Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp giữ lửa nghề

06/05/2019 - 3027 view
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp giữ lửa nghề

Theo thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “từ độ mang gươm đi mở cõi” nghề sơn mài cũng theo các bậc tiền nhân vào phương Nam. Nhựa cây sơn từ vùng đất tổ Phú Thọ dùng để làm sơn quang dầu (bàn ghế, tủ, đồ gỗ gia dụng...), sơn gắn (thuyền đ̣ò thúng, mủng, bàn ghế gia dụng...) cũng “hành trình vào Nam” làm nguồn nguyên liệu chính để cho ra đời làng nghề sơn mài trứ danh Nam kỳ lục tỉnh - Làng sơn mài Tương Bình Hiệp Bình Dương (phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một) ngày nay.

Làng sơn mài xưa và nay

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp từ khi hình thành và phát triển luôn là nơi sản xuất tiêu biểu, quy mô lớn của cả nước, đạt nhiều thành tựu về mặt kinh tế, mỹ thuật. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng nghề được tặng thưởng huy chương tại hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật Giảng Võ (Hà Nội) năm 1985 và 1986. Sản phẩm sơn mài của TP. Thủ Dầu Một đã đạt 9 huy chương, trong đó có 7 huy chương vàng là sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã xuất khẩu sang các nước Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản...

Ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, chia sẻ làng sơn mài Tương Bình Hiệp có 2 thời điểm đáng nhớ. Đó là trước 1975, sản phẩm sơn mài thuộc hàng “xa xỉ phẩm”, chỉ có những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới dám “chơi” sơn mài, bởi giá cả rất đắt đỏ: Một bức tranh sơn mài cẩn ốc xà cừ có khi giá mấy lượng vàng. Đến giai đoạn 1975-1990 có thể coi là thời kỳ cực thịnh của nghề làm sơn mài tại Tương Bình Hiệp. Giai đoạn này, cứ 10 hộ gia đình ở đây thì có đến 8 hộ làm sơn mài hoặc gia công các công đoạn liên quan tới sơn mài. Thời điểm đó, các nước Đông Âu cực kỳ ưa chuộng sơn mài Tương Bình Hiệp. Có thời điểm sản phẩm sơn mài đóng góp tới 30% giá trị xuất khẩu của tỉnh Sông Bé.

Sơn mài Tương Bình Hiệp dễ “lấy lòng” người thưởng lãm bởi những giá trị văn hóa và mỹ thuật. Chủ đề sáng tạo sản phẩm sơn mài của các nghệ nhân ở đây rất đa dạng, ảnh hưởng nhiều từ tuồng tích, điển cố Trung Hoa, nghệ thuật của Pháp đến văn hóa đặc trưng vùng Bắc bộ, đặc biệt là sông nước Nam bộ - thể hiện rất rõ nét trong các sản phẩm sơn mài. Từ sau năm 1975, ngành sơn mài Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sơn mài Thành Lễ, sơn mài Đồng Tâm... đã tạo ra những sản phẩm phong phú kiểu dáng, tinh tế trên những họa tiết hoa văn. Thời điểm đó, các cơ sở sản xuất sơn mài trong tỉnh đã làm ra nhiều loại tranh sơn mài như sơn mài vẽ lộng, sơn mài vẽ chìm, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn xà cừ, sơn mài cẩn vỏ trứng...

Hiện nay, làng sơn mài Tương Bình Hiệp chỉ còn vài chục cơ sở lớn nhỏ; quy mô sản xuất lẫn doanh thu đã thu hẹp đáng kể. Tuy vậy, những nghệ nhân đau đáu với nghề như các ông Lê Bá Linh, Thái Kim Điền, Năm Định... vẫn kiên định với nghề để gìn giữ và bảo tồn cho thế hệ mai sau. Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh tâm tình, làng nghề sơn mài chỉ có hai mùa đắt khách: Mùa du lịch (tầm tháng 6 đến tháng 9) và mùa Tết âm lịch. Mùa du lịch, sản phẩm sơn mài chủ yếu xuất hiện tại các nơi như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... còn mùa tết có vẻ khấm khá hơn bởi sản phẩm sơn mài vẫn còn chỗ đứng trong lòng người dân Việt.

