Địa điểm du lịch Kênh gym

Tháp Bà Ponagar, mê đắm vũ điệu Chăm

27/01/2017 - 3696 view
Tháp Bà Ponagar, mê đắm vũ điệu Chăm

Tiếng trống Ginăng rộn ràng vang lên, các cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, tay cầm quạt nhịp nhàng xoay chuyển những động tác đẹp mắt làm mê hoặc du khách gần xa khi đến với Tháp Bà Ponagar, Nha Trang...

Say cùng múa Chăm

Đến tham quan Tháp Bà Ponagar, du khách như lạc vào không gian văn hóa đầy cuốn hút với hình ảnh các cô gái uyển chuyển, mềm mại uốn người trong vũ điệu huyền bí. Theo anh Vạn Ngọc Chí - Đội trưởng Đội múa Chăm Tháp Bà Ponagar, múa Chăm gồm các thể loại như: múa dân gian, múa cung đình và tôn giáo - tín ngưỡng; mỗi loại mang những đặc trưng, dấu ấn riêng. Những điệu múa Chăm ở đây chủ yếu thuộc thể loại múa dân gian, mô phỏng những động tác quen thuộc trong cuộc sống lao động hàng ngày.

Vũ công Sử Ngọc Thanh Thùy chia sẻ, múa Chăm khá đơn giản, chú trọng động tác tay, chân và phối hợp với các đạo cụ như: lu, quạt, gáo dừa... Điệu múa Chăm phổ biến nhất là múa đội lu, múa chim công, múa gáo dừa... Khi múa đội lu, các thiếu nữ uyển chuyển theo làn điệu nhưng vẫn giữ thăng bằng cho chiếc lu trên đầu. Đó là hình ảnh mô phỏng cô gái Chăm lấy nước bên bờ suối hay dâng nước lên Tháp Bà Ponagar. Giải thích về sự ra đời của múa chim công, anh Chí cho biết: “Tương truyền rằng khi xuống trần giúp dân làng xây dựng xứ sở, Thiên Y Ana và các tiên nữ thường cưỡi công. Khi đàn công cất cánh bay, cánh công xòe ra rất đẹp. Nhìn thấy hình ảnh ấy, người dân Chăm ghi nhớ và bắt chước theo động tác của chim công và từ đó điệu múa công ra đời, trở thành điệu múa tiêu biểu của dân tộc Chăm”.

Kháng Thị Kim Hương (21 tuổi) cho biết: “Tôi tham gia đội múa Chăm tại Tháp Bà Ponagar đã được 3 năm nay. Với tôi, múa Chăm không khó vì những vũ điệu này đã ăn sâu vào tâm thức của người Chăm từ bé. Cha mẹ tôi cũng đều là những vũ công ở Ninh Thuận. Mẹ chính là người dạy múa đầu tiên cho tôi, và quê hương, bản làng nơi tôi sinh ra, lớn lên đã tạo nên trong tôi nguồn cảm xúc, niềm đam mê gắn bó với môn nghệ thuật này”.

Đối với vũ công Sử Ngọc Thanh Thùy, múa Chăm không phải là nghề mà nó như một điều gì đó quá đỗi gần gũi, thân thuộc. Từ nhỏ, chị tỏ ra có năng khiếu với môn nghệ thuật này và thường tham gia biểu diễn nhiều nơi trong thôn, bản. “Múa Chăm ở Tháp Bà Ponagar chủ yếu theo bài múa truyền thống. Múa Chăm cũng có một vài động tác khó nhưng tập luyện nhiều, thường xuyên sẽ làm được. Mỗi khi tiếng nhạc cất lên, dường như mọi người đều cảm nhận được sự thôi thúc mãnh liệt, cảm giác thích thú, đầy hưng phấn, say mê”, chị bày tỏ.

