Địa điểm du lịch Kênh gym

Đền Cuông Nghệ An

Đền Cuông

Đền Cuông thờ An Dương Vương huyền thoại, tọa lạc trên núi Mộ Dạ xanh mượt rừng thông, phía sau có biển Diễn Châu rì rào sóng vỗ, phía Bắc là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước và là nơi có ngôi mộ công chúa Mỵ Châu, phía Tây là núi Mụa có dáng voi chầu về Đền. Nơi đây vừa là một thắng cảnh, vừa là nơi tín ngưỡng linh thiêng của người dân Nghệ An lẫn du khách gần xa.


Sự tích Đền Cuông Nghệ An

Tương truyền, An Dương Vương có tên Thục Phán, là hậu duệ 18 đời của vua Hùng, trí dũng song toàn. Ông có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Trong lễ khải hoàn, Thục Phán được tôn lên ngôi vua, lấy hiệu An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa.

Sau khi được Thần Kim Quy giúp xây thành và làm nỏ thần, vua An Dương Vương hoàn toàn mất cảnh giác và đã mắc mưu của Triệu Đà. Năm 208, sau khi chiếm được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, vua An Dương Vương thất thế phải rút lui về phương nam, khi đến biển Cửa Hiền (ở phía bắc chân núi Mộ Dạ) đã được Thần Kim Quy đón về với Thủy Thần.

Để tưởng nhớ vua An Dương Vương, sau khi ông mất, nhân dân vùng này đã lập miếu thờ ông ở Cửa Hiền. Tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi đêm xuống, trên sườn núi Mộ Dạ xuất hiện đốm lửa lập lòe, người dân cho rằng đó chính là linh hồn của vua An Dương Vương nên họ đã lập Đền để thờ ông tại đây.

Ngôi đền được gọi là Đền Cuông nhưng ngụ ý nói Đền Công, vì Công theo tiếng Nghệ An nghĩa là Cuông. Bởi tương truyền, khu vực núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công (chim hạc) sinh sống, thế núi Mộ Dạ trông xa lại giống hình một con chim công khổng lồ đang múa, đầu chim chính là nơi Đền tọa lạc.

Đặc biệt, vào năm 1995, chim hạc bay về đền, đúng ngày khai mạc lễ hội đền Cuông. Và vào dịp lễ hội năm 1996, cá voi chết dạt vào biển Cửa Hiền. Người dân tin rằng: Hạc là hiện thân của công chúa Mỵ Châu, cá voi là minh chứng cho cái chết của An Dương Vương. Những sự kiện ấy càng làm cho Đền Cuông ở Nghệ An thêm huyền bí và linh thiêng.


Kiến trúc Đền Cuông Nghệ An

Dù chưa có tài liệu lịch sử nào ghi lại chính xác thời điểm khởi dựng Đền Cuông (Diễn Châu, Nghệ An), tuy nhiên dưới thời nhà Nguyễn, Đền đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý 1864, vua Tự Đức đã ban sắc chỉ xây dựng lại Đền với quy mô như ngày nay.

Đền có kiến trúc đẹp và vững chắc, xung quanh trồng nhiều cây xanh đan xen. Các công trình đều có cột to, tường dày nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm Tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện.

- Tam quan là công trình kiến trúc đồ sộ, toát vẻ cổ kính rêu phong, gồm 3 cổng ra vào. Hai cổng bên có hai tầng, đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Riêng cổng giữa có ba tầng được bao phủ chằng chịt rễ cây si, khiến cho cảnh trí Đền Cuông càng thêm u tịch.

- Tòa Thượng điện (nơi đặt ban thờ vua An Dương Vương) và tòa Hạ điện đều có kiến trúc kiểu chồng diêm 4 mái, đầu đao cong vút. Còn tòa Trung điện là nơi đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua Thục chế tác nỏ thần, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái.

Trong Đền có nhiều di vật quý như trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí... và còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu, nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi tạc ân đức vua An Dương Vương.


Lễ hội Đền Cuông Nghệ An

Hàng năm vào ngày 13, 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch, lễ hội Đền Cuông Nghệ An được tổ chức để tưởng nhớ vua An Dương Vương, với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và đa dạng như: tế thần, rước kiệu, hát ví, hát phường vải, hát tuồng, chèo, đốt pháo bông, thả đèn hoa… cùng các trò chơi dân gian cổ truyền như: ném còn, đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, đi cầu kiều, cờ tướng, cờ thẻ... thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.
Đền Cuông Nghệ An với hình tượng hạc trời
Đền Cuông Nghệ An với hình tượng hạc trời
Đền Cuông Nghệ An với kiến trúc cổ kính
Đền Cuông Nghệ An với kiến trúc cổ kính
Đền Cuông Nghệ An nhộn nhịp du khách dịp lễ hội
Đền Cuông Nghệ An nhộn nhịp du khách dịp lễ hội

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn