Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Hà Nam chú trọng du lịch tâm linh

19/01/2017 - 1547 view
Du lịch Hà Nam chú trọng du lịch tâm linh

Nằm trên trục phát triển du lịch quốc gia, kết nối dễ dàng với các tỉnh trong khu vực, du lịch Hà Nam xác định tạo bước đột phá trong phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Để đạt được mục tiêu này, ngoài đầu tư xây dựng những trọng điểm du lịch mang tầm khu vực, quốc gia, tỉnh còn cần tạo mở những con đường du lịch tâm linh...

Năm 2016, đền Trần Thương được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Theo sử sách, đây được coi là một trong 6 kho lương của nhà Trần do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn xây dựng trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn được làm lại và hiện còn được lưu giữ nguyên dáng kiến trúc cổ kính, uy linh. Năm 2009, đền đã được nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo lớn. Đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch quần thể di tích ngày một quy mô, bề thế, tạo cảnh quan di tích rộng lớn, trang nghiêm. Đây là điều kiện thuận lợi để khu di tích - văn hóa tâm linh đền Trần Thương phát huy giá trị và trở thành điểm du lịch Hà Nam thu hút khách trong và ngoài nước.

Cùng với đền Trần Thương, nhiều di tích khác như đền Lảnh Giang, đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, đền Bà Vũ, đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh và đền thờ 10 nữ dân quân Lam Hạ, miếu thờ Hai cô... đều được tỉnh đầu tư, xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tâm linh gắn với du lịch Hà Nam. Đi liền với tôn tạo di tích, những lễ hội tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, văn hóa được thờ tại các di tích này cũng được tổ chức hằng năm với quy mô và tính chất đặc biệt hơn so với những lễ hội khác đã thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.

Đông nhất vẫn là Lễ phát lương Đức Thánh Trần diễn ra tại đền Trần Thương đêm hôm Rằm tháng Giêng, thu hút từ 80.000 đến 150.000 lượt khách du lịch Hà Nam tham dự. Tiếp đó là lễ hội đền Lảnh Giang, văn hóa tín ngưỡng ăn sâu vào đời sống tâm linh, nhắc nhủ con cháu nhớ về cội nguồn đất nước. Sự duy trì tục thờ Mẫu và thờ thần tại ngôi đền này đã nuôi dưỡng và phát triển một loại hình âm nhạc dân gian truyền thống độc đáo, đó là hát Văn. Việc thờ cúng các vị thần cũng như thánh Mẫu trong đền là cơ sở để loại hình hát Chầu Văn ra đời và tồn tại.

Cái nhìn về du lịch tâm linh rộng mở đối với người Hà Nam trong những năm qua đã góp phần đưa những di tích và lễ hội tiêu biểu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nam, du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa đáng chú ý nhất, được coi trọng trong mọi phương diện đầu tư để tỉnh bắt tay xây dựng một chiến lược du lịch mới.

Tam Chúc - Ba Sao được khai thác, mở rộng và phát triển trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia với diện tích trên 5.100ha. Dự án Khu du lịch Tam Chúc được đánh giá là một trong các địa điểm du lịch Hà Nam đầy tiềm năng phát triển, là gạch nối giữa khu du lịch Chùa Hương (Hà Nội) với quần thể du lịch Vân Long - Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Đây cũng chính là ba điểm trong trục du lịch tâm linh có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, đặc biệt là có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo của khu vực phía Bắc. Tam Chúc đã và đang hiện thực hóa quan điểm của tỉnh về phát triển du lịch Hà Nam, dựa trên những giá trị đặc thù nổi trội về tài nguyên là văn hóa, tâm linh và sinh thái nông nghiệp.

Khai thác triệt để lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh, lấy thành phố Phủ Lý làm trung tâm, phát triển du lịch Hà Nam theo thế chân vạc với 3 cụm du lịch vệ tinh là Kim Bảng, Lý Nhân và Duy Tiên. Đến năm 2020, đầu tư nâng tầm Phủ Lý thành trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, điểm trung chuyển phân phối khách đến các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh và kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng như Bái Đính, Hoa Lư, chùa Hương, đền Trần là định hướng phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Hiện thực hóa định hướng, mục tiêu phát triển du lịch, đưa du lịch tâm linh trở thành sản phẩm du lịch nổi trội nhất, hấp dẫn nhất, có điều kiện phát triển bền vững nhất được tỉnh cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên, cho thấy con đường du lịch tâm linh đang được mở rộng, đưa du lịch Hà Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

TTXT du lịch Hà Nam

Mục lục

Du lịch Hà Nam
          - Làng trống Đọi Tam
          - Chùa Long Đọi Sơn
          - Đền Trúc & Ngũ Động Thi Sơn
          - Chùa Bà Đanh