Dấu hiệu khởi sắc của làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) thời gian gần đây làm nhiều nghệ nhân rất phấn khởi. Một số cơ sở sơn mài đã nhận đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài. Không ít nghệ nhân còn mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải để bảo đảm vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu từ các bạn hàng quốc tế.
Chú trọng thị trường nội địa
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Hai Hồng phấn khởi cho biết, gia đình ông đang tất bật làm hàng sơn mài để kịp giao cho khách. Nguồn khách đặt hàng của ông chủ yếu đến từ Nha Trang và Vũng Tàu, nơi có nhiều khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. “Mấy năm trước, khách Nga rất chuộng hàng của làng tranh sơn mài Tương Bình Hiệp. Tuy nhiên, việc nước này đang gặp khó khăn về kinh tế nên lượng khách du lịch sang Việt Nam giảm nhiều, làm ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của nhiều hộ sản xuất sơn mài. Thời gian gần đây, lượng khách du lịch nội địa bắt đầu quan tâm đến sản phẩm sơn mài làm cho các cơ sở sản xuất ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp hoạt động nhộn nhịp trở lại”, nghệ nhân Hai Hồng nói.
Hiện làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và các khu vực lân cận có gần 1.000 lao động làm những công việc liên quan đến sơn mài. Tuy vậy, nơi đây hiện chỉ có trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô, còn lại sản xuất theo hộ gia đình. Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, nguồn khách hiện nay của làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương chủ yếu là từ Trung Quốc và một số nước châu Âu. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là tranh sơn mài, bình hoa, hộp đựng trang sức... Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều từ các shop kinh doanh hàng lưu niệm tại một số tỉnh, thành như Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh...
Nghệ nhân Năm Định chia sẻ, mấy năm trước, làng nghề sơn mài sống chủ yếu nhờ vào xuất khẩu. Một vài năm trở lại đây, xu hướng khách nội tìm đến sản phẩm sơn mài khá nhiều nên đầu ra tương đối ổn định. Nhưng sản phẩm sơn mài bán chạy thường rơi vào cao điểm của mùa du lịch. Vì vậy, để duy trì hoạt động sản xuất cả năm, các cơ sở buộc phải tìm đến nguồn khách ngoại. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện đang cần sự hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch trong và ngoài nước...
Đẩy mạnh quảng bá làng nghề
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp vốn là cái nôi nghề truyền thống của Bình Dương đang rất được UBND tỉnh quan tâm. Để hỗ trợ nghề sơn mài, Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ đã có nhiều chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất sơn mài. Mới đây, Sở Công thương cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sơn mài Tư Bốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải; tổng số tiền 200 triệu đồng, trong đó phần vốn của doanh nghiệp là trên 100 triệu đồng.
Thực tế này cho thấy, mặc dù tỉnh đã hỗ trợ nhưng với số tiền hơn 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải không phải cơ sở nào ở đây cũng có khả năng xoay sở được. Theo nhiều nghệ nhân làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nếu được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung quy mô cho cả làng nghề sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất sơn mài tiết kiệm kinh phí để phát triển ổn định trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và sơn mài Tương Bình Hiệp cho rằng, để làng sơn mài Tương Bình Hiệp tồn tại tới ngày nay nhờ vào sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ nghệ nhân tâm đắc gắn bó với nghề. Trong khi đó, đặc thù của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường gắn liền với du lịch, nhưng ngành du lịch Bình Dương chưa khai thác hết tiềm năng nên phần lớn sản phẩm sơn mài hiện nay được phân phối đến các tỉnh, thành có thế mạnh du lịch trong cả nước. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề vẫn chưa tới được từng hộ sản xuất sơn mài nơi đây.
Nghệ nhân Tư Bốn cho biết, nguồn khách từ châu Âu trước khi mua hàng rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường khi sản xuất ra sản phẩm. Để bán được hàng, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại nơi sản xuất. Ông cho rằng, để sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vươn xa, công tác xúc tiến thương mại, tổ chức quảng bá hình ảnh, sản phẩm cần được đẩy mạnh và đa dạng kênh thông tin hơn để nhiều khách hàng biết đến. Bên cạnh đó, các nghệ nhân mong muốn có được sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của Nhà nước để làng sơn mài Tương Bình Hiệp hồi sinh.
TTXT du lịch Bình Dương