Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng chài Cửa Vạn, bảo tồn sau di dời

01/06/2014 - 3601 view
Làng chài Cửa Vạn, bảo tồn sau di dời

Làng chài Cửa Vạn (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) nằm trong vùng lõi của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, kéo dài từ vụng Tùng Sâu đến đảo Hang Trai. Một số tư liệu cho rằng Cửa Vạn được hình thành từ các làng chài cổ thế kỷ 19. Ngư dân ở đây đã nhiều đời thủy cư trên vịnh, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và gần đây là du lịch, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng cho Vịnh Hạ Long. Thực hiện đề án di dời ngư dân ở Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống, ngư dân ở Cửa Vạn đã mong ngóng từng ngày được chuyển đến ngôi nhà mới. Trong hai ngày 30, 31/5 vừa qua, 122 hộ dân thuộc diện di dời trong làng đã chính thức chuyển lên bờ sinh sống.

Niềm vui ngày về nhà mới

Có mặt cùng đoàn công tác nhận bàn giao nhà bè, tài sản trên Vịnh của ngư dân, phóng viên đã gặp ông Dương Văn Vân (87 tuổi), trưởng họ Dương - một trong hai dòng họ lâu đời nhất ở làng chài Cửa Vạn. Ông Vân phấn khởi: “Đã sống cả đời trên biển, tôi mong ngày lên bờ từ lâu lắm rồi. Có nhà mới kiên cố, trẻ em được đi học đàng hoàng, người già được chữa bệnh. Về nhà mới không phải lo bão gió, lại có điện, có nước ngọt. Đó là điều mà dân làng chài chúng tôi xưa nay mơ ước”. Mặc dù vậy vẫn có những lo lắng, băn khoăn về việc con cháu nên chuyển đổi hay giữ nghề cũ, khi mà phần lớn ngư dân trong độ tuổi lao động ở Cửa Vạn đều không biết chữ và chỉ quen với công việc chài lưới, nhưng niềm vui khi chuyển về ngôi nhà mới trên đất liền vẫn không giảm đi trên gương mặt in nếp thời gian của ông.

Có thể dễ nhận thấy, kế sinh nhai là mối quan tâm hàng đầu của ngư dân Cửa Vạn sau khi lên bờ. Theo tìm hiểu của phóng viên, bằng nghề chài lưới đơn giản nhất, thu nhập của ngư dân nơi đây trung bình đạt khoảng 80.000 đồng/ngày. Dù có bấp bênh nhưng cuộc sống của ngư dân làng chài Cửa Vạn cứ thế cũng trôi đi qua biết bao thế hệ. Ông Nguyễn Văn Sơ vừa cùng gia đình di dời nơi mình sinh ra và lớn lên để chuyển đến nơi tái định cư trên đất liền, vừa trải lòng: “Chuyển lên bờ tôi không biết kinh tế, thu nhập của gia đình sẽ ra sao, công việc, đời sống của các thành viên trong gia đình sẽ thế nào?”. Đây cũng là trăn trở của Phó Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng, đồng chí Nguyễn Tiến Thông: “Đề án di dời có đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc làm của bà con ngư dân sau khi lên bờ. An cư lạc nghiệp, bà con sẽ quen dần với nếp sống, sinh hoạt trên đất liền, sau đó dần dần sẽ hình thành những hình thức lao động phù hợp, dù trước mắt sẽ có những khó khăn. Tôi nghĩ việc này sẽ được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, mong bà con ngư dân di dời lên bờ để an cư, sau này những bộ phận nào tiếp tục ở dưới biển làm nghề, những bộ phận nào tiếp tục đi học chuyển đổi nghề nghiệp đấy là những bước tiếp theo cần bàn bạc, tính toán kỹ càng...”.

Dập dềnh theo con sóng giữa không khí ngược xuôi của những ngư dân dọn đồ, bàn giao bè, chuyển về khu tái định cư, phóng viên tìm đến gia đình anh Phạm Văn Hoa. Như các hộ đã sinh sống nhiều đời nay trên Vịnh, bên cạnh những hạnh phúc, vui mừng trước một cuộc sống mới, gia đình anh Hoa lại có những băn khoăn khác về sinh kế của gia đình. “Nguyện vọng của tôi là sẽ cho vợ và các cháu được lên bờ định cư, còn tôi và các con trai, những lao động chính trong nhà sẽ thường xuyên đi lại giữa nhà và bè. Vừa đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, vừa giữ gìn làng để phát triển du lịch”. Phạm Văn Linh, con trai cả của anh Hoa, cũng có ước muốn như thế: “Ngư dân chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi có được một căn nhà kiên cố trên đất liền. Nhưng để tiếp tục nghề truyền thống của tổ tiên và hơn nữa là bảo tồn, phát huy giá trị của làng chài trên Vịnh Hạ Long, tôi mong muốn được lưu trú lại theo quy định của tỉnh và các cơ quan chức năng để vừa chài lưới, nuôi trồng, vừa giữ gìn làng cho du khách tham quan. Từ khi nhận được kế hoạch di dời làng chài Cửa Vạn và các làng chài khác trên vịnh, đã có khoảng 50 trường hợp như bố con anh Phạm Văn Hoa đăng ký ở lại lưu trú sau khi di dời.

Giữ làng cổ cho tương lai

Lịch sử làng chài Cửa Vạn chứa đựng trong mình một kho tàng văn hóa lâu đời... Những bí ẩn của một nền văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của những cư dân biển thời tiền sử đã được nhiều nhà khoa học tìm ra khi khai quật một số hang động gần làng chài Cửa Vạn, trong đó có hang Tiên Ông. Các hang động ở đây cho thấy văn hóa Hạ Long có nguồn gốc bản địa, do nhiều yếu tố cấu thành và là kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hóa khác. Có mặt ở giữa làng chài, ngắm trời xanh mây trắng, ngắm núi non hùng vĩ bao quanh, ngắm những nhà bè lênh đênh trên mặt Vịnh và những nụ cười dù tươi vui trong ngày về nhà mới nhưng vẫn ẩn sâu sự vấn vương với làng cổ... mới có thể nhận thấy, làng chài Cửa Vạn không đơn thuần là một cảnh đẹp, mà còn là một nét tâm hồn của những người ngư dân vùng vịnh này - những chủ nhân đầu tiên của một vùng kỳ vĩ Hạ Long. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, độc đáo làng chài Cửa Vạn là một điều rất cần thiết.

Được biết, làng chài Cửa Vạn di dời ngư dân xong vẫn sẽ được giữ gìn, bảo tồn để phục vụ du lịch theo Đề án bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014 - 2020 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Thực hiện bước đầu tiên trong đề án này, 12 nhà bè (gồm lớp học, nhà văn hóa và một số nhà bè còn mới, tương đối đủ tiêu chuẩn của ngư dân) sẽ được giữ nguyên trạng và bàn giao cho Trung tâm 3 thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long - đơn vị trực tiếp quản lý sản phẩm du lịch làng chài Cửa Vạn. Ngay sau khi nhận bàn giao, Trung tâm sẽ bắt tay ngay vào việc khảo sát, sắp xếp và sửa chữa, gia cố lại các nhà bè theo đúng tiêu chuẩn để bảo tồn, phục vụ du lịch. Mô hình phát triển của Cửa Vạn là khám phá không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị truyền thống, tham quan sinh thái, dịch vụ ăn uống, lưu trú... Về lâu dài, đề án được kỳ vọng sẽ mở ra cuộc sống mới gắn bó chặt chẽ với cả ngư nghiệp và du lịch cho ngư dân trên vịnh. Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa trong tương lai là điều mà không chỉ có người dân ở đây đang mong đợi. Tuy nhiên, vẫn có không ít băn khoăn về việc lượng du khách sẽ giảm khi làng chài không còn dân cư sinh sống.

Ông Nguyễn Công Thái, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long canh cánh nỗi lo đó trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản Vịnh Hạ Long. Theo ông, nếu di dời toàn bộ ngư dân lên bờ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi con người tạo ra văn hóa mà di sản văn hóa được hình thành từ chính phong tục tập quán lâu đời cùng nếp sống, sinh hoạt của ngư dân.

Giữa cảnh thuyền ngược thuyền xuôi, dập dềnh trên những con sóng, không khó để hình dung ra cuộc sống muôn đời nay ở làng chài Cửa Vạn, bình yên, đẹp nhưng cũng không ít sóng gió, lênh đênh. Làng chài dù ít, dù nhiều vẫn sẽ được giữ gìn lại giữa di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Còn những “ngư dân tí hon” trước đây vẫn hồn nhiên vô tư bám biển cùng cha mẹ, rồi đây chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng hơn khi chuyển lên đất liền sinh sống với một căn nhà kiên cố, với điện, nước đủ đầy và tiếp tục viết ước mơ cắp sách đến trường.

Làng chài Cửa Vạn, bảo tồn sau di dời 2


TTXT du lịch Quảng Ninh

Mục lục

Du lịch Quảng Ninh
   (1) Du lịch Vịnh Hạ Long
              - Đảo Titop
              - Hang Sửng Sốt
              - Làng chài Cửa Vạn
              - Động Thiên Cung
              - Hang Đầu Gỗ
              - Đảo Soi Sim
              - Hang Luồn
              - Động Mê Cung
              - Làng chài Vung Viêng
              - Hang Trống và Hang Trinh Nữ
   (2) Quanh Vịnh Hạ Long
              - Đảo Cô Tô
              - Đảo Ngọc Vừng
              - Đảo Quan Lạn
   (3) Mở rộng điểm du lịch
              - Bãi biển Trà Cổ