Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Cao Bằng, sức hút văn hóa dân tộc

23/05/2017 - 2898 view
Du lịch Cao Bằng, sức hút văn hóa dân tộc

Du lịch Cao Bằng được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ mà còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội dân gian giàu bản sắc truyền thống của các dân tộc gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là những di sản văn hóa vô giá tạo nên sức hút với khách du lịch trong và ngoài nước.

Chị Hoàng Mai từ Hà Nội lên du lịch Cao Bằng tháng 4 năm 2017, sau khi được giới thiệu về Lễ hội Thanh Minh ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên), đã ở lại thêm 2 ngày dự lễ hội. Chị Mai chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như vậy. Bà con nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình từ trang phục đến nghề truyền thống, ẩm thực... khiến cho chuyến du lịch Cao Bằng 3 ngày của tôi thật thú vị. Cao Bằng lâu nay vẫn có tiếng là một vùng văn hóa đa dạng, phong phú bởi sự giao hòa của nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình. Những phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa, như: các làn điệu then, sli, lượn; các lễ hội truyền thống Pháo hoa, Nàng hai, Lồng tồng, Thanh minh...

Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, khác lạ để thu hút khách du lịch Cao Bằng, trong những năm qua, tỉnh đã có những hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa khác lạ của dân tộc, như: thống kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, in ấn lại các loại sách cổ có giá trị; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống...

Ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết: Hằng năm, ngành luôn coi trọng chỉ đạo công tác kiểm kê di tích, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Toàn tỉnh hiện có 215 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó, 95 di tích đã được xếp hạng (2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 28 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Các di tích đã xếp hạng được xây dựng bia để bảo vệ và phát huy giá trị. Công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật kiện toàn kho cơ sở được tiến hành thường xuyên. Đến nay, đã sưu tầm được 15.874 đơn vị hiện vật. Theo khảo sát, kiểm kê bước đầu, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 40 bia đá cổ, 6 bia ma nhai... Việc điều tra, khảo sát, thống kê lập hồ sơ và xếp hạng di tích là một trong những hoạt động quan trọng và là cơ sở có giá trị khoa học để xác định được thứ tự ưu tiên cho việc lập dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị nhằm phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng thông qua việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa đặc trưng được sưu tầm, nghiên cứu; xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận di sản Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 10 nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chính phủ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng không chỉ dừng ở các cơ quan, đơn vị mà còn phát triển rộng khắp ở các khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 đội văn nghệ quần chúng được tổ chức hoạt động thường xuyên. Nhiều cá nhân, gia đình, dòng họ nêu cao ý thức giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền với nhiều hình thức: sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, tổ chức truyền dạy, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương... Nhờ các hoạt động tích cực đó, các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy. Ngoài ra, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cao Bằng phối hợp với UBND của 2 cụm huyện miền Đông, miền Tây định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi hát dân ca giao duyên - trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, hội thi công nông binh, hội diễn các ca khúc cách mạng... Hoạt động giao lưu văn hóa được thể hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng về loại hình và ngày càng phát triển về quy mô, không chỉ dừng lại ở các cấp địa phương trong tỉnh, mà thể hiện khá rõ trong khuôn khổ Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc được tổ chức hằng năm tại các tỉnh. Những năm gần đây, Sở phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng (Helvetas) - đại diện một số tổ chức phi chính phủ cùng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tiêu biểu nhất là việc tổ chức các cuộc triển lãm thổ cẩm, hàng thủ công truyền thống dân tộc và văn du lịch Cao Bằng tại thành phố Hồ Chí Minh; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh... Qua các hội diễn, liên hoan, hội chợ, Cao Bằng xác định được những vùng, điểm có khả năng khai thác và phát triển phục vụ du lịch, từ đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống đã được bảo tồn, khôi phục, như: Lễ hội Pháo hoa, Nàng hai, Lồng tồng, hội Thanh Minh, Lễ cấp sắc, nghề rèn, đan lát, chạm khắc bạc, dệt thổ cẩm của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô... nhằm thu hút khách du lịch Cao Bằng đến các làng bản dân tộc để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống.

Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc hòa quyện cùng danh lam thắng cảnh thiên nhiên ưu đãi giúp cho du lịch Cao Bằng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển bền vững.

TTXT du lịch Cao Bằng

Mục lục

Du lịch Cao Bằng
          - Thác Bản Giốc
          - Động Ngườm Ngao
          - Hồ Thang Hen
          - Khu di tích Pác Bó
          - Làng rèn Phúc Sen