Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Mũi Né, kỳ vọng độ “phủ sóng”

10/04/2018 - 3168 view
Du lịch Mũi Né, kỳ vọng độ phủ sóng

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Mũi Né (Bình Thuận) - khu du lịch quốc gia đến năm 2030 đang được địa phương xúc tiến triển khai với kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh nhà.

“Điểm sáng” du lịch

Cách đây 5 năm, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu du lịch Mũi Né là khu du lịch quốc gia. Do vậy, việc xúc tiến lập quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công nhận luôn được địa phương quan tâm, xem đó là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Triển khai nội dung này cũng thể hiện quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020.

Mới đây, vấn đề này tiếp tục được địa phương cụ thể hóa bằng hội thảo chuyên đề “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030”. Tham gia ý kiến, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên đã xác định 21 khu vực có tiềm năng và điều kiện để phát triển thành KDL quốc gia, trong đó có khu du lịch Mũi Né. Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, các KDL quốc gia là những nơi được quy hoạch hướng đến ưu tiên khai thác những giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc để phát triển các sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn ở tầm khu vực và quốc tế.

Trao đổi nội dung này, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng - Đại học Quốc gia TP. HCM, Ủy viên BCH - Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Du lịch TP. HCM cũng đánh giá cao khu du lịch Mũi Né. Vì trên thực tế, Mũi Né - Bình Thuận bước đầu trở thành thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế với tư cách là “thủ đô resort” của Việt Nam và đã được nhiều tạp chí uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng. Trong quy hoạch chung, Mũi Né cũng là một trong 47 địa điểm tiềm năng trở thành khu du lịch cấp quốc gia, đồng thời có mối liên hệ vùng rất thuận lợi để kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP. HCM, “tam giác du lịch” Vũng Tàu - Đà Lạt - Nha Trang... Thế nên việc quy hoạch được xây dựng và triển khai nghiêm túc, chắc chắn Mũi Né ngày càng trở thành một “trọng điểm du lịch” quốc gia và mang tầm quốc tế.

Cần “phủ sóng” rộng

Được biết, Công ty CP Quy hoạch Hà Nội là đơn vị được chọn tư vấn xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đề xuất của đơn vị này, Khu du lịch quốc gia Mũi Né nên chọn phát triển không gian du lịch theo phương án trung bình (sau khi so sánh với phương án thấp và phương án cao). Đó là KDL quốc gia mang đẳng cấp quốc tế, điểm đến quốc tế được mở rộng từ khu du lịch Mũi Né hiện trạng về phía Bắc, lấy đến hết ranh giới các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình) và Hòa Phú (Tuy Phong). Ngoài ra còn tính đến mở rộng kết nối với huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi, nhằm tạo các điểm du lịch vệ tinh cho KDL quốc gia như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, suối khoáng nóng Bưng Thị, hải đăng Kê Gà... Nếu chọn phương án trung bình, chỉ tiêu phát triển khách du lịch đến năm 2025 của Bình Thuận đón khoảng 10,31 triệu lượt (trong đó khách quốc tế có 1,3 triệu lượt), đến năm 2030 phấn đấu đón 16,1 triệu lượt (khách quốc tế khoảng 2,1 triệu lượt).

Nếu cân nhắc phương án cao, Khu du lịch quốc gia Mũi Né có độ “phủ sóng” về phía Bắc lấy đến hết các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình), Hòa Phú (Tuy Phong) và về phía Nam từ xã Tiến Thành (Phan Thiết) đến khu vực Hòn Lan, Kê Gà (Hàm Thuận Nam). Theo đó, ngoài khu du lịch Mũi Né hiện trạng, khu vực xã Tiến Thành được tập trung phát triển các resort và sản phẩm thể thao biển, còn từ Tiến Thành đến Hòn Lan sẽ triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng, xác định du lịch du thuyền là sản phẩm đặc trưng nổi bật. Đối với thị trường khách du lịch cũng hướng đến tiếp cận đối tượng khách có mức chi tiêu cao với chỉ tiêu đón khoảng 13,8 triệu lượt vào năm 2025 (trong đó khách quốc tế có 1,8 triệu lượt), phấn đấu đạt mức 25,5 triệu lượt vào năm 2030 (khách quốc tế khoảng 3,3 triệu lượt).

Với thương hiệu du lịch Mũi Né khi được quy hoạch thành KDL quốc gia, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ đều mong muốn mở rộng độ “phủ sóng” nhằm thuận lợi trong kinh doanh. Tuy nhiên địa phương và các ngành chức năng cũng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để quy hoạch mở rộng ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né sao cho phù hợp điều kiện thực tế, nhất là phải có tính khả thi cao. Bởi bên cạnh quy mô của quy hoạch, thương hiệu du lịch Mũi Né cũng phải đảm bảo chất lượng, xây dựng và đáp ứng những sản phẩm du lịch xứng tầm - đó là bài toán nan giải về thu hút nguồn vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thực hiện không còn dài...

TTXT du lịch Bình Thuận

Mục lục

Du lịch Bình Thuận
 - Du lịch Phan Thiết
   (1) Du lịch Mũi Né
              - Đồi Cát Bay
              - Suối Tiên
              - Hòn Rơm
   (2) Các điểm du lịch lân cận
              - Bãi biển Đồi Dương
              - Tháp Pôshanư
              - Dinh Thầy Thím
              - Núi Tà Cú
              - Bàu Trắng
              - Cù Lao Câu
              - Ghềnh Son