Địa điểm du lịch Kênh gym

Tháp Pôshanư đầu xuân, ngon bánh Nongya

12/02/2016 - 3424 view
Tháp Pôshanư đầu xuân, ngon bánh Nongya

Sáng mùng 5 tết (12/2/2016), Tháp Pôshanư (tháp Pô sah inư, tháp Poshanư, tháp Poshanu) Bình Thuận khá đông khách du lịch. Các đoàn khách tập trung trên tháp chính tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật múa Chăm tại sân khấu văn nghệ. Tiếng khèn saranai và trống ginăng vang lên thôi thúc nhịp múa Nhảy lửa sôi động, hay nhịp nhàng dìu dặt bước chân vũ nữ Chăm trong điệu “Cánh quạt đầu xuân”. Nhiều tràng vỗ tay vang lên sau điệu múa.

Trong khuôn viên di tích Tháp Pôshanư, nhiều người cũng tụ tập nơi vòm trình diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm. Tại đây có những phụ nữ Chăm biểu diễn nghệ thuật dệt vải và điêu khắc hình tượng gốm. Nhưng người xem tập trung nhất ở khu vực làm bánh Nongya.

Hai phụ nữ Chăm đang biểu diễn làm bánh Nongya tại Tháp Pôshanư cùng tên Hương, gọi là Hương chị và Hương em. Họ cho biết bánh Nongya có tên Việt là bánh củ gừng. Đây là loại bánh đặc biệt chỉ làm vào những dịp lễ, tết, hoặc làm để trân trọng tặng những vị khách quý chứ không làm để bán ở chợ. Nhân dịp đầu năm mới, họ đến Tháp Pôshanư biểu diễn cách làm bánh củ gừng này để khách vui xuân thưởng lãm.

Bánh củ gừng được làm bằng bột nếp trộn lòng đỏ trứng gà. Bột trộn trứng được nhào kỹ bằng tay rồi cho vào cối giã cho thật nhuyễn. Sau đó, từng vắt bột lớn hơn quả trứng gà được lấy ra từ khối nguyên liệu. Bột này được đặt trên tấm lá chuối phết dầu ăn và người thực hiện tạo hình bánh bắt đầu nặn. Dần dần, từ cục bột tròn, chiếc bánh củ gừng đã được nắn thành hình củ gừng với nhiều nhánh tua tủa. Chị Hương em nặn bánh cho biết: Ngày trước, bánh được nặn giống hệt như củ gừng thật. Hiện nay, bánh củ gừng có thể tạo nhiều hình dạng, miễn là có nhiều nhánh tua tủa như nhánh gừng là được.

Dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ Chăm, bánh đã được Hương em nặn xong và chuyển sang cho Hương chị chiên bánh. Chiếc bánh củ gừng được thả vào chảo dầu sôi. Dầu dùng để chiên bánh là loại dầu ăn bình thường được bán trong các siêu thị. Bánh được chiên cho đến chín vàng và vớt ra để cho khô ráo trên một mâm nhôm. Đây chỉ mới là công đoạn chiên bánh chín. Bánh lúc này có vị bùi bùi béo béo nhưng chưa ngọt. Để bánh ngọt, cần phải nhúng bánh vào một chảo nước đường sền sệt. Công đoạn nhúng bánh vào nước đường này gọi là xào đường. Cuối cùng, bánh được vớt ra để cho khô ráo nhằm tăng độ giòn, cứng.

Nội buổi sáng mùng 5 tại khu di tích Tháp Pôshanư, hai chị đã làm gần hai ký bột và không kịp nhúng bánh vào nước đường, mà chỉ vừa vớt ra để trên mâm là đã có khách mua thưởng thức ngay. Hai chị rất vui vì sản phẩm của mình vừa làm ra đã được khách tham quan tiêu thụ. Khách du lịch cũng rất vui vì đầu năm được thưởng thức món bánh đặc biệt của dân tộc Chăm tại Tháp bà Poshanư.

* Theo phong tục của người Chăm, những chiếc bánh củ gừng luôn góp mặt trên mâm các lễ hội lớn và quan trọng như: lễ cưới, Tết, Katê... Bánh thể hiện một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm.

Tháp Pôshanư đầu xuân, ngon bánh Nongya 2


TTXT du lịch Bình Thuận

Mục lục

Du lịch Bình Thuận
 - Du lịch Phan Thiết
   (1) Du lịch Mũi Né
              - Đồi Cát Bay
              - Suối Tiên
              - Hòn Rơm
   (2) Các điểm du lịch lân cận
              - Bãi biển Đồi Dương
              - Tháp Pôshanư
              - Dinh Thầy Thím
              - Núi Tà Cú
              - Bàu Trắng
              - Cù Lao Câu
              - Ghềnh Son