Địa điểm du lịch Kênh gym

Ngày xuân về làng Thổ Hà chơi thư pháp

04/02/2016 - 2335 view
Ngày xuân về làng Thổ Hà chơi thư pháp

Ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) từ nhiều đời nay vẫn giữ phong tục chơi thư pháp đầu xuân, lưu giữ hồn cốt của dân tộc trong từng nét chữ. Phong tục độc đáo này không chỉ là sự coi trọng tri thức mà qua đây còn thể hiện ước nguyện cầu mong một năm phúc, lộc, thọ đầy nhà của người chơi.

Cứ khoảng từ 20 tháng Chạp đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch, các ông đồ thuộc Câu lạc bộ (CLB) thư pháp Hán Nôm làng Thổ Hà lại khăn sếp, áo the ra đình Thổ Hà cho chữ. Hình ảnh đó đã tạo nên một không gian đặc sắc riêng, góp phần làm cho không khí ngày Tết thêm xuân.

CLB thư pháp Hán Nôm làng Thổ Hà được thành lập từ năm 2000 với 6 thành viên. Các cụ đều là người yêu thích chữ Hán nên tự mày mò học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thú chơi. Ngoài ra, CLB còn mở lớp dạy thư pháp thu hút hơn 30 ngòi bút trẻ đam mê nghệ thuật theo học. Vào dịp năm mới, CLB thư pháp Hán Nôm thường giao lưu với các ông đồ trong và ngoài tỉnh. Đây là hoạt động thường niên của những người yêu chữ mong muốn trao đổi kinh nghiệm, rèn cách viết.

Để có được một bức thư pháp mà khi người thưởng lãm nhìn vào từng chữ như phượng múa rồng bay với những nét thăng giáng bay bổng, khi ẩn lúc hiện đục trong, bút lực phóng khoáng đạt độ trong mà không thấy vắng, đục mà không thấy nặng nề... là một điều không dễ dàng.

Cụ đồ Nguyễn Đình Oánh, Chủ nhiệm CLB thư pháp Hán Nôm làng Thổ Hà chia sẻ: “Người viết thư pháp trước hết cần có sự kiên trì, rèn luyện gian khổ, bền bỉ. Bên cạnh sự khổ luyện tay nghề, các nghệ nhân thư pháp còn phải “tu tâm”, rèn phong thái, nhân cách mới có bức thư pháp ưng ý”.

Cũng theo cụ Oánh, người đến xin chữ tùy theo đối tượng, ngành nghề mà cho những chữ khác nhau. Đa phần những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người kinh doanh thì xin chữ Lộc, chữ Tín. Người đi làm xin chữ Danh. Gia đình thường xin chữ Hiếu, Phúc, Lộc, Thọ, Tâm... Ngày nay, đối tượng xin chữ đã phong phú hơn, trong đó giới trẻ là đông hơn cả. Nhờ vậy, đã góp phần gìn giữ nét nhân văn trong văn hóa Việt tưởng như đã một thời bị mai một.

Lặn lội đường xá xa xôi, thành tâm về xin chữ, anh Nguyễn Hữu Thông, 27 tuổi, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bộc bạch: “Vì yêu thích giá trị truyền thống nên năm nào tôi cũng đến xin chữ của các cụ đồ làng Thổ Hà. Năm nay, tôi xin chữ Thiện với mong muốn mình luôn được hướng thiện”.

Ngày này, người ta dùng thư pháp để thể hiện những giá trị đẹp đẽ, chân thật, cao quý, chẳng hạn như: chữ Tâm, Nhẫn, Trí, Đạo, Hiếu...; những câu đối, châm ngôn, ca dao, tục ngữ; những câu văn hay, bài thơ trác tuyệt của những người nổi tiếng. Cũng vì thế mà thư pháp được xem là một thú vui tao nhã, một nghệ thuật tôn quý.

Điều đặc biệt tạo nên vẻ đẹp của thú chơi thư pháp chính là cảnh người viết và người xin đều chăm chú, say mê theo từng nét bút rồng bay phượng múa. Đối với nghệ nhân thư pháp ở làng Thổ Hà thì không có niềm vui nào bằng niềm vui nhìn thấy người thưởng lãm cảm nhận và đọc được cảm xúc của mình trong tác phẩm. Người đến xin chữ chỉ trả chút tiền giấy mực, còn chữ thì được viết tặng, không bán.

Ông Nguyễn Đăng Lý, cán bộ văn hóa xã Vân Hà cho biết: “CLB thư pháp Hán Nôm làng Thổ Hà góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục bảo tồn và mở rộng hoạt động này”.

Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của đất trời thì những dòng thư pháp mà các ông đồ nơi đây gửi lời, gửi ý trong câu đối, câu chúc Tết cũng là một trong những món quà tinh thần biểu thị cho ước vọng đầu năm. Vì vậy, nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người làng Thổ Hà, xã Vân Hà nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Ngày xuân về làng Thổ Hà chơi thư pháp 2

Ngày xuân về làng Thổ Hà chơi thư pháp 3

Ngày xuân về làng Thổ Hà chơi thư pháp 4


TTXT du lịch Bắc Giang

Mục lục

Du lịch Bắc Giang
          - Đồng Cao
          - Khe Rỗ
          - Hồ Cấm Sơn
          - Làng Thổ Hà