Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Dâu Bắc Ninh, hình thành và phát triển

19/07/2016 - 1270 view
Chùa Dâu Bắc Ninh, hình thành và phát triển

Sự hình thành của mỗi sự vật và hiện tượng, bao giờ cùng đi liền với điều kiện hình thành của nó. Sự hình thành nên chùa Dâu Bắc Ninh cũng không nằm ngoài những điều kiện khách quan và chủ quan dẫn đến một tôn giáo ra đời hoặc cho phép sự du nhập của một tôn giáo, mà ở đây trong bài nghiên cứu là sự du nhập của tôn giáo - Phật giáo.

1. Điều kiện hình thành

Điều kiện khách quan đầu tiên mà chúng ta phải nhắc tới đó là sức mạnh lan tỏa của phật giáo không những được truyền bá trên khắp đất nước Ấn Độ, mà đã vượt qua biên giới của quốc gia vốn khai sinh ra nó để truyền bá ra các quốc gia khác trên thế giới từ sau khi Phật giáo ra đời vào khoảng thế kỷ VI TCN. Đặc biệt là vào thời kỳ vua Asoka trị vì (thế kỷ III TCN), đã có những khuyến khích truyền bá phật giáo ra ngoài cương vực lãnh thổ Ấn Độ.

Điều kiện khách quan thứ hai đó là nước ta có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, là con đường trung chuyển trên biển, là “ngã ba giao lưu kinh tế, văn hóa mà thương gia nước ngoài thường lui tới làm ăn, buôn bán. Vì vậy mà rất nhiều thương nhân Ấn Độ và Trung Quốc đến giao lưu buôn bán. Nhờ vậy mà Phật giáo mới có thể theo các thương gia này truyền bá vào nước ta để có thể hình thành nên trung tâm phật giáo Luy Lâu, mà chùa Dâu Bắc Ninh cũng được hình thành nên tại đó.

Yếu tố thứ ba phải kể đến ở đây là Phật giáo vốn là một tôn giáo dân gian, bênh vực những con người yếu nghèo và chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp trên đất nước Ấn Độ, lại được truyền bá vào Việt Nam bằng con đường hòa bình từ Nam lên (Ấn Độ qua các nước Đông Nam Á rồi đến Việt Nam), và theo hướng Bắc xuống là từ Trung Quốc. Chính vì vậy khi được truyền bá vào Việt Nam, Phật giáo đã không gặp một sự cản trở, ngăn cấm nào. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cho chùa được ra đời sớm trên vùng Luy Lâu, nơi quận trị của chính quyền đô hộ phương Bắc lúc bấy giờ.

Bên cạnh những yếu tố khách quan còn có những yếu tố chủ quan, đó là trước những chính sách cai trị với những phương thước bóc lột tàn bạo, nhằm vơ vét một cách tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm lao động cũng như thợ khéo cung cấp trước hết cho bộ máy cai trị tại chỗ, và việc thu gom về nước khiến cho nhân dân vùng Dâu bấy giờ trở nên vô cùng thống khổ. Chính vì vậy mà con người nơi đây cần đến một nơi để nương tựa tinh thần, để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, chống lại chính sách đồng hóa của nhà Hán lúc bấy giờ.

Một yếu tố chủ quan nữa đó là sự giao lưu tiếp biến trong văn hóa của người Việt là tục thờ cúng tổ tiên, là yếu tố trọng tình của văn hóa Việt đã nhanh chóng hòa nhập vào với Phật giáo để tạo nên một ngôi chùa ở vùng đất đô hội buôn bán sầm uất. Nơi mà ai cũng mong muốn việc buôn bán được suôn sẻ “buôn may bán đắt”, cầu xin thần phật giúp đỡ làm ăn, nhu cầu của con người ngày càng cao thì ngôi chùa, nơi tiến hành việc cầu xin càng sớm được ra đời.

