Địa điểm du lịch Kênh gym

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát

01/05/2014 - 2913 view
Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát

Nằm phía Tây Nam Nghệ An, trên sườn Đông của dãy Trường Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Pù Mát có sức cuốn hút kỳ lạ không chỉ bởi vẻ đẹp núi rừng ngút ngàn trùng điệp nguyên sơ mà còn đa dạng với hệ động, thực vật cùng nhiều loài đặc hữu. Từ năm 2010, với sự giúp đỡ của UNESCO, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã được triển khai nhằm quảng bá thiên nhiên và bản sắc văn hóa nơi đây.

Các bản du lịch cộng đồng

Những ngày đầu tháng 4, trời hửng nắng, chúng tôi hòa cùng dòng người về bản Nưa, xã Yên Khê - Con Cuông (bản du lịch cộng đồng). Trời đứng bóng nhưng du khách tập trung tại khe Nước Mọc khá đông để được tắm trong dòng nước kỳ bí “mọc” lên từ lòng đất, xua tan đi cái nóng oi ả đầu hè. Anh Phan Anh Hào - một du khách đến từ Thủ đô Hà Nội, cho hay: “Nhân ngày nghỉ lễ, tôi đưa gia đình về đây để tham quan các điểm du lịch sinh thái, kết hợp trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Cảnh đẹp nơi đây thật hữu tình, được thỏa thích tắm mát, ngắm núi rừng và thưởng thức các món đặc sản”.

Quan sát thấy du khách xuống tắm đều được Ban Quản lý bản phát áo phao và cảnh báo nên tắm ở những nơi an toàn. Điểm du lịch khe Nước Mọc đã hình thành các dịch vụ giữ xe, ăn uống như gà nướng, cơm lam... Vòng về bản Nưa, san sát là những ngôi nhà sàn truyền thống cao lớn, cổ kính của người Thái xen lẫn bóng dừa. Bản Nưa không chỉ hấp dẫn du khách với phong cảnh đẹp mà ở đây không khí trong lành mát mẻ, môi trường xanh, sạch và đẹp. Những năm vừa qua, bà con bản Nưa đã chung tay phát triển du lịch cộng đồng cùng Vườn quốc gia Pù Mát, gắn với xây dựng nếp sống văn minh.

Ngược rừng vào Mường Quạ, xã Môn Sơn, ngay tại chân đập Phà Lài, khách du lịch đã khá đông, chủ yếu khách thưởng ngoạn sông Giăng. Tại đây đã hình thành được 3 nhà hàng nổi trên sông, chủ yếu phục vụ nước giải khát, các món đặc sản như cá mát nướng, tôm sông hấp... Cùng hơn chục xuồng máy phục vụ thăm quan vùng thượng nguồn sông Giăng - nơi có tộc người Đan Lai sinh sống. Lô Văn Hương - một lái xuồng ở bản Xiềng cho biết, một chuyến xuồng cả đi lẫn về chở được khoảng 5 - 7 người.

Chiều muộn ghé thăm bản Xiềng - điểm du lịch cộng đồng thứ 2 ở Vườn quốc gia Pù Mát, chúng tôi được dự cuộc họp của Ban Quản lý bản Xiềng bàn về kế hoạch chuẩn bị nơi lưu trú. Ông Ngân Thanh Mai - Trưởng bản Xiềng cho hay: Từ khi được sự giúp đỡ của UNESCO về phát triển du lịch cộng đồng thì chúng tôi đã được tổ chức đi tham quan, học hỏi mô hình làm du lịch cộng đồng ở Mai Châu, Hòa Bình, như học cách đón tiếp khách nơi thôn bản, nơi ăn ở lưu trú, cách tiếp thị các mặt hàng sản phẩm, dịch vụ du lịch...

Tại bản Xiềng cũng được dựng hơn 10 ngôi nhà sàn to đẹp nhất bản làm nơi lưu trú đón khách du lịch Vườn quốc gia Pù Mát. Chị Hà Thị Thìn - Bí thư chi bộ bản Xiềng, ngoài nhiệm vụ “bếp trưởng” chỉ đạo các món ăn ẩm thực phục vụ khách như cơm lam, gà nướng, mọc..., còn là Tổ trưởng Câu lạc bộ hát dân ca tiếng Thái. Chị Thìn kể: Khách du lịch lưu trú tại Môn Sơn cũng chưa được nhiều, nhưng chia tay ra về ai cũng lưu luyến. Ngoài thưởng thức cảnh đẹp sông Giăng, đập Phà Lài, khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng du khách còn được đắm mình trong điệu xuối, điệu lăm, được lâng lâng trong men rượu cần. Chị Thìn khoe: Ngoài các thanh niên, trung niên tham gia vào Câu lạc bộ hát dân ca tiếng Thái phục vụ du lịch cộng đồng còn có nhiều người cao tuổi cũng tham gia rất nhiệt tình như bà Hà Thị Thường (78 tuổi) hát điệu khắp khá hay, ngón đàn bầu của cụ Vi Văn Chung (80 tuổi) vẫn lay động lòng người. Về bản Xiềng du khách như sống trong một miền cổ tích, được thấy những cô gái Thái da trắng, tóc dài lách cách tiếng thoi đưa khung cửi bên những chái nhà sàn. Tại bản Xiềng đã thành lập được HTX dệt thủ công mỹ nghệ với đa dạng các mặt hàng thổ cẩm truyền thống bản sắc văn hóa của người Thái, như: váy, chăn, khăn, ví, túi, hộp đựng đồ trang sức...

