Địa điểm du lịch Kênh gym

Đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn - Hà Nam

Đền Trúc Hà Nam

Quần thể Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn tọa lạc giữa không gian rợp bóng trúc, khung cảnh thiên nhiên hữu tình có núi, có sông, có hang động kỳ thú, và là di tích lịch sử ý nghĩa, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Hà Nam.


Sự tích Đền Trúc Hà Nam

Nằm bên bờ sông Đáy, có quả núi nhỏ mang tên Núi Cấm, nhô lên giữa rừng trúc bạt ngàn. Tương truyền vào năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt trên đường chinh phạt phương nam đi qua thôn Quyển Sơn. Bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ của đoàn quân lên đỉnh núi Cấm. Thấy điều lạ, ông bèn cho thuyền dừng lại, cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất, cầu cho đại thắng.

Lần ra quân ấy thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng quân sĩ lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng cùng mừng chiến thắng. Lễ hội kéo dài hàng tháng, không khí tưng bừng, náo nhiệt. Trong thời gian ở đây, ông còn dạy nhân dân nuôi tằm dệt vải. Về sau, để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài, dân làng đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ngay tại nơi ông đã mở hội, giữa rừng trúc nên thơ.


Kiến trúc Đền Trúc Hà Nam

Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, tổng thể thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung. Cổng Đền Trúc là 4 cột đồng trụ: 2 cột chính giữa cao trên 6m và 2 cột nhỏ ở hai bên. Trên các cột có những họa tiết, chữ và đôi voi đắp nổi quay mặt vào nhau.

Tiền đường Đền Trúc có 5 gian, 3 gian giữa là hệ thống cửa gỗ được làm lùi và sát hàng cột quân, tường đầu hồi xây nhô ra, phía ngoài là hai cột đồng trụ. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19.

Hậu cung Đền Trúc gồm 3 gian, được xây dựng cùng phong cách với tiền đường, có 2 đầu bịt đốc, lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần. Hệ thống cửa được chạm trổ theo các đề tài tứ linh, tứ quý, hình những chiếc lá lật, những cụm mây tỏa... có giá trị nghệ thuật.

Không gian quanh đền rợp bóng trúc, màu xanh hài hòa với mái ngói cổ kính, tường rêu phong trầm mặc. Trước kia, ở đây là cả một khu rừng trúc rộng lớn. Bây giờ, diện tích đã bị thu hẹp nhiều nhưng dấu tích của rừng trúc xưa vẫn còn lại qua các tầng mùn tích tụ rất dày.


Núi Cấm - Ngũ Động Thi Sơn

Kề bên Đền Trúc là ngọn Núi Cấm vốn gắn bó với điềm linh ứng năm xưa, mang ý nghĩa tâm linh đối với dân trong vùng. Cũng vì thế mà núi Cấm vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Theo đường mòn leo lên đỉnh Núi Cấm, du khách sẽ thấy có một bàn cờ thiên tạo bằng đá, tương truyền là nơi các vị tiên thường rủ nhau về chơi cờ, ngắm cảnh nhân gian. Từ trên cao, du khách còn có dịp ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh đẹp mắt.

Trong lòng Núi Cấm còn có hệ thống hang động độc đáo gồm 5 hang nối liền nhau, tạo thành một dãy động liên hoàn dài hơn 100m, gọi là Ngũ Động Sơn hay Ngũ Động Thi Sơn Hà Nam. Cấu trúc các động rất đa dạng: Động 1 có ánh sáng hắt vào mang màu xanh nhạt của buổi sáng, màu tím huyền ảo của buổi chiều. Động 2 có nhũ đá mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ... Động 3 có nhũ đá ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh sáng rọi vào thì lung linh như ngọc. Động 4 rộng nhất với sức chứa hàng trăm người. Động 5 có những nhũ đá từ trên rủ xuống như bức rèm the. Tất cả tạo nên một không gian huyền bí, cho trí tưởng tượng bay xa.


Lễ hội Đền Trúc Hà Nam

Hàng năm, lễ hội Đền Trúc ở Hà Nam được tổ chức trong nhiều ngày đầu xuân, từ mồng 1 tháng Giêng đến ngày 10 tháng Hai âm lịch, với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Lễ hội Đền Trúc được mở vào những ngày nông nhàn nên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa về dự. Ngoài các nghi thức, nghi lễ cổ truyền, còn diễn ra nhiều trò diễn, trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, chọi gà... đặc sắc nhất là múa hát Dậm và đua thuyền.

- Hát Dậm là lối múa hát nhằm ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, mang lại cuộc sống thanh bình, an cư lập nghiệp. Đua thuyền vừa là một cuộc đua tranh sôi nổi mang tính thể thao, vừa là một nghi lễ tái hiện cuộc hành quân hào hùng của Lý Thường Kiệt trên dòng sông Đáy. Đua thuyền còn là hoạt động tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước cổ xưa, thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt.
Đền Trúc Hà Nam - cổng vào
Đền Trúc Hà Nam - cổng vào
Đền Trúc Hà Nam cổ kính
Đền Trúc Hà Nam cổ kính
Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn kỳ ảo
Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn kỳ ảo

Mục lục

Du lịch Hà Nam
          - Làng trống Đọi Tam
          - Chùa Long Đọi Sơn
          - Đền Trúc & Ngũ Động Thi Sơn
          - Chùa Bà Đanh