Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng Thổ Hà với nghệ thuật Tuồng cổ điển

17/02/2015 - 2566 view
Làng Thổ Hà với nghệ thuật Tuồng cổ điển

Trải qua bao thăng trầm, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) vẫn giữ được nghệ thuật tuồng truyền thống, đây cũng là nơi hiếm hoi trong tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được môn nghệ thuật cổ điển này.

Trau chuốt từng li

“Diễn tuồng đã khó, hóa trang nhân vật trong các tích tuồng cổ còn khó hơn, cả làng Thổ Hà giờ chỉ còn 5 người biết hóa trang, nghệ sĩ phải biết vận dụng ưu điểm của khuôn mặt để thể hiện hình tượng, tính cách nhân vật mình hóa thân”, đó là nhận định của ông Phạm Tiến Tuấn, Chủ nhiệm CLB tuồng Thổ Hà. Những ai được xem “diễn viên” tuồng Thổ Hà biểu diễn đều ấn tượng với những ông tướng mặt đỏ như gấc, râu dài tới ngực, áo quần lộng lẫy trên sân khấu không chuyên. Xưa kia, tuồng không những để làm vui cho vua chúa những buổi yến tiệc, mà còn dùng trong tế lễ, thiết triều. Từ lâu, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội, việc làng ở Thổ Hà.

Cũng vì thế mà người làng Thổ Hà có câu “Phi tuồng bất thành hội”. Để vở diễn thành công, việc trang điểm, trang phục đặc biệt quan trọng. Theo ông Tuấn, người diễn viên ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn biết hóa trang trau chuốt từng chi tiết khi “thủ” bất cứ vai nào. Nhờ những gương mặt được hóa trang cầu kỳ đó, khán giả biết được tâm lý, tính cách, giai cấp và có thể phân biệt trung thần hay nịnh thần khi bước ra sân khấu.

Nghệ thuật hóa trang tuồng ở làng Thổ Hà có những quy ước chặt chẽ, sao cho thể hiện được tính cách, đức tính nhân vật. Trong đó, khó nhất là thể hiện khuôn mặt. Diễn viên hóa trang theo một số mẫu chung, vai “trung” mặt đỏ, râu dài; vai “nịnh” mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người trầm tĩnh; mặt tròng xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan...

Có hai cách để vẽ mặt tuồng là mặt đen và trắng, trong đó thể hiện mặt đen khó hơn. Kinh nghiệm ở làng Thổ Hà cho thấy: căn cứ vào tuổi của nhân vật mà hóa trang phù hợp, tràng mày và mắt sẽ quyết định nhiều nhất đến biểu lộ trên khuôn mặt, mặt to béo tô phấn hồng dài cho mặt trái xoan, mặt nhỏ để “mắt phượng, mày ngài”. Khi đánh phấn trắng làm nền phải đều, mịn, không đậm và nhạt quá, sao cho khuôn mặt tươi, sáng, nhiều đỏ sẽ cứng, nhạt lại không nổi bật.

Cầm vàng chớ để vàng rơi

Hơn 20 năm kể từ khi thành lập, cho dù có lúc khó khăn, số lượng diễn viên tăng giảm thất thường nhưng CLB Tuồng làng Thổ Hà vẫn giữ vững được mạch nguồn bản sắc truyền thống vốn có của làng quê văn hiến. Mỗi năm, CLB diễn 4 buổi ở làng và đi diễn “tuồng góp” ở Ninh Hiệp, Cổ Loa, Sóc Sơn (Hà Nội), Bắc Ninh... Dịp làng mở hội (vào ngày 20, 21 tháng Giêng) cũng tổ chức diễn tuồng kín hai đêm. Các vở tuồng làm nên “tên tuổi” của CLB như: “Triệu Đình Long cứu chúa”, “Đào Tam Xuân”, “Ngự đệ Kim Hùng”, “Bá đao Diệm Thiên Hùng”...

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật tuồng còn là “điểm nhấn” trong nghi lễ rước của lễ hội làng Thổ Hà hàng năm, trong đó có hơn 20 vai đóng thế được trang điểm khá cầu kỳ như: Tổng cờ, Tổng Kiếm, Tam Đa, Tiên đồng, Ngọc nữ... tạo sắc màu đầy ấn tượng cho không gian văn hóa thuần Việt. Mặc dù vậy, tuồng Thổ Hà vẫn có nguy cơ mai một bởi lớp trẻ ít người mặn mà với môn nghệ thuật vốn kén người diễn lẫn người xem này. Hơn nữa, từng điệu bộ tuồng đều rất khó thể hiện, như động tác vuốt râu, trèo cây, chèo đò, cưỡi ngựa, múa kiếm... sao cho thật giống để người xem liên tưởng như thật.

Ngôn ngữ tuồng ở làng Thổ Hà đa phần là Hán - Việt hoặc từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ. Các điệu cơ bản của tuồng như ngâm, vịnh, thán oán, nam thương, xuân nữ, bạch, xướng, nam bình, khách... đều dùng thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát và phú khá chặt chẽ. Khác với các nghệ thuật khác, diễn tuồng khó hơn vì phải vừa hát vừa kết hợp cử chỉ, động tác có tính trừu tượng. Còn trang phục biểu diễn có giá từ 5 đến 6 triệu đồng/bộ, khi cần phải mượn thêm của những CLB tuồng ở Bắc Ninh, Hà Nội.

Từng “thủ” nhiều vai từ phản diện đến chính diện, nhưng trước mỗi vở diễn, ông Tuấn dành cả giờ đồng hồ cho việc hóa trang, hễ lúc nào rảnh lại đọc những truyện cổ Việt Nam để hiểu về những điển tích của người xưa. Chủ nhiệm CLB Tuồng làng Thổ Hà chia sẻ: Tùy giai đoạn mà Tuồng có chủ đề khác nhau nhưng xuyên suốt vẫn là đề tài “Phò vua diệt nguỵ”. Tuồng Thổ Hà vẫn đứng trước nỗi lo thất truyền bởi lớp trẻ giờ ít người đam mê dù CLB đầu tư kinh phí, công sức tổ chức truyền dạy nhưng ít người người tham gia.

“Tiền không phải quan trọng nhất, cái chính là tìm lớp kế cận và người dân còn yêu tuồng hay không? Những diễn viên gạo cội trong làng đang cố gắng tìm lại thuở vàng son của tuồng nơi đây. Biết đâu nhờ tuồng mà làng Thổ Hà tạo thêm sức hút đối với du khách như nhiều người vẫn mong đợi”- Chủ nhiệm CLB Phạm Tiến Tuấn chia sẻ.

TTXT du lịch Bắc Giang

Mục lục

Du lịch Bắc Giang
          - Đồng Cao
          - Khe Rỗ
          - Hồ Cấm Sơn
          - Làng Thổ Hà