Tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn luôn được tỉnh chú trọng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trang trại chuẩn VietGAP, GobalGAP... đây được xem là tiềm năng để du lịch Bình Dương phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, như du lịch trải nghiệm, du lịch homestay (lưu trú nhà dân)...
Có nhiều thuận lợi để phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian qua, tại nước ta mô hình du lịch sinh thái ngày càng phát triển; không chỉ phát triển các loại hình du lịch sinh thái dọc các tuyến sông, mà loại hình du lịch tham quan các trang trại, du lịch trải nghiệm làm nông dân cũng ngày càng thu hút khách du lịch.
Tiến sĩ Võ Thành Khối (nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II), cho biết du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, du lịch homestay ngày càng được nhiều du khách quan tâm, nhất là du lịch homestay. Qua loại hình du lịch này, du khách được ăn, ở, sinh hoạt và lao động cùng với người dân địa phương. Du lịch Bình Dương hiện có diện tích vườn cây ăn trái khá lớn nên có điều kiện để triển khai các loại hình du lịch nông nghiệp.
Tại hội thảo định hướng phát triển công nghiệp giải trí huyện Bàu Bàng giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa qua, tiến sĩ Võ Hữu Phước (Khoa Kinh tế, Học viện Chính trị khu vực II), đưa ra nhận xét, huyện Bàu Bàng mặc dù đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp - đô thị nhưng ngành nông nghiệp vẫn có thế mạnh. Ngoài cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái trên địa bàn huyện chiếm diện tích khá lớn, trong đó có nhiều trang trại trồng cây ăn trái được triển khai theo chuẩn VietGAP. Với lợi thế này, Bàu Bàng có thể triển khai các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch homestay để du khách tham gia vào quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản. Không chỉ ở Bàu Bàng, các địa phương khác như Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo cũng có điều kiện để triển khai loại hình du lịch này.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, chủ trang trại bưởi Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), cho hay trang trại của bà đang xây dựng thí điểm một số khu vực trong vườn cây để phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách. Đến đây, khách du lịch Bình Dương vừa tham quan vườn cây, hái trái cây vừa chế biến các món ăn tại chỗ. Bà cũng đang có kế hoạch xây dựng các nhà lưu trú trong vườn cây để du khách có thể ở lại từ 2 - 3 ngày, trải nghiệm thành một người nông dân thực thụ.
Gắn với nông nghiệp công nghệ cao
Những năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển NNCNC và đã đạt những thành công. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo), khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo)... và các mô hình nông nghiệp đô thị, trang trại ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thạc sĩ Trần Thị Tuyết Vân (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh), việc kết hợp hoạt động du lịch Bình Dương với NNCNC sẽ giúp cho tỉnh xây dựng được loại hình du lịch mới, khai thác được các nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương là có sẵn các mô hình, trang trại công nghệ cao. “Việc kết hợp mô hình du lịch này và các loại hình du lịch sẵn có của Bình Dương sẽ góp phần tạo sự đa dạng, phong phú, mang lại tính mới mẻ thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú tại địa phương, qua đó góp phần gia tăng nguồn thu du lịch cho tỉnh”.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Khối cho rằng, du lịch Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển du lịch NNCNC. Tuy nhiên, tỉnh phải xây dựng được sản phẩm thích hợp và kết nối với các địa phương khác để tạo sự liên thông, liên kết. Chẳng hạn như ở huyện Bàu Bàng, các trang trại cần xây dựng được sản phẩm du lịch riêng theo đặc thù, không chỉ phát triển riêng lẻ mà cần mở rộng liên kết chặt chẽ với các loại hình du lịch văn hóa khác; xây dựng các tuyến, tour du lịch kết hợp. Có như vậy, du lịch NNCNC nói riêng và du lịch nông nghiệp nói chung của Bình Dương sẽ có điểm nhấn, điểm mới để thu hút du khách.
Các chuyên gia cho biết, điểm mạnh của du lịch nông nghiệp là giúp du khách hiểu được quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; tự tay trồng các sản phẩm nông nghiệp và lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp sạch để sử dụng hàng ngày. Loại hình du lịch này cũng góp phần tăng cường quảng bá nông nghiệp của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Dương có thêm đặc trưng riêng của địa phương và góp phần tăng thu nhập cho các chủ trang trại, nhà vườn.
TTXT du lịch Bình Dương