Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi

10/03/2015 - 3011 view
Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi

Thắng cảnh núi và chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) còn gọi Thiên Ấn niêm hà, từng là nơi hội ngộ, đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ, từ Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thông, Phạm Trinh, Lê Kỉnh đến Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm... cùng các thiền sư Hoa, Việt nổi tiếng cả về đạo hạnh lẫn thơ văn.

Khoảng đầu năm Canh Ngọ 1750, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) được bổ nhiệm làm tuần vũ Quảng Ngãi. Trong thời gian hành chức, vị quan văn võ toàn tài này đã làm thơ vịnh mười cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của Quảng Ngãi, đó là: Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời trên sông), Long Đầu hý thủy (Đầu rồng giỡn nước), Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây), An Hải sa bàn (Mâm cát An Hải), La Hà thạch trận (Trận đá La Hà), Thạch Bích tà dương (Bóng tà Thạch Bích), Hà Nhai vãn độ (Bến chiều Hà Nhai), Cổ Lũy cô thôn (Cổ Lũy thôn côi), Liên Trì dục nguyệt (Ao sen trăng tắm), Vân Phong túc vũ (Mưa đêm núi Vân). Tiếp sau Nguyễn Cư Trinh, tao nhân mặc khách và những người yêu thiên nhiên lại vịnh thêm hai cảnh đẹp nữa là Vu Sơn lộc trường (Bãi nai núi Vu) và Thạch Cơ điếu tẩu (Ông câu ghềnh đá), gọi chung là Quảng Ngãi thập nhị cảnh. Khuôn khổ bài viết sau đây giới thiệu về Thiên Ấn niêm hà.

Thiên Ấn là tên một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía hạ lưu, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 3 cây số về hướng đông bắc, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Trong lịch sử, núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thủy thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi. Núi cao 106 mét, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ phía bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi; rồi lại từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), sự tích núi Thiên Ấn được ghi vào điển tịch và liệt vào hàng danh sơn. Đỉnh núi bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Ẩn hiện dưới bóng cây cổ thụ là ngôi Chùa Thiên Ấn.

Chùa Thiên Ấn khởi công xây dựng vào năm 1694, hoàn thành cuối 1695 (niên hiệu Chính Hòa thứ 15), đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Sự tích Chùa Thiên Ấn khởi phát chỉ là một thảo am, sau dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất sùng mộ đạo Phật, đã ban cho nhà chùa biển ngạch SẮC TỨ THIÊN ẤN TỰ.

Đặc biệt, giếng Chùa Thiên Ấn gọi là “giếng Phật”, sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, và “chuông thần” do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Câu chuyện về nhà sư đào giếng nước Chùa Thiên Ấn và lễ khai đỉnh chuông Thần đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong nhiều thư tịch cổ. Khu viên mộ nằm tiếp giáp phía đông chùa, với những ngôi tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (5, 7, 9) và tượng hình hoa sen. Bên trong tháp là nơi lưu giữ di hài các thiền sư, phía ngoài là bia ghi công đức, gắn liền với thân tháp. Trong số các vị thiền sư an nhập bảo thân tại khu viên mộ có 6 người được vinh tôn là tổ sư (Pháp Hóa, Khánh Vân, Bảo Ân, Giác Tính, Hoằng Phúc, Diệu Quang) có công lớn trong việc mở rộng ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỷ xả của Đức Phật đến với đông đảo tín đồ trong tỉnh. Các tác phẩm về lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi đề cập đến sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII về sau, đều đánh giá các tổ sư Chùa Thiên Ấn là những bậc chân tu, nổi tiếng về đức độ, uyên thâm về Phật học.

Cách ngôi Chùa Thiên Ấn không xa, về phía tây nam, trên một vùng đất thoáng đãng là mộ chí nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Cụ Huỳnh hiệu Mính Viên, người huyện Tiên Phước (Quảng Nam), là một trong 3 nhân vật khởi xướng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Cụ cũng là người sáng lập và chủ bút báo Tiếng dân, tác giả Thi tù tùng thoại và nhiều văn phẩm có giá trị. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đảm nhận Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Trong thời gian Bác sang thăm nước Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiệm vụ quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là người Quảng Nam nhưng cụ có nhiều gắn bó với Quảng Ngãi. Đặc biệt, trong những năm cuối đời, vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ đã sống, làm việc tại Nghĩa Hành và tạ thế ngày 21 tháng 4 năm 1947. Mộ cụ Huỳnh kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan núi và hình ảnh Chùa Thiên Ấn.

Xưa đến nay, vào những dịp lễ lớn, khách thập phương đến viếng Chùa Thiên Ấn lên đến hàng vạn người, trong đó có không ít người từ phương xa trở về. Họ có thể là tín đồ Phật giáo về đây lễ Phật và cầu nguyện, cũng có thể là người không theo đạo nhưng yêu mến cảnh chùa, muốn được dịp chiêm ngưỡng thắng cảnh hàng đầu của Quảng Ngãi, dành một khoảng thời gian để lòng mình tĩnh lặng, thanh tẩy tâm hồn, suy ngẫm nhiều điều về cuộc đời và lẽ đạo... Và từ lâu lắm, Thiên Ấn đã là dấu chứng quê hương trong lòng người Quảng Ngãi: “Bao giờ Thiên Ấn hết tranh/ Sông Trà hết nước, anh đành xa em...”.

Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi 2

Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi 3

Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi 4

Chùa Thiên Ấn trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi 5


TTXT du lịch Quảng Ngãi

Mục lục

Du lịch Quảng Ngãi
       - Đảo Lý Sơn
       - Bãi biển Mỹ Khê
       - Du lịch Sa Huỳnh
                 - Bãi biển Sa Huỳnh
                 - Khu di tích Sa Huỳnh
                 - Đồng muối Sa Huỳnh
       - Chùa Ông Thu Xà
       - Chùa Thiên Ấn