Du lịch Hà Nam được đánh giá là một trong những điểm đến có nhiều di sản văn hóa. Từ những dấu tích thời hậu đồ đá mới của người nguyên thủy, dấu tích về người Việt cổ, dấu tích văn hóa Đông Sơn... đến những di vật cổ mang dấu ấn văn hóa từng thời kỳ đã làm rạng rỡ văn hóa Hà Nam hôm nay.
So với những tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, du lịch Hà Nam có số lượng di tích phong phú, phân bố đều ở trên 1.200 thôn, xóm. Hầu như thôn xóm nào cũng còn tồn tại những di tích đình chùa, miếu mạo. Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh, cả tỉnh hiện có trên 1.780 di tích, trong đó có 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, trên 300 ngôi đền, còn lại là phủ, miếu, văn chỉ, từ đường. Những di tích gắn bó trong đời sống của nhân dân, là những công trình kiến trúc mang dấu ấn thời gian, lịch sử và tâm thức con người.
Chỉ nhìn vào đó cũng thấy, đời sống tinh thần, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân nơi đây phong phú, đa dạng. Có những di tích tồn tại hàng nghìn năm, trở thành "Bảo vật quốc gia" như tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, Trống đồng Ngọc Lũ - biểu tượng rực rỡ nhất của nền văn hóa Đông Sơn... Những ngôi đình, ngôi chùa ghi dấu trăm năm vẫn còn nguyên dáng vóc kiến trúc, khắc vào lịch sử tinh thần thời đại, cuộc sống, chiến đấu, lao động của ông cha ta hàng nghìn năm. Sự tồn tại của những di tích đó không chỉ bồi đắp chiều sâu văn hóa dân tộc mà còn nhắc nhớ, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Hà Nam về truyền thống ứng xử, đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Di tích nào cũng có ít nhất một câu chuyện, một truyền thuyết để thế hệ sau không ngừng lắng nghe, không ngừng suy nghĩ, không ngừng bồi đắp văn hóa cho nó, để trường tồn, tỏa sáng các giá trị trong đời sống và du lịch Hà Nam.
Hơn một trăm lễ hội lớn nhỏ được tổ chức quanh năm, suốt bốn mùa cây xanh trái chín không phải chỉ để con người tận hưởng những niềm hân hoan của cuộc sống mà còn là dịp để họ thể hiện trước đất trời linh thiêng, tấm lòng lễ nghĩa của mình với các bậc thánh nhân, những con người có công với đất nước, với nhân dân được thờ trong các di tích của Hà Nam. Cũng từ những lễ hội này, cháu con Hà Nam khắp các miền xuôi - ngược, Nam - Bắc trở về thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng nhau góp sức, góp công, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, bảo tồn di tích. Di tích còn thì văn hóa đậm đà bản sắc, du lịch Hà Nam phát triển. Ví như chuyện về lễ hội đền Trần Thương, ngoài việc được chiêm bái Đức Thánh Trần linh thiêng, người ta còn được đắm mình trong không gian của nghi lễ Chầu văn. Hay về lễ hội đền Lảnh Giang, ai ai cũng được thỏa lòng chiêm bái một không gian di tích đồ sộ, cổ kính và linh thiêng; được hòa mình vào những giá văn chầu Thánh phiêu diêu, bay bổng lạ kỳ... Tất cả trở thành những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị đối với văn hóa, du lịch tỉnh Hà Nam.
Làm gì để tiếp tục phát huy giá trị của những di sản ấy trong đời sống và du lịch Hà Nam đang trở thành vấn đề được quan tâm hiện nay đối với tỉnh. Thực tế, nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã thu được những kết quả khích lệ. Cho đến thời điểm này, sau 20 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đã có 10 đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia như Múa hát Lải Lèn, múa hát Dậm Quyển Sơn, Hội vật võ Liễu Đôi, Hát Trống quân, Vật Cầu An Mông...
Ngoài nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xã hội hóa nhằm trùng tu tôn tạo di tích cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh huy động từ 20-30 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ vậy, du lịch Hà Nam đã có gần 80 di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo. 11 di tích trong số này được đầu tư tu bổ lớn là Chùa Long Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hoà Ngãi, đình An Hoà, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh...
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt điều tra thám sát khảo cổ học tại các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng; đặc biệt là tại quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn (huyện Duy Tiên). Thông qua các cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị và đưa về lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày tại điểm di tích. Hiện ở Bảo tàng Hà Nam đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật, tài liệu gốc quý hiếm.
Bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản là cách làm giàu có thêm đời sống vật chất và tinh thần cho con người và xã hội; làm dày dặn thêm truyền thống lịch sử, văn hiến của quê hương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đó không đơn giản chỉ là dùng tiền để xây đắp, tôn tạo, mà còn phải làm tốt công tác giáo dục nhận thức cho con người về kiến thức, tình cảm đối với di sản để có nền tảng tư duy tốt trong việc phát huy các giá trị của di sản ấy, qua đó đóng góp quan trọng cho du lịch Hà Nam phát triển.
TTXT du lịch Hà Nam