Địa điểm du lịch Kênh gym

Khu di tích Kim Liên phát huy giá trị lịch sử - văn hóa

26/05/2014 - 3863 view
Khu di tích Kim Liên phát huy giá trị lịch sử - văn hóa

Khu Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên là di tích Quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những di vật vô giá về nơi chôn rau cắt rốn và thời thơ ấu của Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, Khu Di tích Kim Liên đã được Nhà nước quan tâm và có chủ trương bảo tồn, tôn tạo, nhằm thể hiện lòng tôn kính của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu; đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa thiêng liêng của dân tộc.

Những ngày tháng Năm này, nhộn nhịp dòng người từ mọi miền đất nước hành hương về với Khu di tích Kim Liên quê Bác Hồ. Hòa vào dòng người đi trong thương nhớ ấy, người cựu binh già Nguyễn Bá Thu, quê Bắc Ninh, bồi hồi nhịp bước khi lần đầu được về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông như được sống lại ký ức thời ấu thơ nghèo khó mà đầy ắp kỷ niệm buồn vui, hạnh phúc giản dị của vị cha già dân tộc, khi được chứng kiến tận mắt những hiện vật gắn liền với cuộc đời Bác. Ngôi nhà Bác Hồ đã gắn bó những năm tháng tuổi thiếu thời hiện ra mộc mạc, với dãy mận hảo thẳng tắp dẫn vào ngôi nhà tranh nằm thấp thoáng dưới lũy tre xanh mát.

Ông lần lượt tham quan ngôi nhà Bác ở, nhìn ngắm những kỷ vật thiêng liêng từng một thời gắn với tuổi thơ của Bác. Từ bộ phản, nơi nghỉ ngơi của người thân trong gia đình Bác; đến những chiếc tủ nhỏ đựng thóc gạo, ấm chén... Những kỷ vật về Bác gần như đang còn được giữ gìn nguyên trạng; còn nồng ấm thiêng liêng như làm sống dậy một quãng đời thời thơ bé của Người... khiến ông Thu không nén nổi xúc động: “Tôi mới chỉ được biết về quê hương của Người qua những trang sách lịch sử. Đây là lần đầu tiên được đến với quê hương Bác Hồ kính yêu, thế nhưng tôi thực sự cảm thấy gần gũi, thân thuộc. Những hiện vật được lưu giữ cẩn thận, cảnh quan Khu di tích Kim Liên được bảo tồn và tôn tạo một cách chân thực và giàu ý nghĩa lịch sử; gợi cho cháu con nhớ về Người với tấm lòng tôn kính”.

Bên cạnh được tham quan những di tích gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ, như: nhà Cụ Phó bảng, giếng Cốc, lò rèn cố Điền, nhà thờ họ Nguyễn Sinh... trong những ngày này về với làng Sen, lần đầu tiên du khách được thăm quan 3 ngôi nhà mái tranh vách nứa (các hộ hàng xóm của Cụ Nguyễn Sinh Sắc) mới được phục dựng gần như nguyên trạng, ngay trong quần thể Khu di tích Kim Liên. Để phục dựng được 3 căn nhà này, các đơn vị tham gia đã dày công sưu tầm, nghiên cứu thông qua tư liệu kiến trúc thường thấy ở xã hội nông thôn Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX và qua trí nhớ của các cụ cao niên.

Mỗi căn nhà có diện tích 50m2, kết cấu 3 gian cột gỗ, vách nứa, lợp lá tranh. Phía trước mỗi căn nhà đều có tre tránh mưa, nắng hắt vào nhà. Những ngôi nhà này đã cơ bản được hoàn thành các hạng mục chính, sắp đưa vào phục vụ khách tham quan. Từ miền Nam xa xôi về thăm quê Bác, bà Nguyễn Thị Thảo (Cần Thơ), xúc động khi được hòa mình vào không gian văn hóa làng quê xưa: “Về quê Bác Hồ, tôi như được sống lại trong cảnh sắc làng quê của thế kỷ trước. Cảnh quan, nhà cửa, hiện vật được phục dựng và tôn tạo đã họa nên bức tranh cuộc sống nghèo khó, bình dị của Người; càng khiến cho lớp cháu con hôm nay và bạn bè thế giới cảm phục trước sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất, một con người bình dị mà cao quý”.

