là nơi duy trì những nghi lễ, lễ thức cổ truyền, đồng thời nuôi dưỡng những sinh hoạt dân gian truyền thống khi người dân tham gia thực hành tín ngưỡng và tổ chức lễ hội. Đây cũng là dịp thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh của người dân thông qua việc thờ nhân vật có thật trong lịch sử- Dương Tự Minh, được huyền thoại hóa thành Thánh Đuổm, vị thần bảo hộ, che chở cho làng.
Với giá trị đặc sắc của Lễ hội Đền Đuổm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, ngày 23/01/2017 công bố Lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào cũng như động lực để chính quyền, nhân dân huyện Phú Lương tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử Đền Đuổm.
TTXT du lịch Thái Nguyên