Sáng ngày 07/4 (tức ngày 17 tháng 3 năm Nhâm Thìn), lễ hội chùa Long Đọi Sơn năm 2012 chính thức khai hội. Tới dự có ông Phạm Tư Lành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên; Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Hà Nội; lãnh đạo: Huyện Duy Tiên, xã Đọi Sơn, một số huyện, thành phố trực thuộc các tỉnh bạn, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các tăng ni phật tử, nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân địa phương. Lễ hội nhằm quảng bá các công trình kiến trúc tại di tích lịch sử chùa Long Đọi Sơn, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách.
Tại đây, vào năm 987, vua Lê Đại Hành đã về mở hội thi cày cấy. Hơn 100 năm sau, năm 1118, vua Lý Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng theo dòng Châu Giang ghé thăm núi Đọi, thấy cảnh sắc núi sông hữu tình đã cho xây dựng chùa, đặt tên là chùa Long Đọi Sơn và xây dựng Bảo Tháp Sùng Thiện Diên Linh. Như vậy, địa danh núi Đọi - sông Châu gắn liền với sự ra đời của Bảo Tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Chùa và tháp đứng vững hơn 300 năm, đầu thế kỷ 15, khi quân Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp đã bị phá hủy hoàn toàn. Cho đến cuối thế kỷ 16 vào năm 1591, đời nhà Mạc, nhân dân địa phương mới dựng lại, khiến cho hơn 500 năm sau, một nơi danh thắng trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ. Từ đó đến năm 1860, chùa Long Đọi Sơn lại tiếp tục được tu sửa thượng điện, tiền đường, nhà tổ... Đến năm 1864, chùa tiếp tục được tu sửa hành lang, đúc tượng Di Lặc, đúc khánh đồng do Sư tổ đời thứ 5 trụ trì xây dựng, hoàn chỉnh 125 gian, từ đó trở thành trường Bắc Kỳ phật giáo.
Trong kháng chiến chống thực dân, một lần nữa chùa lại bị phá đổ hoang tàn. Ngay sau khi hòa bình lập lại năm 1957, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà sư cùng các tín đồ phật tử và nhân dân trong vùng đã sửa chữa tôn tạo lại di tích. Hiện nay chùa Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữ những cổ vật quý hiếm thời Lý, hiện vật giá trị nhất là tấm bia đá được khắc năm 1121, chữ trên bia đá được khắc kín cả hai 02 mặt. Ngoài tấm bia, ở chùa còn lưu giữ 06 pho tượng đá kim cương, tượng đá đầu người mình chim...
Năm 1992, chùa Long Đọi Sơn Hà Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đến chùa, du khách không chỉ được thăm một trong những thắng cảnh nổi tiếng của chốn Nam Sơn cổ sử đệ nhị, mà còn có dịp tìm hiểu một ngôi chùa cổ kính, một trong những kiến trúc tiêu biểu của thời Lý. Và đến với lễ hội chùa Long Đọi Sơn, ngoài việc bái vọng Phật pháp, cầu may cũng là dịp để mỗi người tưởng nhớ các danh nhân lịch sử dân tộc.
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn năm 2012 kéo dài đến hết ngày 11/4 (tức ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thìn) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian như hội chọi gà, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người...
TTXT du lịch Hà Nam