Các nghệ nhân làng sơn mài Tương Bình Hiệp cho biết, sản phẩm sơn mài hiện nay chủ yếu chia làm 2 dòng, gồm dòng sơn mài mỹ thuật mang tính chất hàn lâm với độ tinh xảo và tính mỹ thuật rất cao. Dòng sản phẩm này rất kén người tiêu dùng, bởi ngoài việc đòi hỏi trình độ thẩm thấu tác phẩm còn đòi hỏi người chơi sơn mài phải có điều kiện kinh tế (giá sản phẩm khá đắt). Đối với dòng sản phẩm ứng dụng như bàn ghế, tủ giường, bình hoa, hộp quà, chén, dĩa... đang được sử dụng khá phổ biến ở các khách sạn, hộ gia đình...

Nỗ lực “giữ lửa” cho nghề

Giai đoạn những năm 2000, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đứng trước nguy cơ mai một do thị hiếu tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi lớn, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã có sự hỗ trợ rất kịp thời. Cụ thể, năm 2006, Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương được thành lập nhằm tạo cầu nối, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh của nghề sơn mài truyền thống. Tiếp đó, năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2799 về việc “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống”. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch... cũng xây dựng nhiều đề án trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với sự phát triển đô thị, kinh tế, du lịch của địa phương.

Năm 2014, UBND tỉnh đã “đặt hàng” trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu Đề án “Phát triển du lịch sinh thái làng nghề Bình Dương”. Đến năm 2017, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mới đây, UBND TP. Thủ Dầu Một đã thông qua Đề án “Bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP. Thủ Dầu Một giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”. Đề án sẽ tập trung đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn của làng nghề; sử dụng các nguồn vốn để xây dựng làng nghề với các hạng mục cần thiết; cùng với đó tăng cường và thực hiện tốt việc xúc tiến thương mại cho làng nghề với các hình thức quảng bá rộng rãi... Nghệ nhân Năm Định chia sẻ, việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Thực tế cho thấy, mấy năm trở lại đây, các tour du lịch đến tỉnh đã đưa khách về tìm hiểu, tham quan làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Đây là hướng đi phù hợp, đang phát huy hiệu quả.

Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, trong quá trình phát triển, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp luôn được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho các nghệ nhân gắn bó cả đời mình với nghề sơn mài. Bên cạnh hỗ trợ về xúc tiến thương mại, phát triển du lịch gắn kết với làng nghề sơn mài, các cơ sở sơn mài hiện nay còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương đã có 105 hội viên. Tổng doanh thu hàng năm của hội viên đạt trên 130 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương bảo tồn và phát triển nghề truyền thống sơn mài - điêu khắc.

Theo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, trên thị trường xuất khẩu, mặt hàng sơn mài tăng trưởng bình quân 5 - 7%/năm, trong khi đó thị trường nội địa tăng hơn 10%/năm. Đây là tín hiệu tốt cho ngành sơn mài. Cùng với đó, việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang đứng trước nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống đã có hàng trăm năm tuổi này.

Tiến sĩ Phan Anh Tú, trường Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho biết, làng sơn mài Tương Bình Hiệp có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Sản phẩm sơn mài nơi đây đúc kết tinh hoa từ các bậc tiền hiền và tiếp tục được kế thừa. Đáng mừng là nhiều nghệ nhân ở đây vẫn còn giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề. Không những thế, họ còn chứng tỏ mình là những doanh nhân nhạy bén với thời cuộc, với thị hiếu tiêu dùng và thị trường. Bên cạnh đó, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tạo động lực cho làng nghề sơn mài tìm lại thời hoàng kim.

TTXT du lịch Bình Dương

Mục lục

Du lịch Bình Dương
          - Vườn trái cây Lái Thiêu
          - Khu du lịch Đại Nam
          - Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
          - Chùa Bà Thiên Hậu
          - Chùa núi Châu Thới
          - Chùa Hội Khánh