Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển du lịch Cao Bằng, năm 2016, lượng khách đến tỉnh tăng 13,5% so với năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt, khách nội địa ước đạt 701.000 lượt. Doanh thu ước đạt 142,5 tỷ; tăng trưởng du lịch đạt 21%; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 313 tỷ đồng.
Chương trình phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng. Tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, thân thiện với môi trường... đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía bắc và cả nước.
Theo đó, mục tiêu cụ thể xác định du lịch Cao Bằng nằm trong mối liên kết với không gian du lịch vùng Tây Bắc, nối tuyến đến một số địa phương thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Phấn đấu đến năm 2020, đưa Khu du lịch quốc gia đặc biệt Pác Bó thành điểm du lịch quốc gia, Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao thành khu du lịch quốc gia. Về thu hút khách, xác định đến năm 2020 đạt 75.000 lượt khách quốc tế, 820.000 lượt khách nội địa; thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 420 tỷ đồng, du lịch chiếm 3% tổng GDP toàn tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh và ngành du lịch Cao Bằng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về cơ chế chính sách, tỉnh thúc đẩy ký kết khung thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn (huyện Hạ Lang) là cửa khẩu song phương; mở các lối mở tại các khu vực có tiềm năng du lịch nhằm tạo điều kiện thu hút khách du lịch từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, khai thác và ưu đãi đối với đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và tham gia vào dịch vụ du lịch.
Về công tác quy hoạch, đôn đốc hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc; quy hoạch Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén...; lập hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu tỉnh Cao Bằng; lập hồ sơ xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 là di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, triển khai đồng bộ các đề án, dự án đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch tại các khu du lịch Cao Bằng trọng điểm, tôn tạo và xây dựng các khu du lịch sinh thái; triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Cao Bằng với thành phố Bách Sắc, Sùng Tả và các huyện biên giới của Trung Quốc.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá, thông tin tuyên truyền giới thiệu các điểm du lịch Cao Bằng, bản sắc văn hóa, ẩm thực... đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
TTXT du lịch Cao Bằng