2. Truyền thuyết về sự ra đời

Theo truyền thuyết thì sự tích chùa Dâu Bắc Ninh gắn liền với sự tích bà phật mẫu Man Nương và hệ thống phật Tứ pháp (Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện) hay còn được gọi là (Mây - Mưa - Sấm - Chớp). Nhân vật được nhắc đến trong truyền thuyết là nhà tu hành nổi tiếng Gia-La-Đồ-Lê hay còn gọi là sư Khâu-Đà-La, người Tây Trúc (Ấn Độ) đã sang truyền đạo ở đất Luy Lâu dưới thời nhà Hán đô hộ, với tên quan cai trị quận Giao Châu là viên thái thú Sĩ Nhiếp (187- 226). Tương truyền nhà sư Khâu-Đà-La tinh thông pháp thuật, tu luyện giỏi với phép tu đứng một chân, nên ai ai cũng kính nể, tôn thờ.

Cách chùa Linh Quang không xa, có gia đình ông bà Tô Định, ở Làng mèn (Mã Xá) giàu lòng nhân đức, mến mộ phật giáo, đã gửi người con gái yêu duy nhất đến chùa tu đạo và giúp đỡ nhà chùa những công việc như quét dọn, lấy củi, nấu nướng... Nhưng một ngày kia đã có chuyện lạ xảy ra, khác với thường lệ, sau khi đã dọn dẹp xong mọi việc trong chùa thì nàng Man Nương mệt quá đã ngủ thiếp đi bên bậu cửa. Lúc nhà sư Khâu-Đà-La tụng kinh xong, quay trở về phòng nghỉ thì thấy nàng Man Nương đang thiếp ngủ. Vì không muốn đánh thức nàng nên đã bước qua. Không ngờ “Nhân thiên hợp khí” nàng đã hoài thai và phải về nhà ông bà Tu Định sinh con.

Nhằm ngày mồng tám tháng tư âm lịch nàng đã hạ sinh một bé gái mà khi chào đời có hương thơm ngào ngạt, mây ngũ sắc và ánh hào quang chiếu sáng khắp nơi. Thấy con gái “Không chồng mà chửa”, ông bà Tô Định lấy làm xấu hổ với bà con làng xóm, bèn sai Man Nương đem trả con cho nhà sư Khâu Đà La. Nhà sư nhận lấy đứa bé từ tay Man Nương, bế đứa bé đến trước một gốc cây dung thụ trong chùa, gõ vào cây niệm chú. Bỗng nhiên cây dung thụ liền tách ra làm đôi, nhà sư đặt đứa bé vào trong, rồi cây tự nhiên khép lại như cũ.

Trong một đêm mưa to gió lớn, cây dung thụ đã bị đổ, trôi xuống sông Dâu và cũng trong đêm đó thái thú Sĩ Nhiếp đã mơ thấy thần nhân đến báo mộng xin được tạc tượng. Sau đó Sĩ Nhiếp đã sai quân lính vớt cây dung thụ lên nhưng bao nhiêu người cũng không kéo nổi, chỉ khi bà Man Nương đưa dải yếm lôi lên thì mới được. Nhờ đó mà thái thú đã cho người đi tìm thợ tài, khéo về tạc được bốn pho tượng. Tương truyền khi tạc bốn ngôi tượng đã thấy mây, mưa, sấm, chớp nổi lên, vì vậy mà các tượng mới có tên là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện hay còn được gọi là (Mây - Mưa - Sấm - Chớp). Tượng bà Dâu sau khi tạc xong đã không thể di chuyển đi nơi khác được vì vậy đã được thờ trong ngôi chùa dựng lên tại đó.

Trên đây là truyền thuyết dân gian truyền từ đời này sang đời khác, và xuất hiện trong các bài thuyết minh về chùa Dâu Bắc Ninh. Tuy còn chứa đựng nhiều yếu tố ly kỳ, nhưng khi ta bóc tách so sánh với lịch sử dân tộc, với các thư tịch ghi chép lại của Trung Quốc thì có thể khẳng định rằng chùa đã ra đời vào khoảng thế kỷ II, muộn nhất là vào thể kỷ III sau công nguyên trong khoảng thời gian Sĩ Nhiếp cai trị ở nước ta (187- 226 SCN).

3. Quá trình xây dựng và phát triển

Chùa Dâu Bắc Ninh thờ ai, đó là bà Pháp Vân, được nhân dân hóa thành bà chị cả trong bốn chị em trong hệ thống chùa Tứ pháp. Có lẽ cũng chính vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả, Cổ Châu Tự (viên ngọc quý), Diên Ứng Tự, đời Lý còn có tên là Thiền Định Tự. Sở dĩ ngày nay Dâu là tên gọi chính là vì xưa kia ngôi chùa nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn trồng dâu nuôi tằm để chăn tơ, dệt lụa. Và cái tên chùa không chỉ nôm na dễ nhớ đối với đại bộ phận những người ít học bấy giờ mà nó còn nói lên được nét đặc trưng trong lao động sản xuất rất gần gũi trong tâm thức của người dân.

Lịch sử hình thành và phát triển của Chùa từ thời Bắc thuộc được ghi lại rất ít trong lịch sử Việt Nam cũng như thư tịch của Trung Quốc, chủ yếu được nhắc tới trong công cuộc trùng tu và số lần cầu đảo linh ứng mà các vua quan phong kiến thực hiện, được ghi chép rất ngắn trong “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên, hay trong tác phẩm pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục. Trong một số tác phẩm thời pháp thuộc cũng chủ yếu giới thiệu về chùa Dâu Bắc Ninh, ghi lại khái quát về diện mạo, cảnh quan của ngôi chùa trong tổng thể trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị phát triển sầm uất trong tác phẩm “Bắc kỳ thời cổ mà thôi”.

Trong thời kỳ Bắc thuộc kéo dài cả nghìn năm, do điều kiện lịch sử cũng như tài liệu rất hiếm hoi để lại mà chúng ta chỉ có thể biết đến trung tâm phật giáo Luy Lâu trong “Thiền uyển tập anh” về đoạn pháp sư Đàm Thiên có tâu với vua Tùy Văn Đế sau khi Hoa Châu về: “Xứ Giao Châu có đường thông trực tiếp với Thiên Trúc. Khi Phật giáo mới đến Giang Đông chưa đầy đủ thì ở Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 bảo tháp, độ được 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi” (Trần Đình Luyện, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Kinh Bắc, NXB văn hóa thông tin, 2006, tr195). Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng Chùa đã được xây dựng vào thời kỳ thế kỷ I-II công nguyên. Cũng tiếp sau đó do những biến loạn ở bên Trung Quốc dẫn đến một lực lượng đông đảo các sư tăng phải chạy sang Giao Châu lánh nạn và truyền bá Phật giáo như Ma-ha-kỳ-vực, Mâu Tử, Khâu-đà-la, Khương-Tăng-Hội... và vị tổ sư thiền phái ở Việt Nam là nhà sư Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, người đã làm trụ trì Chùa Dâu và phái thiền tông sau đó đã được truyền bá rộng rãi ra khắp đất nước mà cho đến tận đời Trần sau này vẫn còn ảnh hưởng khá đậm nét.

Nằm trong tổng quan của trung tâm phật giáo Luy Lâu, thì chắc chắn một điều kiện cho rằng, Chùa lúc đầu được thành lập có thể chỉ là nơi am, cốc nhỏ. Nhưng từ khi Phật giáo phát triển ở Luy Lâu cùng các bậc cao tăng liên tiếp đến trụ trì, thì Chùa ngày càng được trùng tu, xây dựng lớn và to đẹp hơn. Bước sang giai đoạn phong kiến, để củng cố quyền lực và bộ máy cai trị trên toàn lãnh thổ, mà thời kỳ này Nho giáo trở lên quá khắt khe đối với người dân mới trải qua cả ngàn năm Bắc thuộc mới giành được quyền tự do. Do vậy chính quyền phong kiến Việt Nam thời kỳ này đã lấy Phật giáo làm quốc giáo. Đó cũng là sự giải thích vì sao mà giai đoạn nhà Lý - Trần, Phật giáo lại phát triển đến mức cực thịnh ở nước ta, với số lượng chùa xây dựng và trùng tu lớn, trong đó không thể thiếu được Chùa Dâu Bắc Ninh.

Trải qua rất nhiều những giai đoạn thăng trầm lịch sử, phải đến tận năm 1752 thì Chùa mới thực sự đi vào trong văn bản chữ bởi việc tiến hành khắc hai bộ ván có tên là “Cổ châu pháp vân phật bản hạnh” và tác phẩm “Hiến cổ châu phật tổ nghi”: Nói về lịch sử hình thành và quá trình xây dựng, ngôi chùa do nhà sư Tính Mộ (1706-1775) trụ trì cùng các môn đồ thực hiện. Đây là những tác phẩm nói về sự tích Man Nương cùng hệ thống Tứ Pháp, quá trình xây dựng, trùng tu và số lần cầu đảo linh nghiệm của các vị vua, quan được ghi chép lại. Qua sự so sánh, đối chiếu với các tài liệu khác như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Tháng giêng năm nhâm Tý (1072) khi Lý Nhân Tông lên ngôi vua, ngày tám tháng tư, làm lễ rước phật, rước tượng phật pháp vân về kinh sư cầu tạnh” (Việt Sử Lược). Trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Quý Sửu - Thái Ninh năm thứ 2 (1703), bấy giờ mưa dầm. Rước tượng phật pháp Vân về kinh sư cầu tạnh”... và có lẽ chính do sự linh nghiệm của tượng phật Chùa, mà các triều đại vua phong kiến nước ta đã nhiều lần trùng tu rất lớn.

Đợt trùng tu lớn nhất được nhắc tới là vào năm 1313, đời vua Trần Anh Tông do trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra hưng công sửa chữa. Tương truyền là đã xây dựng Chùa có “tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp, chùa trăm gian”. Tuy vậy các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa dám khẳng định vào những con số thống kê trên. Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”, với ba tòa nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện nối tiếp nhau như chữ công, và toàn bộ diện tích hơn 177m2 của chùa được bao quanh bởi bốn bức tường hình chữ quốc. Đi từ tàm quan vào thì Tiền đường, thiêu hương, thượng điện được xây dựng cao dần theo từng nấc. Tiền đường rộng nhất với 7 gian, phong cách Nguyễn muộn, ứng với niên dại tuyệt đối ghi trên câu đầu: “hoàng triều Khải Định tam niên cửu nguyệt sơ cửu nhật trùng tu phật mộc nhận khởi công” và ghi trên thượng lương: “Hoàng triều Khải Định tam niên thập nhất nguyệt thập ngũ nhật trùng tu tự vũ thụ trụ thượng lương đại cát” khẳng định tòa nhà này được làm lại chỉ trong hơn ba tháng từ 9/9 đến 15/11 năm Khải Định 3 (tức 13/10/1918 - 17/12/1918). Bên cạnh hai pho tượng hộ pháp, thì Tiền đường còn có bát bộ kim cương, trông rất sinh động, cũng mang phong cách Nguyễn muộn.

Kế tiếp theo tòa tiền đường là tòa thiêu hương với ban thờ tam bảo, hai bên được bố tró Thập điện diêm vương. Tiếp đó cuối tường hai bên trái và phải là hai pho tượng đối diện nhau: trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (người có công trùng tu xây dựng chùa) và thái tử Kỳ Đà. Vượt lên cao nhất trong chùa là tòa Thượng Điện một gian hai trái, với 4 mái cong, tạo khối như bông sen, được trạm trổ điêu khắc rất tỉ mỉ với các hình Tứ linh (long - ly - quy - phụng) rất mềm mại, khéo léo. Tòa này được làm lại ở thời Lê trung hưng mà tấm bia khối trụ ở cửa chùa mang tên “Diên ứng đại thiền tự bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh 12 (1716) cho biết lúc này chùa cũ bị hư hỏng, gia đình ông Chánh đội trưởng Cao Đình Thuế đã xuất tiền hưng công tu xửa, tòa nhà này nổi bật lên ở chính giữa với tượng bà pháp Vân cao 185cm, hiện lên với vẻ hiền từ phúc hậu của người phụ nữ phương Đông, và dấu ấn ảnh hưởng của phật giáo Ấn Độ với nốt ruồi giữa hai hàng lông mày. Cạnh bên tay trái của bà Pháp Vân là tượng Pháp Vũ, cao 128cm được rước sang thờ cùng khi chùa Đậu bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Cả hai pho tượng này đều được sơn bằng lớp sơn màu cánh dán rất đẹp. Đứng bên cạnh bà Dâu là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cùng với tượng chúa Đen và chúa Trắng ở hai bên, phía dưới Thạch Quang Phật. Với mật độ các pho tượng được bố trí cân xứng trong chùa, góc cuối bên tay phải phật pháp Vân là vị tổ sử Tì-ni-da-lưu-chi, người có công phát triển dòng Thiền tông lên mức cực thịnh, để Chùa Dâu Bắc Ninh trở thành ngôi chùa Thiền tông đầu tiên ở Việt Nam.

Thông với khu nhà hậu là hai dãy hành lang chạy dài, được bố trí bởi 18 pho tượng Thập Bát La Hán quen thuộc trong kết cấu chùa Việt. Riêng phần gian thờ hậu phía sau có thờ 15 pho tượng theo kết cấu tiền phật hậu thần của phật giáo Việt Nam. Đặc biệt trong gian thờ hậu này còn có một tủ kính chứa 2 bộ ván khắc kể về sự tích Man Nương cùng quá trình xây dựng chùa như đã nói ở phần trên. Ngoài ra ở gian thờ này còn chứa các bia đá “hậu phật bi ký” đời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nhà Nguyễn.

Nằm ở phía trước sân nhà tiền đường là tháp Hòa phong uy nghi, quen thuộc trong câu ca dao: “Dù ai đi đâu về đâu, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”, “Tương truyền, trước kia cao 9 tầng, xây bằng gạch lớn, được nung rắn như sành, màu tím sẫm, bên ngoài không trát vữa cũng không tô vẽ trang trí, nay tháp chỉ còn lại 3 tầng mà đã cao tới 17m”. Tháp được xây dựng từ mùa thu năm 1737 đến mùa thu năm 1738 thì xong, do nhà sư Tính Mộ khởi công tu tạo. Trong lòng tháp rỗng, tầng trệt có đặt bốn bức tượng Tứ Trần, phía trên có treo quả chuông đúc năm đầu vua Cảnh Thịnh (1793) nhà Tây Sơn. Quả chuông này do nhà sư Chiếu Tuyên trông coi, và cũng chính nhà sư tự khuyên mình là “nói năng chậm chạp, bút viết vụng về” này đã không ngần ngại viết lên bài minh tuyệt hảo và đem khắc lên chuông với tên đề là “Cổ Châu Diên ứng đại thiền tự tạo chú đại pháp chung”. Treo bên cạnh chuông đồng là Khánh đồng, được đúc dưới thời Minh Mạng 1818. Vào năm Cảnh Hưng 1740, Chùa đã bị một trận hỏa hoạn, các sắc phong từ các đời trước bị cháy hết, vì thế năm 1741 chúa Trịnh Doanh đã ban sắc cho dân Khương Tự phải tạo lệ trông nom chùa, sẽ được miễn phu phen tạp dịch... Đợt khởi công trùng tu lớn cuối cùng trong các triều đại phong kiến VIệt Nam là vào năm 1918 dưới triều vua Khải Định, như phần trên đã trình bày.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng trong các triều đại phong kiến Việt Nam thì Chùa Dâu có một vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, luôn được các triều đại phong kiến trùng tu, xây dựng. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập cho đến nay, thời gian đầu do chiến tranh, nên chùa không có điều kiện trùng tu tôn tạo lớn. Nhưng đến ngày 28/4/1962, chùa đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng cần được bảo tồn và trùng tu theo quyết định số 313-VH/QĐ. Đợt trùng tu kéo dài và quy mô nhất từ sau năm 1975 là đợt trùng tu bắt đầu từ năm 2001 đến nay được sự phê duyệt của Bộ văn hóa thông tin, với kinh phí hàng chục tỉ đồng, nhằm trùng tu tôn tạo lại chùa cho xứng tầm với một di sản văn hóa quốc gia. Niềm tự hào không chỉ của nhân dân vùng Giao Châu một thời, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Kinh Bắc nói riêng mà đối với cả dân tộc Việt Nam ngày nay.

