Những năm qua, du lịch Cà Mau có những bước đi vững chắc, ngày càng thu hút nhiều du khách. Và du lịch sinh thái cộng đồng (homestay) là mô hình hứa hẹn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho du lịch tỉnh và Mũi Cà Mau.
Phát huy tiềm năng vốn có
Lần đầu tiên đặt chân lên mũi đất tận cùng cực Nam Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia và được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị cùng người dân Đất Mũi, anh Nguyễn Trung Hậu, quê ở tỉnh Sóc Trăng, cảm thấy vô cùng thú vị. Anh chia sẻ: “Lần đầu tôi đưa gia đình đến Khu du lịch đất Mũi Cà Mau, chủ yếu để tận mắt nhìn thấy cột mốc tọa độ và tham quan thắng cảnh Mũi Cà Mau. Cảm giác thật sảng khoái khi bốn bề là bao la rừng, biển. Điểm du lịch cộng đồng cũng rất rộng và thoáng mát, người dân Đất Mũi hòa đồng, phục vụ ân cần, vui vẻ với các món ăn đậm chất Nam Bộ rất tuyệt vời”.
Để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cà Mau cùng các ngành liên quan tập trung thực hiện nhiều giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thiết chế văn hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch lại các vùng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các nhà vườn làm du lịch, xây dựng các điểm nghỉ và dừng chân, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về làm du lịch cộng đồng, tổ chức cho các nhà vườn đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng thành công ở các tỉnh, mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch sinh thái cho người dân... Hiện các dự án du lịch cộng đồng được người dân đồng tình ủng hộ và đã đưa vào khai thác. Một số mô hình được đầu tư bài bản, bước đầu thu hút lượng khách tham quan khá lớn. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần (Năm Nhuần), ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi Cà Mau.
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Nhuần được đầu tư bởi Dự án SIDA - Thụy Điển, không hoàn vốn. Gia đình hiện có 9 ha đất rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản. Trên diện tích này, ông xây dựng không gian thư giãn lý tưởng để đón khách du lịch Mũi Cà Mau, với những nhà sàn trên mặt nước, sàn gỗ, lợp lá. Đến đây, du khách vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí thật mát mẻ, lại được thưởng thức những món hải sản tươi sống đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, còn có thể bơi xuồng trong vuông tôm, được tự do câu cá, bắt ốc len, sò huyết... Ngoài ra, du khách ở xa có thể nghỉ đêm tại đây. Bà Lương Thị Phượng (vợ ông Năm Nhuần) tâm sự: “Lúc đầu mở mô hình du lịch này, gia đình cũng lúng túng, nguồn vốn không có và cũng không biết làm như thế nào. Nhờ được Dự án SIDA - Thụy Điển chọn gia đình tôi làm thí điểm và địa phương hướng dẫn nên quen dần. Ban đầu ít khách, nhưng nhờ nhiều người giới thiệu nên lượng khách tăng dần, đông nhất là vào các dịp hè và ngày lễ. Hiện tại ở ấp có 3 gia đình làm mô hình này”. Bà Phượng cho biết thêm: “Sắp tới gia đình sẽ đầu tư mở rộng khu du lịch, bắc cầu khỉ đi vào rừng, cất khoảng 5-8 chòi lá để khách có chỗ nghỉ chân khi tham gia các hoạt động bắt ốc len, câu cá, giăng lưới...”.
Tạo điểm nhấn cho du lịch
Quy hoạch tổng thể du lịch Cà Mau đến năm 2030 đã xác định, sản phẩm chính là du lịch sinh thái, du lịch địa lý, tăng cường phát triển quà tặng. Sở VHTTDL đã hoàn thành việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chi tiết quy hoạch xây dựng khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau (đã được phê duyệt theo Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 29/2/2012) với cồn Ông Trang; Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Khu Du lịch Văn hóa - Thể thao đầm Thị Tường; Khu Di tích Bác Ba Phi. “So với một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, khả năng thu hút khách nội địa của Cà Mau tương đối cao, nhưng thị trường khách quốc tế còn thấp”, anh Trần Xuân Trường - Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhận định.
Anh Trường thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát các tuyến du lịch nhằm có kế hoạch nối tuyến để khai thác, tránh sự nhàm chán cho du khách, góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch Cà Mau; đồng thời nghiên cứu các điểm dừng chân cho khách nghỉ ngơi hợp lý. Như tuyến T19 ven rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tuyến Cà Mau - U Minh - Sông Trẹm, trong đó có Hợp tác xã 19/5, thuộc ấp 20, xã Nguyễn Phích) hiện có khoảng 10 hộ đã được đi học hỏi các nơi về áp dụng mô hình: giăng lưới bắt cá, lấy ong mật... Và khu du lịch cộng đồng Mũi Cà Mau hiện có một số hộ đưa vào hoạt động các hình thức trải nghiệm mới như: bắt ba khía ban đêm, đặt lọp cua, mò sò huyết, bắt vọp...”.
Từ nay đến năm 2020, ngành du lịch sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch, các khu vui chơi, phương tiện vận chuyển khách, tuyên truyền quảng bá... Tập trung đầu tư cho tuyến Khai Long - Đất Mũi, tuyến đường giao thông Vườn Quốc gia U Minh Hạ và đường nội bộ khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau. Ngoài ra còn kêu gọi các nhà đầu tư là doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia đầu tư cơ sở lưu trú, điểm du lịch, vận chuyển du lịch. Du lịch sinh thái cộng đồng đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho Đất Mũi nói riêng và Cà Mau nói chung.
TTXT du lịch Cà Mau