Nằm bên bờ sông Đuống êm đềm, làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là dòng tranh được biết đến nhiều nhất ở nước ta, được nhiều du khách trong nước, ngoài nước và kiều bào coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc và mỗi lần đến đây đều tìm hiểu, chọn mua.
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế... Qua gần 400 năm phát triển, làng tranh Đông Hồ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi dòng tranh có nhiều yếu tố như: chất liệu đặc biệt, phương pháp in độc đáo và nội dung phong phú. Chất liệu tranh bắt nguồn từ các sản phẩm của thiên nhiên, gắn bó gần gũi với đời sống người Việt như vỏ cây dó dùng để làm giấy, lá tre, viên sỏi, hoa hiên, bột nếp dùng làm màu, gỗ thị làm bản khắc... Tranh Đông Hồ không áp dụng chặt chẽ theo các nguyên tắc về hình thể hay ánh sáng như tranh hiện đại, mà chỉ mang tính ước lệ trong bố cục, nhưng rất độc đáo trong việc sử dụng những đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, vốn là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá trên nền giấy dó quét điệp óng ánh.
Với 180 đề tài được phân thành 5 loại chủ đề: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Đề tài của tranh được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất của người nông dân hay xuất phát từ triết lý phồn thực nhưng bình dị và gần gũi với sinh hoạt đời thường. Nội dung tranh có thể là những nhân vật trong truyền thuyết, những cảnh đẹp của đất nước, đến những bức tranh với mong muốn cuộc sống hạnh phúc, ấm no, mùa màng bội thu. Các sản phẩm nổi bật ở làng tranh Đông Hồ có thể kể đến như tranh chúc tụng: Đàn gà, ước cho ai nấy đều xum xuê con cháu; Đứa bé ôm con gà Vinh hoa, ôm con vịt Phú quý... Bên cạnh đó là tranh sinh hoạt: Đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy... Rồi tranh lịch sử như: Bà Trưng, Phù Đổng thiên vương, Ngô Quyền... Tranh truyện Kiều, Thạch Sanh...
Trước kia, tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ cho dịp Tết, được người dân nông thôn mua về treo trên tường, hết năm lại thay tranh mới như nét đẹp ngày xuân. Trong thơ Tú Xương có câu “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”. Ngày nay lệ mua tranh ngày Tết đã mai một, làng tranh Đông Hồ cũng thay đổi nhiều. Tuy vậy, tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản, một dòng tranh dân gian đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam và là đề tài nghiên cứu lý thú của nhiều nhà nghệ thuật học Việt Nam và thế giới. Tranh có mặt ở nhiều nhà bảo tàng tại Việt Nam và thế giới đã đến hàng mấy mươi năm.
Đến thăm làng tranh Đông Hồ ngày nay, du khách có thể tham quan cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Đây là hai gia đình kỳ cựu nhất ở làng tranh, họ vẫn giữ được nghề cổ truyền cùng hàng trăm bản khắc cổ quý giá, trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn của du lịch Bắc Ninh. Trong các gian nhà xây theo kiến trúc xưa, được treo đầy tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ sinh hoạt đời thường tới tranh lịch sử, phong cảnh... ngập tràn màu sắc tươi trong. Tại đây, du khách còn được nghe giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, và có thể trải nghiệm tự tay in tranh, cũng như chọn mua những bức tranh ưng ý.
Vào tháng 6/2018, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có văn bản đồng ý đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian ở làng tranh Đông Hồ trình UNESCO. Theo đó, Việt Nam sẽ đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là một trong 10 di sản được Thủ tướng cho phép lập hồ sơ trình UNESCO.
TTXT du lịch Bắc Ninh