Vào sáng ngày 3/5, tại Sân tâm linh chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên), UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc lễ hội chùa Đọi Sơn năm 2018. Dự buổi lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL); đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các đồng chí: Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lẵng hoa chúc mừng.
Về phía tỉnh nhà, có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện thành phố trong tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Duy Tiên, xã Đọi Sơn; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên; đại diện các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo tăng ni, phật tử, bà con nhân dân và du khách thập phương đã về tham dự lễ hội chùa Long Đọi Sơn năm 2018.
Chùa Long Đọi Sơn được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1118 đến nay đã tròn 900 năm. Sự kiện này đã được sử sách, đặc biệt là bia ký ghi chép lại: “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng"; phía trước chùa là cây bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh “mười ba tầng chọc trời, mở 40 cửa hứng gió” và các kiến trúc khác như: “bên tả dựng cung tứ giác”, “bên hữu dựng nhà khám”, “xây tường bảo vệ”, “dựng hiên phô trương”... Tuy nhiên, toàn bộ kiến trúc ngôi chùa cổ đã bị giặc Minh sang xâm lược nước ta tàn phá vào đầu thế kỷ XV. Đến các triều đại Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng và tu tạo liên tục, dần dần được khôi phục cả về kiến trúc cũng như vị trí vốn có.
Tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp đã đốt chùa Long Đọi Sơn, một lần nữa ngôi chùa cổ kính này lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tích cực tiến hành trùng tu lại ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Đầu những năm 2000, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) và UBND tỉnh Hà Nam, chùa tiếp tục tu bổ, tôn tạo xây dựng mới một số công trình để bảo đảm phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hiện tại, chùa còn lưu giữ được tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - tấm bia được dựng khi khánh thành ngôi chùa vào thời Lý. Đây là tấm bia duy nhất cung cấp tương đối đầy đủ những thông tin quý hiếm về lịch sử, kiến trúc, mĩ thuật và sự phát triển của Phật giáo vào thời Lý.
Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu trên, ngày 23/12/2017, di tích chùa Long Đọi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã trao Bằng công nhận chùa Đọi Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt cho đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện Duy Tiên, xã Đọi Sơn và sư trụ trì chùa Đọi Sơn. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Liên một lần nữa khẳng định những giá trị về lịch sử - văn hóa, khoa học, kiến trúc, nghệ thuật, nơi tồn tại các giá trị văn hóa phi vật thể, các giá trị về thẩm mỹ, du lịch của chùa Đọi Sơn là vô giá và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Đồng thời đề nghị thời gian tới các cấp chính quyền và ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích được lâu dài và bền vững.
Khẳng định việc chùa Long Đọi Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên, thể hiện sự tôn vinh những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc của các tiền nhân để lại, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với các quy hoạch vùng để phát huy tốt hơn nữa những giá trị lịch sử văn hóa của di tích quốc gia đặc biệt; xây dựng các sản phẩm du lịch, các tuyến liên kết các điểm du lịch trong vùng để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước.
TTXT du lịch Hà Nam