Qua 20 năm từ ngày tái lập tỉnh, du lịch Bắc Ninh có bước phát triển vượt bậc. Hình ảnh du lịch văn hóa tâm linh, văn minh, thân thiện đã và đang để lại dấu ấn với mỗi du khách. Kết quả đạt được trong lĩnh vực du lịch góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đang mở ra những cơ hội phát triển mới.
Khai thác các thế mạnh du lịch đặc thù
Những năm đầu tái lập tỉnh, du lịch gặp nhiều khó khăn, cả tỉnh chỉ có hơn 10 cơ sở kinh doanh du lịch (chủ yếu là lưu trú), mỗi năm cũng chỉ có vài chục nghìn khách đến du lịch Bắc Ninh tập trung vào những lễ hội lớn. Các điểm, tuyến du lịch rời rạc, chưa hình thành được sự liên kết. Tuy nhiên sau 20 năm, Bắc Ninh đã xây dựng được một hình ảnh nổi bật về du lịch văn hóa, tâm linh, du khách luôn ấn tượng với làn điệu Quan họ mượt mà, những lễ hội đặc trưng, các làng nghề, trò chơi dân gian đã được vinh danh là di sản thế giới, di sản Quốc gia...
Có được kết quả nổi bật ấy là do tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, khai thác triệt để du lịch đặc thù. Những chủ trương, Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh về du lịch được cụ thể hóa để phát triển du lịch nhân văn với 7 nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Bắc Ninh là: Quê hương của dân ca Quan họ; văn hóa tâm linh; lịch sử văn hiến; lễ hội; khoa bảng; làng nghề và kiến trúc. Nhiều hành động thiết thực được đồng loạt thực hiện như: tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về du lịch; đẩy nhanh thực hiện các dự án; tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các tuyến, tour du lịch Bắc Ninh với những địa điểm phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng du khách...
Công tác quy hoạch điểm du lịch được quan tâm, tiêu biểu như: quy hoạch Bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; chùa Bút Tháp (Thuận Thành); tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử và du lịch văn hóa Cao Lỗ Vương (Gia Bình); Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích đền Bà Chúa Kho... Việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư về du lịch Bắc Ninh cũng ngày càng phát triển, những khu vui chơi, giải trí, khách sạn hiện đại, đồng bộ đã và đang hiện hữu.
Từ những việc làm tích cực ấy đã giúp du lịch phát triển nhanh, đúng định hướng và có tính bền vững. Lượng khách đến du lịch Bắc Ninh và doanh thu tăng đều trong các năm. Năm 2000 đạt 30.200 lượt khách, đến năm 2010 đạt gần 196.500 lượt khách (không bao gồm khách du lịch đi lễ hội trong ngày); thu nhập du lịch đạt trên 125 tỷ đồng. Phát triển du lịch bước đầu đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm. Doanh thu du lịch và lượng khách du lịch có sử dụng dịch vụ tăng bình quân 10 - 15%/năm, riêng giai đoạn 2011 - 2016 đạt 26%/năm. Năm 2016, doanh thu du lịch và lượng khách có sử dụng dịch vụ du lịch có quy mô gấp 50 lần khi mới tái lập tỉnh.
Để du lịch phát triển xứng với tiềm năng
Về Bắc Ninh hôm nay, nhiều du khách trầm trồ vì sự đổi thay nhanh chóng, hiện hữu dáng vóc của một tỉnh công nghiệp hiện đại. Du lịch Bắc Ninh cũng đang cất cánh vươn lên. Mỗi lần về với Bắc Ninh là một lần anh Nguyễn Văn Thái, Trung tâm xúc tiến du lịch Thái Nguyên có thêm những điều thú vị: “Nhiều lần đưa khách về Bắc Ninh, tôi được trải nghiệm thêm nét văn hóa đặc sắc. Nghe Quan họ bây giờ có thể về tận làng Quan họ gốc, vào nhà từng nghệ nhân. Cũng có thể đến các làng nghề truyền thống để tự mình làm sản phẩm tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng... Dịch vụ có những đổi mới, nhiều nhà hàng chất lượng, cơ sở lưu trú hiện đại”.
Là tỉnh không có những ưu thế du lịch biển, rừng, cũng không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng Bắc Ninh lại là vùng đất văn hiến, cách mạng, miền quê của nhiều di sản văn hóa được thế giới vinh danh, những di tích lịch sử tiêu biểu, làng nghề truyền thống. Bắc Ninh cũng có hệ thống giao thông thuận lợi, gần các trung tâm du lịch lớn... Đó là tiềm năng quý giá để ngành du lịch tiếp tục khai thác lợi thế, xây dựng và phát triển du lịch văn hóa, tâm linh theo đúng mục tiêu chung của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được tỉnh phê duyệt: “Đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và cả nước, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển...”.
Theo đó, tỷ lệ đóng góp GDP du lịch vào GDP của tỉnh lên hơn 4% vào năm 2020 và 5% vào năm 2030. Không gian phát triển du lịch chính là thành phố Bắc Ninh - Từ Sơn - Thuận Thành và Không gian phía Đông của tỉnh (Gia Bình - Lương Tài). Kết nối các không gian, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh sẽ có 7 tuyến du lịch nội tỉnh và 3 tuyến du lịch liên tỉnh. Tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 472 cơ sở kinh doanh du lịch; giá trị vốn đầu tư đạt 1.842,39 tỷ đồng với 1 khách sạn 4 sao; 2 khách sạn 3 sao; 8 khách sạn 2 sao; 4 khách sạn 1 sao. Tổng số buồng lưu trú 4.319, cơ bản đáp ứng nhu cầu khách du lịch Bắc Ninh vào các ngày cao điểm. Hiện có khoảng 2.300 lao động du lịch trực tiếp và 4.700 lao động gián tiếp; số lượng lao động du lịch qua đào tạo chiếm 75% so với 15% khi mới tái lập tỉnh. Để thực hiện thành công mục tiêu này, các cấp, các ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, tập trung thực hiện nhiều dự án nhằm kích cầu du lịch như dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh), sắp tới là dự án xây dựng phân khu Khu di tích lịch sử văn hóa Như Nguyệt (Yên Phong)... Khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn đặc biệt cho du lịch.
Theo ông Lê Đắc Thuật, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thì trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh đề ra những chủ trương phát triển du lịch. Thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch. Tập trung vào một số giải pháp như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch du lịch chi tiết, các dự án đã được phê duyệt; tăng cường xã hội hoá đầu tư, trước mắt ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Bắc Ninh. Bên cạnh đó sẽ quan tâm đến các yếu tố bảo tồn di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường...
Biết khai thác thế mạnh du lịch đặc thù; gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái, xóa đói, giảm nghèo và phù hợp với xu thế phát triển là những yếu tố để đưa ngành du lịch Bắc Ninh phát triển bền vững, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế hôm nay và mai sau.
TTXT du lịch Bắc Ninh