Hoàng Thị Loan; núi Chung và một số điểm di tích gắn liền với thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa là di tích đặc biệt Quốc gia, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã có chủ trương bảo tồn, tôn tạo nhằm góp phần phát huy, gìn giữ những giá trị lịch sử vô cùng thiêng liêng này. Dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên” được triển khai từ năm 2003, đến nay, một quần thể di tích mang đậm giá trị lịch sử văn hóa đang dần được hoàn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên” đã hoàn thành được khoảng 80%; các hạng mục xây dựng hệ thống đường giao thông, trung tâm điều hành khách tham quan; Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan đã hoàn thành. Còn các di tích tại quê nội, quê ngoại Bác thì công tác bảo tồn, tôn tạo đã hoàn thành được cơ bản các hạng mục; hiện chỉ còn gói đào tạo nguồn nhân lực và cấp thẻ thuyết minh viên chưa thực hiện. Sở đang phối hợp với UBND huyện Nam Đàn triển khai quyết liệt công tác GPMB, phấn đấu hoàn thành trong năm nay để đảm bảo cho việc phục dựng các hộ láng giềng của gia đình Bác Hồ. Nếu được bố trí kinh phí kịp thời thì dự án sẽ được hoàn thành trước tiến độ đề ra (năm 2015).

Không chỉ được bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, Khu Di tích Kim Liên đang ngày càng phát huy được giá trị lịch sử văn hóa thiêng liêng vốn có. Trong dòng người về thăm quê Bác Hồ hôm nay, có không ít các đoàn khách là tổ chức, tập thể. Không chỉ đến thăm quan mà họ còn đến dâng hương và tổ chức lễ báo công dâng Bác. Tại nhà tưởng niệm Bác Hồ, tôi có dịp được tham dự một buổi lễ báo công, tuyên dương các thanh niên tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tỉnh đoàn tổ chức. Với chiến sỹ trẻ Lầu Bá Nềnh, Đồn Biên phòng Mường Típ (Kỳ Sơn), lần đầu được về quê Bác Hồ, anh không khỏi xúc động: “Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, những thanh niên trẻ chúng tôi lại vinh dự được nhận danh hiệu “Thanh niên làm theo lời Bác”. Chúng tôi như thấm thía hơn trách nhiệm của tuổi trẻ và tự hứa với lòng mình cố gắng phấn đấu theo gương Người”.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ trong Khu Di tích Kim Liên, nhiều năm qua đã trở thành nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa ý nghĩa không chỉ của các đơn vị, cơ quan trong tỉnh mà các tỉnh khắp cả nước. Đây được coi là hoạt động giáo dục truyền thống giàu ý nghĩa, góp phần phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Theo ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu Di tích Kim Liên, để phát huy giá trị vốn có của di tích lịch sử Quốc gia,  Ban quản lý di tích luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền tại chỗ cho du khách tham quan; đảm bảo phục vụ nhu cầu tham quan của du khách tất cả các ngày trong năm.

Về thăm quê Bác Hồ, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các hiện vật gắn liền với cuộc đời của Người mà còn được đăng ký nghe thuyết minh miễn phí. Hiện ở Khu di tích Kim Liên, đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh đều được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ hướng dẫn, đón tiếp khách tham quan... Ban quản lý còn tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; ngoài ra phối hợp với các nhà nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng tổ chức các cuộc hội thảo về quê hương, gia đình, thân thế, sự nghiệp Bác Hồ; nhằm giáo dục đạo đức tư tưởng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi tăng cường phối hợp với trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh và các tỉnh bạn để tổ chức các tour, tuyến về thăm quê Bác Hồ.

Nhờ vậy, lượng khách trung bình hàng năm đến với Khu di tích Kim Liên đạt gần 2 triệu lượt. Những năm gần đây, lượng khách về thăm quê Bác Hồ tăng đều đặn mỗi năm từ 10 - 15%. Riêng Khu lăng mộ Bà Hoàng Thị Loan, từ sau khi được bảo tồn, tôn tạo, lượng khách đến đây thăm, viếng đã tăng gần gấp đôi so với trước. Đó là những tín hiệu vui trong việc phát huy giá trị của điểm du lịch văn hóa, lịch sử - Khu Di tích Kim Liên. Cùng với dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên”, trong thời gian qua, Nghệ An cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp với các tỉnh bạn để phát triển du lịch. Hy vọng với những giải pháp đồng bộ đó, sẽ góp phần đưa Khu Di tích Kim Liên trở thành hạt nhân quan trọng trong tuyến tham quan du lịch của du khách khi đến Nghệ An trong thời gian tới.

TTXT du lịch Nghệ An

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn