Địa điểm du lịch Kênh gym

Đồi cát bay Mũi Né, giữ gìn và phát huy

10/05/2019 - 3321 view
Đồi cát bay Mũi Né, giữ gìn và phát huy

Gìn giữ, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên Đồi cát bay Mũi Né - là chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua tại khách sạn Bình Minh, TP Phan Thiết. Hội thảo do Sở Khoa học - Công nghệ Bình Thuận, Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế phối hợp tổ chức với sự tham gia của đại diện các ban ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

Đây là hội thảo khoa học lần thứ 3 để triển khai Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên của Đồi cát bay Mũi Né, góp phần phát triển du lịch Bình Thuận”. Trước khi tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề xuất các giải pháp, Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện Tài nguyên và Môi trường, đã trình bày tham luận về các yếu tố ảnh hường và tác động đến Đồi cát bay. Theo đó, có 2 yếu tố chính tác động đến Đồi cát bay là tự nhiên (gió, thành phần cát, cơ chế tạo đụn cát, hệ thực vật trên cát) và xã hội (du lịch, dịch vụ, nông lâm nghiệp, giao thông).

Bên cạnh những tác động, hội thảo cũng đưa ra ý kiến về thực trạng quản lý và sử dụng Đồi cát bay Mũi Né thời gian qua. Kể từ năm 2016 đến nay, Đồi cát bay đã được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Dã ngoại thanh thiếu niên - Tỉnh đoàn Bình Thuận quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do việc quản lý vẫn còn chồng chéo, chưa thể hiện rõ trách nhiệm giữa đơn vị quản lý với Ban quản lý khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né và phường Mũi Né nên vẫn còn nhiều hạn chế như: vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, ùn tắc giao thông, quá tải vào dịp lễ tết, sản phẩm đơn điệu, thiếu các dịch vụ hấp dẫn phục vụ du khách.

Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là đề xuất những giải pháp gìn giữ, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên của Đồi cát bay Mũi Né. Thạc sĩ Nguyễn Đình Huy, Viện Tài nguyên và Môi trường, đã nêu các quan điểm và đề xuất 5 nhóm giải pháp: quy hoạch, tổ chức khai thác và sử dụng theo quy hoạch, quản lý về thể chế - chính sách, kỹ thuật và khoa học - công nghệ, tuyên truyền và quảng bá thương hiệu Đồi cát bay. Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Huy, để vừa khai thác tốt vừa gắn với công tác gìn giữ, tôn tạo cho vẻ đẹp tự nhiên Đồi cát bay, quy hoạch nên theo 6 phân khu chức năng là: khu công viên và cung cấp dịch vụ, đường đi bộ thưởng ngoạn Đồi cát bay, khu chụp ảnh nghệ thuật, khu trò chơi trên cát (trượt cát, nhảy dù, trò chơi vận động), khu thả diều, khu tham quan, khám phá thảm thực vật.

Đồi cát bay Mũi Né hiện có diện tích khoảng 36,8 ha thuộc phường Mũi Né, TP Phan Thiết, cách trung tâm thành phố khoảng 22 km và nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của thành phố du lịch Phan Thiết, luôn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Do vậy, triển khai Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên của Đồi cát bay Mũi Né góp phần phát triển du lịch” rất có ý nghĩa trong việc phát triển ngành du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của địa phương. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Văn Công Thới, kể từ khi triển khai đề tài từ tháng 6/2017 đến nay đã tổ chức được 3 hội thảo khoa học về gìn giữ, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên của Đồi cát bay. Dự kiến, trên cơ sở góp ý, đánh giá và đề xuất, đến tháng 6/2019 sẽ tiến hành nghiệm thu đề tài và triển khai thực hiện, qua đó góp phần tạo nên những nét hấp dẫn mới cho Đồi cát bay Mũi Né.

TTXT du lịch Bình Thuận

Mục lục

Du lịch Bình Thuận
 - Du lịch Phan Thiết
   (1) Du lịch Mũi Né
              - Đồi Cát Bay
              - Suối Tiên
              - Hòn Rơm
   (2) Các điểm du lịch lân cận
              - Bãi biển Đồi Dương
              - Tháp Pôshanư
              - Dinh Thầy Thím
              - Núi Tà Cú
              - Bàu Trắng
              - Cù Lao Câu
              - Ghềnh Son