Khi ngành chức năng và các đơn vị liên quan đang “xốc vác” nhiều nhiệm vụ để tăng tốc phát triển du lịch thì có một đơn vị cũng âm thầm góp phần mình để làm cho khách đến du lịch Bạc Liêu có một không gian giải trí về đêm. Đó là những suất diễn cải lương tối thứ Bảy hàng tuần của Nhà hát Cao Văn Lầu.
Nói là âm thầm nhưng kỳ thực anh em trong nhà hát, từ cán bộ lãnh đạo đến từng diễn viên, nhân viên, ai nấy cũng đầy tâm huyết trong chức trách của mình. Và tất nhiên, mỗi đêm diễn của họ không hề... âm thầm như cách họ đang góp sức vào ngành du lịch Bạc Liêu. Chúng tôi đã thật sự bị chìm vào sự đam mê, hít thở bầu không khí của không gian nghệ thuật đầy “thần thái” của một vở tuồng, nên nhận ra điều đó! Đó là hai phần của vở cải lương “Tây Thi - Gái nước Việt” với 2 đêm diễn thu hút khá đông khán giả. Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Mỹ Hạnh và Diễm My vào vai Tây Thi rất ngọt. Một nhan sắc khuynh thành, một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử cổ trang, với những phân đoạn diễn ca điêu luyện, tài - sắc song toàn, sự dằn xé giữa tình riêng - tình chung, giữa tình yêu của bản thân với cơ đồ đất nước đã được hai diễn viên trẻ thể hiện khá thành công. Khán giả vỗ tay tán thưởng không hề khiên cưỡng! Chúng tôi hiểu điều đó khi đặt mình ở vị trí khán giả để cảm nhận! Bên cạnh đó, sự đấu lý - tình giữa Ngũ Tử Tư (Vĩnh Sơn) và Ngô Phù Sai (Giang Tuấn) cũng đã khiến khán giả thưởng thức một cách say mê. Nếu động tác đi gối, sự uyển chuyển nhịp nhàng của gót chân, giọng ca lúc hùng hồn lúc dằn vặt đau xót cho khán giả nhìn thấy khả năng chuyên nghiệp trên sàn diễn của các diễn viên trẻ; thì từng lời thoại sâu sắc, văn chương nửa cổ trang nửa hiện đại cũng cho khán giả chiêm nghiệm những bài học về đạo đức, nhân cách không bao giờ lạc hậu - dù ở thời đại nào. Cải lương, nếu được đầu tư chu đáo về kịch bản, diễn viên và mọi khía cạnh liên quan, sẽ đạt đến một “trình độ” như thế!
Bên cạnh đó, những phân cảnh đẹp từ sự hỗ trợ kỹ thuật điện ảnh trên màn hình led của nhà hát cũng khiến cải lương được phối trộn màu sắc hiện đại. Chúng tôi không quá lạc quan trong tâm thế “chủ nhà”, nhưng với những điều cảm nhận rút ra khi xem một đêm diễn của Nhà hát Cao Văn Lầu thì đã tin rằng, đây sẽ là không gian nghệ thuật có sức hút đối với khán giả nói chung, và đặc biệt đối với khách đến du lịch Bạc Liêu nói riêng, nếu nói rằng cải lương đang góp phần làm nhiệm vụ du lịch! Lãnh đạo Nhà hát Cao Văn Lầu kiêm “ông bầu” của các chương trình biểu diễn nghệ thuật tối thứ Bảy hàng tuần, đạo diễn Ngô Quốc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng một không gian nghệ thuật về đêm nhằm phục vụ khán giả Bạc Liêu và đặc biệt là phục vụ khách đến du lịch Bạc Liêu. Bạc Liêu từ lâu được biết đến là một trong những “chiếc nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử, là xứ sở của bản “Dạ cổ hoài lang” - bài ca vua của sân khấu cải lương. Du khách lại thường phản ánh là ở lại đêm tại Bạc Liêu không có gì để giải trí. Vậy nên chúng tôi muốn xây dựng chương trình đêm nghệ thuật tối thứ Bảy hàng tuần để giải quyết hai vấn đề trên. Vừa để gìn giữ và phát huy giá trị một bộ môn nghệ thuật bản sắc của xứ sở, vừa tạo một không gian lý tưởng cho du khách nghỉ đêm ở Bạc Liêu. Chúng tôi tranh thủ vận động nguồn xã hội hóa để thực hiện chương trình này. Bởi muốn có một đêm diễn chất lượng từ nội dung đến nghệ thuật đòi hỏi sự tập luyện công phu của cả tập thể nhà hát. Sắp tới, chúng tôi cũng có kế hoạch tăng cường quảng bá bằng hình thức tuyên truyền trên trang web của ngành cũng như lồng ghép vào những tờ gấp quảng bá các tour du lịch Bạc Liêu ... Làm sao để du khách biết được Bạc Liêu đã có không gian nghệ thuật về đêm để phục vụ du khách”.
Mang tính chất “thử nghiệm”, hiện tại nhà hát thiết kế chương trình thành hai phần chủ đạo gồm “Hào khí non sông” với những ca khúc, tiết mục ngợi ca hào khí non sông oai hùng trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, và “Bạc Liêu ngày ấy” là những trang sử vẻ vang trên đất Bạc Liêu. Bên cạnh đó, những vở cải lương mang màu sắc cổ trang hay hiện đại, “xương sống” của chương trình luôn là tiết mục được khán giả mong đợi nhất, đã và đang được nhà hát tiếp tục đầu tư để ra mắt khán giả. Các đêm diễn đã khiến Nhà hát Cao Văn Lầu phát huy được công năng và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thì nhận về những tràng pháo tay giòn giã. Những vị khách đến du lịch Bạc Liêu và tình cờ bước vào không gian nghệ thuật này cũng đã thể hiện sự yêu thích khi ngồi xem cải lương diễn “sống”! Ngẫu nhiên ngồi cạnh hai du khách ngoài tỉnh cùng vào xem vở “Tây Thi - Gái nước Việt”, chúng tôi ghi nhận được chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Loan (tỉnh Tiền Giang): “Tôi cho rằng nếu đầu tư được những vở diễn hay thế này thì sẽ có du khách ở lại đêm với Bạc Liêu để thưởng thức một môn nghệ thuật đặc biệt, giống như người ta ở đêm trên đất Huế để được nghe ca Huế trên sông Hương vậy”.
Rất nhiều người hiến kế để du lịch Bạc Liêu giữ chân du khách qua đêm, đó là điều chúng tôi ghi nhận được sau nhiều chuyến khảo sát, nắm bắt nguyện vọng và trưng cầu ý kiến từ các công ty, doanh nghiệp làm du lịch chuyên nghiệp. Chị Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm của Vietravel, hiến kế: “Khi làm du lịch chúng ta nên biết một điều: sau mỗi chuyến đi, giá trị đọng lại ở du khách là gì. Tôi cho rằng, Bạc Liêu nên gây ấn tượng trong lòng du khách bằng chính giá trị nghệ thuật vì các bạn đã có thế mạnh là đất tài tử, cải lương. Chúng ta có Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, có Nhà hát Cao Văn Lầu thì không thể thiếu những suất diễn cải lương mang dáng dấp của cố nhạc sĩ tài hoa đó”. Và chúng tôi tin rằng, bằng tâm huyết và tình yêu nghề, các anh chị em ở Nhà hát Cao Văn Lầu sẽ gặt hái được kết quả mỹ mãn khi đem cải lương góp mặt vào những tour du lịch có tên Bạc Liêu. “Chúng tôi đặt mình vào tâm thế là diễn viên giữ lửa cho nghệ thuật cải lương và người Bạc Liêu đang góp phần mình vào con đường phát triển du lịch Bạc Liêu”, đó là lời chia sẻ đầy tinh thần trách nhiệm của nghệ sĩ Mỹ Hạnh. Tin rằng nhà hát Cao Văn Lầu sẽ làm nên chuyện khi đã giữ tâm thế đó mà thực hiện những trọng trách của mình.
TTXT du lịch Bạc Liêu