Nổi tiếng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với những lễ hội truyền thống vô cùng đặc sắc của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, trong quá trình phát triển du lịch Bạc Liêu, tỉnh đã khai thác tốt giá trị của lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu.
Với sự tham gia trong vấn đề tổ chức và quản lý của ngành chức năng, các lễ hội truyền thống ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn. Về du lịch Bạc Liêu, khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của những lễ hội diễn ra gần như quanh năm. Mở màn là đại lễ Kỳ yên được tổ chức trong suốt tháng Giêng tại những ngôi đình, miếu cổ. Đến đây, mọi người cùng tiến hành các nghi thức cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và xem hát tuồng cổ. Những năm qua, đại lễ Kỳ yên ở Bạc Liêu luôn thu hút được sự quan tâm, tham gia của du khách gần xa. Bởi đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, thích hợp để đi du lịch và vui chơi lễ hội. Cũng trong tháng Giêng và tháng Ba, du khách thập phương và người dân miền biển lại nô nức đón chào lễ hội Nghinh Ông ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Tại đây, hàng trăm chiếc tàu cá lớn nhỏ sẽ đồng loạt tiến ra cửa biển rước Ông để cầu mong mùa ra khơi mới sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Anh Quách Minh Hoàng đến du lịch Bạc Liêu từ tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Tôi đã có dịp về Gành Hào để tận hưởng không khí vui tươi, đầy sắc màu văn hóa của lễ hội Nghinh Ông. Cũng như quê hương tôi, Bạc Liêu đã khai thác, xây dựng một lễ hội dân gian trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn”.
Lễ hội Quan âm Nam Hải diễn ra tại khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của du lịch Bạc Liêu. Từ 22 - 24/3 (âm lịch), lễ hội có sự góp mặt của hàng chục ngàn tăng ni, phật tử và du khách khắp nơi trong cả nước. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đầy đủ các nghi lễ cổ truyền của Phật giáo, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo “tốt đời, đẹp đạo”. Song song đó, lễ hội còn có các hoạt động hấp dẫn như: văn nghệ, triển lãm ảnh, biểu diễn thư pháp...
Theo ông Trần Minh Huấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thì những năm gần đây, du lịch Bạc Liêu đã có những bước chuyển mình đáng kể, số lượng du khách trong và ngoài nước, doanh thu dịch vụ du lịch tăng lên qua mỗi năm. Cùng với những sản phẩm đặc thù khác, lễ hội có những đóng góp quan trọng giúp ngành du lịch Bạc Liêu tăng tốc và bứt phá. Bên cạnh công tác tổ chức, các ngành chức năng còn phối hợp chặt chẽ trong quản lý, tuyên truyền cho du khách, người dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Đặc biệt, vào trung tuần 8/2016 (âm lịch), Bạc Liêu long trọng tổ chức lễ hội Dạ cổ hoài lang. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa của riêng tỉnh nhà, mà còn là sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016. Chắc chắn với những hoạt động đặc sắc như: giao lưu đờn ca tài tử, hội thi ẩm thực, liên hoan đờn ca tài tử kết nối du lịch Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng mở rộng, thi đối đáp bản Dạ cổ hoài lang, ca dao, hò vè..., sẽ là “cơ hội vàng” để du lịch Bạc Liêu tạo ấn tượng với khách phương xa, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi - giải trí. Khai thác tốt lễ hội truyền thống là việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà.
TTXT du lịch Bạc Liêu