Trong chặng đường rong ruổi miền Nam, chúng tôi quyết định ghé Bạc Liêu, bởi muốn được một lần bước chân vào cụm nhà công tử Bạc Liêu, sau những vinh quang và huyền thoại, nơi ấy trở thành một điểm dừng chân giá trị.
Có vẻ ít có điểm du lịch nào dễ dàng tìm đến như cụm nhà công tử Bạc Liêu, mà ai cũng biết là nói về ông Trần Trinh Huy (1900 - 1973), còn có tên khác là Ba Huy. Ông là một tay ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930 - 1940. Nhà công tử Bạc Liêu xây theo kiểu kiến trúc Pháp cổ, nằm ở số 13, Điện Biên Phủ, ở ngay ngã tư đường đang bị bủa vây giữa thời đô thị hóa. Nhưng quả thật đây là một vị trí đẹp trong lòng thành phố, mà đối diện là công viên, con sông Bạc Liêu đang mải mê trôi nước ra biển cả. Ngôi nhà xây dựng vào năm 1919, đến nay vẫn không bị lỗi thời dù đã trải qua trăm năm dâu bể. Nhà do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha Công tử Bạc Liêu xây lên khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000ha đất trồng lúa, gần 100.000ha ruộng muối. Toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông. Ông Trạch có 7 người con: 4 gái, 3 trai...
Bước vào tham quan nhà công tử Bạc Liêu, dễ bắt gặp chiếc ô tô mà công tử đã lái ngang dọc Bạc Liêu. Nay chiếc xe được thắt dây đỏ, trở thành nơi chụp hình lưu niệm. Chụp xong mọi người bắt đầu đi vào trong các căn phòng để chiêm ngưỡng những gì còn sót lại của một gia đình giàu sang. Tôi đã đến nhiều nơi mà thời xưa là thời hưng thịnh của vua chúa hay người giàu có, cho nên cố tìm những gì mà nơi này còn lại sau trăm năm. Này nhé, nào là các bộ bàn ghế nơi đây đều được cẩn xà cừ sắc sảo, những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng đến đèn chùm. Đặc biệt giường ngủ của ông khảm xà cừ, mà theo mọi người thì do thời đó chưa có máy lạnh cho nên nằm trên chiếc giường như thế rất mát.
Đi loanh quanh trong tầng 1, vào phòng ngủ ngắm giường, ra phòng khách ngắm bàn ghế. Chiếc tủ cẩn xà cừ rất đẹp, bộ bàn ghế tiếp khách cũng cẩn xà cừ, chiếc bàn bán nguyệt ép sát tường cho thấy chủ nhân rất giàu. Cũng theo truyền thống Nam bộ, có chiếc phản làm bằng gỗ quý dày tới 20cm kê sát cửa sổ để nghỉ trưa. Dọc theo hành lang nhà công tử Bạc Liêu có rất nhiều chiếc bình cổ quý giá. Một chỗ khác có chiếc máy hát thời trước với chiếc loa để ngoài, một chiếc tivi đen trắng có khả năng bổ sung sau này. Lên tầng 2, vào phòng ngủ gặp chiếc giường có khung viền xà cừ công phu giống như giường của vua. Bàn trang điểm với chiếc kính bầu dục có khảm gỗ họa tiết công phu. Trên tường, ngoài những tranh khảm, đồ đồng còn có chiếc nón cối màu vàng mà thuở sinh thời Công tử Bạc Liêu hay đội để đi thăm đồng, một chiếc đồng hồ quả lắc vẫn tiếp tục xoay vòng thời gian, mặc kệ năm tháng đi qua.
Một nơi mọi người dừng lại lâu nhất trong nhà công tử Bạc Liêu là bàn thờ ông Trần Trinh Huy và bà vợ đầu. Người ta bảo, không ai đếm được Công tử Bạc Liêu có bao nhiêu vợ. Người vợ đầu tiên được cưới hỏi đàng hoàng có tên Ngô Thị Đen, con của một bá hộ giàu có trong vùng. Hai bức tượng bán thân đặt trên cao, người thành tâm thắp nén nhang trong khi cô hướng dẫn viên kể những huyền thoại về Công tử Bạc Liêu. Với cả một núi tài sản do ông Trần Trinh Trạch để lại ước tính tương đương trên 5 tấn vàng, Công tử Trần Trinh Huy đã hoang phí cả cuộc đời cho đến khi ông mất thì cũng vừa hết. Ngôi nhà về sau do chính quyền Sài Gòn quản lý từ năm 1973, dành cho các cố vấn Mỹ ở, sau làm tổng hành dinh của Sư đoàn 21. Nội thất trong nhà thất lạc khá nhiều, một số sau này phải đi tìm mua lại. Sau ngày miền Nam giải phóng, dòng họ Trần còn lại một ít điền sản ở Cái Dầy, khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn và vài ngôi nhà ở thị xã Bạc Liêu...
Có thể nói vào chiêm ngưỡng nhà công tử Bạc Liêu khiến người ta choáng ngợp bởi nhiều vật dụng quý giá được trưng bày, xoay vòng trong tâm trí du khách. Kia là bức bình phong cổ có tên Tứ quý liên hồi, nọ là bàn Tam long xoay, bộ trường kỷ ngũ sơn, máy hát đĩa xưa, rồi đồng hồ quả lắc, tủ ly cổ. Đó là bộ tranh tứ quý được làm từ ngọc thạch với cách chơi phong thủy bốn mùa đều có ngọc ngà châu báu. Tại các phòng ngủ của đại địa chủ số một miền Nam và nhân vật đặc biệt Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và những người con gái, con trai của gia đình này cũng được phục dựng lại, những tiện nghi sinh hoạt khá giống với sinh hoạt gần 100 năm trước, mà toàn là những vật dụng đắt tiền như bộ long sàn, những chiếc bàn trà, bàn trang điểm cổ. Riêng hai bức tượng thờ được làm lại từ nguyên mẫu của một họa sĩ nổi tiếng người Thụy Sĩ và bộ lư mắt tre quý giá, cùng với các vật dụng thờ cúng khá sinh động... Bước ra khỏi nhà công tử Bạc Liêu là nhìn thấy dòng sông Bạc Liêu vẫn cuộn chảy như nhân chứng sống. Chúng tôi đã bước chân tới một ngôi nhà đặc biệt, trăm năm trước, gia chủ rất giàu và khét tiếng ăn chơi.
TTXT du lịch Bạc Liêu