Điểm du lịch cộng đồng thứ 3 là bản Yên Thành - Lục Dạ, nằm gần với vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, đã được định hình tour du lịch bắt nguồn từ bản Thịn xuyên rừng nguyên sinh sang thác Khe Kèm, xã Yên Khê (đi khoảng 4 giờ đồng hồ). Tour du lịch này tương đối mạo hiểm bởi bám theo những ngọn núi có đoạn vách đá cheo leo, du khách cần có người dân bản địa dẫn đường và mang theo thiết bị, đồ ăn nhẹ để vượt núi.

- Tiếp đến là điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) cũng hấp dẫn không kém. Bản sắc văn hóa Khe Rạn chưa hề bị phai nhạt. Ngoài hệ thống nhà sàn cơ bản nguyên sơ thì bà con vẫn sử dụng đồ thổ cẩm truyền thống. Khe Rạn mấy năm nay đã thành lập được CLB Cồng chiêng và hát dân ca Thái với hơn 20 thành viên vừa có thể sáng tác, múa hát lăm vông và đánh cồng chiêng... Tại 2 điểm du lịch cộng đồng này đều được quy hoạch các nhà sàn lưu trú cho khách du lịch qua đêm.

Trăn trở hướng phát triển

Lợi thế du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát rất lớn, tuy nhiên để phát huy hết lợi thế, tiềm năng sẵn có lại là chuyện đáng nói, đáng bàn. Với người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, không gian sống tại bản du lịch chật hẹp gây cho họ nhiều khó khăn trong khâu quy hoạch nhà ở và các công trình phụ, theo tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường. Điểm du lịch cộng đồng bản Xiềng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu ẩm thực của du khách trong các dịp lễ hội.

Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết thêm: Mỗi năm có khoảng trên 200.000 người đến du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát, trong đó 4 điểm du lịch cộng đồng từ năm 2011 đến nay chỉ mới đón được khoảng gần 40 đoàn khách, trong đó có khoảng trên 20 đoàn khách nước ngoài, tương đương khoảng trên 400 khách. Nguyên nhân khách ít lưu trú tại các điểm du lịch cộng đồng là do hạ tầng còn thiếu, hầu như các nhà sàn được quy hoạch lưu trú chưa có công trình vệ sinh khép kín. Thực tế cho thấy hạ tầng được đầu tư tốt thì mới thu hút khách du lịch cộng đồng. Ví như tại bản Nưa, nhiều gia đình đã đầu tư tốt nhu cầu ăn, ở nên số lượng khách lưu trú đông hơn. Chưa kể là hiện nay, ở các điểm du lịch cộng đồng, chúng ta cũng đang còn thiếu cán bộ quản lý cấp cơ sở có trình độ, thiếu đội ngũ người làm du lịch chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng chưa đa dạng.

- Theo ông Cường, tiềm năng du lịch cộng đồng ở Pù Mát chưa khai thác hết, nếu được đầu tư phát triển hơn nữa thì có thể hình thành thêm được khá nhiều tour, tuyến hấp dẫn. Ngoài việc du khách thăm thú các bản làng vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát, còn xuyên sâu vào các tour khám phá rừng nguyên sinh để thăm cây sa mu lớn nhất Việt Nam, rừng lùn ở Pù Lòng Tòng Chinh...

Để du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát phát triển, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tăng cường khuyến khích xã hội hóa du lịch trên địa bàn. Thường xuyên quảng bá tiềm năng thế mạnh của du lịch địa phương thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các website, tham gia các hội chợ triển lãm du lịch, hội chợ du lịch, lễ hội du lịch. Tuyên truyền giáo dục ý thức cho các tổ chức, người dân bản địa khi tham gia vào du lịch phải bảo vệ môi trường sinh thái.

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát 2

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát 3

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở Vườn quốc gia Pù Mát 4


TTXT du lịch Nghệ An

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn