Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đang xây dựng chương trình hành động đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với tiềm năng và lợi thế riêng có, Bạc Liêu đã và đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL.
Tiềm năng
Tuy không được thiên nhiên ưu ái ban tặng những danh lam thắng cảnh hùng vĩ làm say lòng người, nhưng Bạc Liêu lại có tiềm năng phát triển du lịch rất độc đáo mà nhiều tỉnh, thành khác “muốn cũng không được”. “Đặc sản” đó chính là tính cách hào hiệp của người Bạc Liêu, lòng mến khách, sự nhiệt tình. Nhiều du khách qua kinh nghiệm đi du lịch Bạc Liêu đã bày tỏ sự thích thú trước nét văn hóa đặc biệt này khi đến đây tham quan, giao lưu và làm việc. Ngoài tính cách chất phác, hào sảng đã tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, Bạc Liêu còn thật sự “níu chân” khách thập phương bằng các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lịch sử...
Trong du lịch tâm linh, Khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) là một trong những điểm đến nổi tiếng. Hàng ngàn lượt khách đổ về đây chiêm bái, hành hương vào các dịp lễ Tết, hay vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, đã chứng minh được sức hút của nơi này. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Mỗi năm tôi xuống du lịch Bạc Liêu, hành hương một lần. Lần nào đến tôi cũng cảm nhận có sự thay đổi rõ nét về diện mạo, phong cảnh của các khu du lịch. Nơi đây, ngoài Khu Quán âm Phật đài còn có điểm du lịch độc đáo mới phát triển là chùa Hưng Thiện (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) - nơi có tượng Mẹ Quan âm cao nhất miền Tây. Đặc biệt, cánh đồng điện gió có quy mô lớn nhất cả nước đã tạo nhiều ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng tôi”.
Vâng, trên bản đồ du lịch Bạc Liêu dần hình thành những khu du lịch mới, đồng thời cũng phát huy những khu du lịch trước đây. Như ngay trong lòng thành phố, du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng Vườn chim Bạc Liêu rộng hơn 130ha, với hàng trăm loại chim, cò quý hiếm. Hay khu du lịch giồng nhãn Bạc Liêu, du khách vừa tham quan vườn nhãn cổ thụ tuổi thọ trên 100 tuổi, vừa được thưởng thức những món ăn đặc sản của miền Tây Nam bộ. Cách vườn nhãn cổ không xa, là cánh đồng điện gió sừng sững, hùng vĩ trước biển Đông. Nơi đây là điểm du lịch sinh thái khá mới mẻ của vùng đất này. Trên cùng trục đường du lịch biển Bạc Liêu vào nội thành, ngôi chùa Xiêm Cán của đồng bào Khmer Nam bộ có tuổi đời trên 100 năm, cùng cây xoài cổ trên 300 năm tuổi đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam.
Trong nội ô TP. Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng. Với những công trình đạt kỷ lục Guiness Việt Nam (Chiếc đờn kìm cách điệu, Trung tâm triển lãm VHNT và Nhà hát Cao Văn Lầu - Nhà hát 3 nón lá), Quảng trường Hùng Vương đã trở thành niềm tự hào của người dân và ngành du lịch. Bên cạnh đó, cẩm nang du lịch Bạc Liêu không thể thiếu giai thoại về Công tử Bạc Liêu một thời nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam kỳ, nay là một trong những vốn quý mà tỉnh đang khai thác du lịch.
Nhiều đơn vị lữ hành và những người làm du lịch chuyên nghiệp đã đánh giá rằng: Bạc Liêu đang sở hữu nhiều tiềm năng du lịch to lớn, chỉ tính riêng ở tỉnh này đã có đến 8/33 điểm du lịch được công nhận tiêu biểu cấp vùng ĐBSCL. Đây cũng là bước đệm để du lịch Bạc Liêu cất cánh. Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 7 điểm du lịch quốc gia, thì Bạc Liêu được quy hoạch một điểm du lịch quốc gia là Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
...Và lợi thế
Được xem là tỉnh đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch - Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy khóa XIV, Bạc Liêu từ lâu đã xác định du lịch là tiềm năng kinh tế động lực của tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn, đột phá để ngành du lịch Bạc Liêu bắt tay vào quy hoạch, đầu tư phát huy các thế mạnh về du lịch. Tỉnh đã xác định rõ, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Đây là ngành có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, tỉnh phát huy tối đa lợi thế của mình để từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Với lợi thế là nơi hội tụ ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa tạo ra dòng văn hóa rất riêng và phong phú, từ đây nhiều chiến lược được vạch ra để làm nền tảng cho du lịch cất cánh. Là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, là “chiếc nôi” của Đờn ca tài tử, Bạc Liêu đã và đang tận dụng “báu vật phương Nam” này như một trong những nét văn hóa đặc biệt để phát triển du lịch. Phương thức làm say lòng người bằng văn hóa, chính là kiểu làm du lịch của “xứ Công tử”! Ngoài ra, còn có nhiều khu du lịch Bạc Liêu không thể không nhắc đến, như Tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (TX. Giá Rai)...
Bức tranh du lịch ở Bạc Liêu ngày càng khởi sắc hơn, bởi ngành Du lịch biết tận dụng cơ hội và điều kiện để “mở đường” cho hình ảnh Bạc Liêu vươn xa hơn. Điển hình như việc ký kết hợp tác với 30 tỉnh, thành phố với mong muốn quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Bạc Liêu đến với bè bạn muôn phương. Đồng thời tỉnh cũng liên kết với 22 công ty du lịch, đơn vị lữ hành các tỉnh trong nước, xây dựng tuyến, tour du lịch Bạc Liêu, góp phần gia tăng lượng khách. Việc Bạc Liêu có văn phòng đại diện của Công ty du lịch Viettravel cũng là tín hiệu vui và nằm trong chiến lược đưa hình ảnh của Bạc Liêu vươn ra tầm quốc gia, cũng như “bắt” được lượng khách đổ về đây nhiều hơn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bạc Liêu - Thái Quốc Lưu cho biết: “Thời gian qua, Bạc Liêu đã khai thác tương đối hiệu quả những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch. Tính từ năm 2011 đến nay, doanh thu du lịch đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đón khoảng 5 triệu lượt khách. Tính riêng quý 1/2017, Bạc Liêu đón khoảng 480.000 lượt khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016”.
Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch Bạc Liêu đã có chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam, song còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL.
TTXT du lịch Bạc Liêu