4. Vị trí trong hệ thống Tứ pháp

Đây là một trong bốn ngôi chùa thuộc hệ thống phật Tứ Pháp ở Bắc Ninh bao gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, cùng do bà Phật Mẫu Man Nương người mẹ xứ sở sinh ra. Trong mối quan hệ “huyết thống”, thì bà Dâu được coi là người con đầu, và cũng là bà chị cả của ba bà Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện còn lại. Đó chính là mối quan hệ keo sơn không rời mà những người dân nông nghiệp luôn hy vọng vào tình đoạn kết găn bó của con người trước các hiện tượng thiên nhiên.

Nhưng qua hình ảnh Tứ Pháp ta còn thấy được lối tư duy logic của người dân nông nghiệp trong cách nhìn nhận về thế giới quan và nhân sinh quan. Cư dân trồng lúa nước buổi sơ khai ban đầu phải phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, trong đó yếu tố thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy mới có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Mà muốn có mưa thì điều kiện cần và đủ ở đây là phải có mây. Chính vì lẽ đó mà ngôi chùa này, nơi có vị phật pháp Vân bảo hộ, luôn được người dân tôn thờ và xếp vào vị trí quan trọng bậc nhất.

Hơn nữa, Chùa còn là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của dòng phật giáo Thiền tông ở nước ta, để từ đó mà có sức lan tỏa ra mọi miền đất nước, tồn tại trong nhiều thế kỷ và trở thành nét không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Trùng hợp hay vốn là chốn linh thiêng, mà số lần cầu đảo ở Chùa đều linh ứng. Điều đó càng làm cho người dân tin vào phật pháp, về sự linh nghiệm của Chùa mà càng tôn sùng, ngưỡng vọng.

Có lẽ vì sự tin tưởng vào hệ thống phật tứ pháp, mà được lan truyền khá phổ biến ra các tỉnh lân cận và khu vực đồng bằng Bắc Bộ như: nhóm chùa tứ pháp ở huyện Thường Tín - Hà Tây, nhóm tứ pháp ở chùa Sét, chùa Dâu Thượng Phúc, chùa Keo thuộc Hà Nội, nhóm tứ pháp ở chùa Thái Lạc, chùa Đại Bi ở Hưng Yên... mà tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường đã có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong tác phẩm “Chùa Dâu - Tứ Pháp và Hệ thống các chùa Tứ Pháp, NXB KHXH HN, 2000”, ở đây chúng tôi xin không nhắc lại nữa.

Hàng năm lễ hội Chùa Dâu Bắc Ninh vào ngày 8/4 âm lịch đều thu hút hàng chục nghìn người từ khắp nơi về dự hội, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu đối với người dân quanh vùng và phật tử từ mọi miền tổ quốc, kể cả với du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa, lễ hội và hệ thống phật tứ pháp ở Việt Nam.

TTXT du lịch Bắc Ninh

Mục lục

Du lịch Bắc Ninh
          - Làng tranh Đông Hồ
          - Đền Bà Chúa Kho
          - Chùa Bút Tháp
          - Chùa Dâu