Địa điểm du lịch Kênh gym

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia

17/02/2017 - 2665 view
Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia

Ngày 16/2, thị xã Hoàng Mai long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Cờn Nghệ An và khai trương du lịch thị xã Hoàng Mai. Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại diện các sở, ban ngành của tỉnh; Thị ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể thị xã Hoàng Mai, các huyện bạn cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách.

Lịch sử Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền cổ xưa và linh thiêng nhất xứ Nghệ. Mùa lễ hội hàng năm được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng Giêng Âm lịch, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống, sinh hoạt và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Hoàng Mai.

Lễ hội Đền Cờn được xem là lễ hội cổ xưa nhất vẫn còn giữ được những phần lễ và phần hội vốn có như trước đây. Tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương và các vị thần có công với dân, với nước cùng các sinh hoạt văn hóa tâm linh và gần gũi với đời sống người dân trong các phần lễ và phần hội, đã tạo nên một lễ hội giàu bản sắc.

Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa và lịch sử của lễ hội. Là cơ sở để thị xã Hoàng Mai và các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân vùng biển tiếp tục giữ gìn những bản sắc tốt đẹp và thiêng liêng của lễ hội này.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: thị xã Hoàng Mai cần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản lễ hội đền Cờn, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể di tích đền Cờn với tầm nhìn dài hạn, gắn với quy hoạch phát triển du lịch của thị xã.

Lễ hội đền Cờn năm 2017 có nhiều hoạt động trong phần lễ và phần hội đặc sắc gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; hội thi chim chào mào, chương trình văn nghệ, thi đấu các môn thể thao như đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, triển lãm ảnh nghệ thuật... diễn ra trong 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng thu hút hàng vạn du khách thập phương và bà con trong vùng.

Trong ngày 17/2 (tức 21 tháng Giêng) diễn ra nhiều nghi lễ linh thiêng, mang đặc trưng riêng của ngư dân vùng biển, như lễ hợp tế, lễ tạ, lễ cầu ngư, tục chạy ói và hội thi đua thuyền, thu hút nhiều đội chơi đến từ 5 huyện, thành thị tham gia. Điểm nhấn tâm linh trong mùa lễ hội hàng năm là lễ cầu ngư. Ngay từ sáng sớm, người dân địa phương và du khách đã tham gia vào các đoàn rước kiệu, rước voi, rước ngựa... di chuyển từ Đền Cờn trong ra Đền Cờn ngoài theo đường bộ. Từ bến lạch Cờn nhiều tàu cá được trang hoàng lộng lẫy di chuyển về phía Nam bãi biển Quỳnh Phương. Khi 2 đoàn rước gặp nhau, nghi thức lễ cầu Ngư được thực hiện. Dưới sự giao hòa thiêng liêng của đất trời và biển cả, đội nghi lễ đã dâng nhiều hiện vật do người dân tự tay làm ra để cầu cho mưa thuận gió hòa; cầu cho một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt bội thu.

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 2

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 3

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 4

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 5

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 6

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 7

Đền Cờn vào hội và nhận bằng Di sản quốc gia 8


TTXT du lịch Nghệ An

Mục lục

Du lịch Nghệ An
          - Bãi biển Cửa Lò
          - Vườn quốc gia Pù Mát
          - Khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ)
          - Đền Cuông
          - Đền Cờn