Để du lịch đảo Lý Sơn trở thành điểm đến thân thiện, huyện Lý Sơn đang đề xuất kế hoạch đưa người dân và cán bộ ra đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) để học cách làm du lịch cộng đồng hay còn gọi là Homestay.
Cũ người mới ta
Trong các Nghị quyết của huyện đều nhắc đến vấn đề phát triển du lịch đảo Lý Sơn. Vì thế, cùng với việc triển khai các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển Lý Sơn, nguồn vốn ngân sách đã và đang tăng cường đầu tư cho huyện đảo về cơ sở hạ tầng, trùng tu các di tích lịch sử..., tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà nghỉ, khách sạn. Bên cạnh đó, người dân đất đảo cũng tự thích ứng bằng cách làm du lịch cộng đồng.
Mặc dù bước đầu làm du lịch “homestay” nhưng kết quả rất ấn tượng đã tạo động lực để lãnh đạo huyện quyết tâm gắn mô hình du lịch cộng đồng vào sự phát triển chung của du lịch đảo Lý Sơn. Theo ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, để các hộ dân đăng ký kinh doanh du lịch “homestay” hoạt động kinh doanh hiệu quả, hài lòng du khách, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn và mời chuyên gia về mở các lớp học về quản lý, làm du lịch cộng đồng thì huyện đang hướng đến việc đưa người dân đi học thực tế.
“Qua nghiên cứu mô hình du lịch Homestay ở các địa phương chúng tôi chọn đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để đưa người dân đi tham quan và học cách làm. Đợt đầu có 15 hộ gia đình tham gia học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh bạn. Dù cách làm này ở các nơi khác đã phổ biến từ lâu, nhưng đối với ngành du lịch đảo Lý Sơn thì chỉ mới xuất hiện gần đây. Song “cũ người mới ta” và nhất là cách du lịch này khá hiệu quả nên huyện xác định sẽ thực hiện” - ông Linh chia sẻ.
Cây nhà lá vườn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngành du lịch đảo Lý Sơn hiện có 34 hộ gia đình đăng ký dịch vụ du lịch homestay. Hầu hết các gia đình đăng ký hoạt động đều rất thân thiện và mến khách. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Linh, dù người dân cởi mở, nhiệt tình với du khách, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn mang tính tự phát, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ, người dân còn thiếu nhiều kỹ năng trong cách làm du lịch cộng đồng cũng như chưa được tập huấn về các văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, du lịch. Đặc biệt là một số trường hợp khách nước ngoài muốn ở nhà dân nên còn khoảng cách về ngôn ngữ cũng là vấn đề khó.
“Do vậy, vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm đào tạo kỹ thuật cao Dung Quất tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho trên 40 học viên, chủ yếu là chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong khóa học, các học viên được truyền đạt về tổng quan du lịch, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ thuyết minh” - ông Linh cho hay.
Từng tham gia khóa học do huyện tổ chức và nằm trong danh sách sắp được đi đảo Cô Tô để học hỏi cách làm du lịch cộng đồng, chị Võ Thị Loan, thôn Tây, xã An Vĩnh nói, đây là cơ hội để những người làm du lịch tự phát như chị có thêm kinh nghiệm, học hỏi cái hay để về áp dụng. “Ban đầu thấy nhiều khách du lịch đảo Lý Sơn không có chỗ nghỉ do các khách sạn, nhà nghỉ đã “cháy phòng” nên chúng tôi nhận vài người vào ở, vì phòng nhà còn trống. Sau này huyện triển khai cách làm du lịch homestay, nghe cái từ lạ hoắc mà bỡ ngỡ lắm. Nhiều khi mình chưa rõ các thủ tục đăng ký tạm trú, rồi việc quản lý, ăn ở của khách nữa. Mong sau khi đi học về, chúng tôi sẽ làm dịch vụ tốt hơn” - chị Loan chia sẻ.
Không chỉ có đảo lớn mà đảo Bé Lý Sơn cũng đang trở thành tâm điểm của du khách nên xã đảo này có hai hộ dân được huyện đưa đi học thực tế là hộ Bùi Thị Đảnh và Bùi Minh. Cả hai hộ dân này trong thời gian qua đã “thí điểm” cách làm du lịch homestay. Theo anh Bùi Minh, mặc dù đã mở cửa đón khách nhưng vẫn còn rất nhiều cái khó cũng như việc quản lý, xử lý những sự cố phát sinh ngoài ý muốn. “Tôi mong rằng sau khi được tham gia khóa học thực tế tại đảo Cô Tô sẽ giúp chúng tôi làm du lịch tốt hơn. Đây không chỉ là cách giúp chúng tôi có việc làm mới, mà còn giúp thay đổi người dân chúng tôi trong cung cách làm ăn” - anh Minh tâm sự.
TTXT du lịch Quảng Ngãi