Hiện nay, đội múa Chăm Tháp Bà Ponagar ngoài 5 vũ công còn có 3 nhạc công chơi trống Ginăng và kèn Saranai. Trong nghệ thuật múa Chăm, dàn nhạc đóng vai trò quan trọng, góp phần thổi hồn, hơi thở vào từng bước chân, điệu múa. Hiện đội cũng múa những bài theo nhạc tân thời với tiết tấu sôi động hơn. Biên đạo múa cũng là người Chăm, sáng tạo những điệu múa mang đậm nét văn hóa Chăm.

Níu lòng du khách

Vũ điệu Chăm có nguồn gốc từ lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, hoặc mô phỏng từ những động tác của các loài vật. Ngoài ra, nghệ thuật tạo hình trong múa Chăm còn chịu ảnh hưởng từ các huyền thoại thần Shiva, Po Inư Nagar... Chính vì thế, vũ điệu Chăm mang nhịp điệu, sắc thái riêng, là di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm. Múa Chăm là hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm, vừa tạo không khí lễ hội vừa là lời ước nguyện của dân làng gửi đến trời, đất, thần linh cầu mong cuộc sống no đủ, mùa màng tốt tươi.

Trước đây, Khu di tích Tháp Bà Ponagar thường tổ chức múa Chăm vào dịp lễ hội, Tết. Còn gần 10 năm nay, hoạt động này được biểu diễn liên tục hàng ngày phục vụ du khách, chỉ nghỉ 2 - 3 ngày/năm vào dịp lễ Katê của người Chăm. Khách du lịch người Úc Hasan Sabaner cho biết: “Tham quan di tích văn hóa Tháp Bà Ponagar, tôi được xem các tiết mục biểu diễn múa truyền thống thật ấn tượng và đặc sắc, giúp tôi có thêm những trải nghiệm mới lạ”.

Ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết: “Múa Chăm bên hình ảnh Tháp Bà Ponagar cổ mang một ý nghĩa lo lớn về mặt nghệ thuật lẫn tâm linh. Hoạt động này qua nhiều năm thực hiện đã cho thấy sức hút lớn, mang lại hiệu quả quảng bá văn hóa du lịch cao. Du khách trong nước và quốc tế tỏ ra rất thích thú khi vừa được tham quan di tích văn hóa vừa được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống gắn liền với văn hóa Chăm. Các công ty du lịch đều hoan nghênh việc tổ chức chương trình múa Chăm để du khách có dịp thưởng thức và cảm nhận không gian văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật Chăm đầy màu sắc, góp phần tăng thêm sức thu hút đối với điểm tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar”. “Biểu diễn tại đây, tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều du khách. Các du khách đều thích thú đón xem, cổ vũ nhiệt tình và dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội văn nghệ”, chị Hương bày tỏ.

Để duy trì đội múa Chăm, việc đào tạo các thế hệ vũ công được diễn ra liên tục. Lớp diễn trước truyền nghề cho các bạn trẻ kế cận, cứ như vậy đội múa luôn được duy trì theo năm tháng. “Đội múa Chăm ở Tháp Bà Ponagar chủ yếu là người Ninh Phước, Ninh Thuận, tự thuê thầy đào tạo và tập luyện với nhau. Các bạn trẻ tập múa nhanh lắm do biết múa từ bé. Biểu diễn tại Tháp Bà cũng là cơ hội cho chúng tôi thể hiện niềm đam mê và góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc”, anh Chí cho biết.

TTXT du lịch Nha Trang

Mục lục

Du lịch Khánh Hòa
   (1) Du Lịch Nha Trang
              - Bãi biển Nha Trang
              - Tháp Bà Ponagar
              - Suối khoáng nóng Tháp Bà
              - Chợ đêm Nha Trang
              - Chợ Đầm
   (2) Vịnh Nha Trang
              - Hòn Tre
              - Hòn Miễu
              - Hòn Tằm
              - Hòn Một
              - Hòn Mun
              - Hòn Nội
   (3) Quanh Nha Trang
              - Bãi Dài Nha Trang
              - Bãi biển Dốc Lết
              - Đảo Bình Ba
              - Bán đảo Đầm Môn
                     - Bãi biển Xuân Đừng
              - Bãi biển Đại Lãnh