Cặp liền anh quan họ Nguyễn Đăng Nam - Nguyễn Phú Hiệp (làng Thổ Hà, Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng trong sân chơi làng quan họ xứ Kinh Bắc mà còn được biết đến như một hiện tượng tại các cuộc thi hát dân ca Việt Nam bởi chất giọng đặc biệt, cổ và lạ. Hai chất giọng bổ sung nhau, một giọng dày và sâu lắng; giọng kia mượt và vang khiến người nghe như được đắm mình trong nhiều cung bậc cảm xúc của những làn điệu quan họ vốn đã da diết, bịn rịn bâng khuâng. Chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa, Thể thao & Du lịch các dân tộc tỉnh, cặp liền anh này được chọn biểu biễn khai mạc cùng với những tiết mục đặc sắc của quê hương như hát ống, hát ca trù. Nhân sự kiện này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh hai Nam - một trong hai liền anh của "cặp đôi hoàn hảo" này.
Chào anh, cơ duyên nào đưa các anh đến với thú chơi quan họ này ?
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Thổ Hà trên bến dưới thuyền, ngày ngày được tắm mát nước sông Cầu - dòng sông được mệnh danh là dòng sông quan họ vì thế mà quan họ đã ngấm vào máu thịt chúng tôi từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Năm 1997, khi tỉnh Hà Bắc chia tách thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, từ đó mỗi dịp hội xuân, chúng tôi không còn cơ hội sang thi thố bên Bắc Ninh nữa, trong khi phong trào hát ở làng phát triển lắm, mấy anh em có chung niềm đam mê bàn nhau tạo riêng cho mình một sân chơi, kế thừa những tinh hoa như các cụ xưa. CLB quan họ được ra đời trong hoàn cảnh như thế! Mới đầu chỉ có ba anh em, bây giờ có tới hơn 30 người. Khi mới thành lập, chúng tôi mời các thầy nổi tiếng bên Bắc Ninh để dạy từ đầu. Quanh khu vực, cứ ở đâu mở hội có hát quan họ là chúng tôi lại tìm đến để học, học thầy, học bạn, học cách giao tiếp, ứng xử, lề lối của người quan họ, từ đó khám phá ra những cách hát, cách ngân, nảy, luyến láy đặc trưng của mỗi vùng về để lựa chọn...
Hát quan họ Thổ Hà theo lối cổ chắc đòi hỏi kỹ thuật cao ?
Để hát được cần có một quá trình, người mới biết hát phải tập cách lấy hơi, hát không nhịp, không đàn, tập kỹ thuật luyến láy, ngân rồi khi hát được nhuyễn rồi mới tính đến kỹ thuật cao, hát vang, dền, nền, nảy đúng nhịp. Tập hát cả ba giọng: giọng vặt, giọng kết, giọng giã, hát lề lối, hát đối, hát canh... Chúng tôi cứ học truyền miệng trong dân gian như các cụ ngày xưa ở làng Thổ Hà, đi đâu học mót được cái gì về là anh em lại rải chiếu ngồi tập, hàng năm trời cứ rảnh việc là lại ngồi tập như thế, nhiều nguời thì động viên cũng có khối kẻ bảo bọn tôi dở người cứ trông thấy đâu là ối a với ứ hự...
Cái gì để phân biệt quan họ Thổ Hà khác với mọi nơi, thưa anh ?
Anh có nghe câu người ta thường nói "Về làng Thổ Hà mới ra quan họ" không? Đây là câu khen dành cho vùng đất có những người chơi quan họ nguyên gốc, không lai căng, không chạy theo thị trường, hát chế những làn điệu quan họ cổ, tựa như câu khen trình độ người nghe quan họ, có tinh mới có tường! Quan họ Thổ Hà là đưa cách hát, cách chơi, thổi hồn của mình vào những lời cổ, để quan họ sáng lên. Cách hát, từ đệm ở các cung bậc, cách luyến láy ngân nga, của người bên này sông da diết hơn. Anh hãy nghe những bài như Giăng già, Tưởng đến gần xa, Tuấn khanh trường, Cây gạo, Kim lan đường bạn... lối chúng tôi thể hiện khác hẳn với bên Bắc Ninh, không biết có phải hay hơn không mà thời còn tỉnh Hà Bắc, hát thi ở dịp hội Lim bao giờ liền anh làng Thổ Hà cũng giật hết giải cao.
Người ta nói liền anh Thổ Hà thường "chơi quan họ", khác "hát quan họ" thế nào, thưa anh ?
Tôi nghe các cụ nói ở làng cổ Thổ Hà quan niệm xưa chơi quan họ là sang trọng lắm, không phải dành cho nhiều người, phải là nhà khá giả mới mời được một canh quan họ đến nhà hát, mà hát hết một canh phải ba ngày ba đêm mới tàn. Thứ hai đã chơi quan họ thì như có chung một tấm lòng, đã là liền anh liền chị thì coi quan họ như một gia đình, ở đó họ có thể chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau, thân nhau như anh em ruột. Đã chơi quan họ là phải rất vô tư không tính toán, lòng hẹp hòi, tính ích kỷ không chơi quan họ được. Làng Thổ Hà không có ruộng, cuộc sống của dân làng chủ yếu bằng nghề phụ, vất vả lắm nhưng cứ có việc cần đến anh hai quan họ là việc nhà đã có chị hai... Ở đất này, mỗi năm có hàng trăm đoàn khách cả trong và ngoài nước về thăm, nghe quan họ trong chùa ấy chứ! Xưa nay quan họ chỉ dùng hát tặng khi khách đến thăm nhà, hay tham gia các sự kiện lớn, trọng đại của tỉnh của quốc gia chứ không ai mời được liền anh, liền chị Thổ Hà đi mua vui kiếm tiền được.
Có một di sản quý như thế, quan họ Thổ Hà hẳn phải nổi tiếng ?
Ở huyện Việt Yên có 5 làng quan họ cổ nằm dọc bờ Bắc sông Cầu, có tới vài chục CLB hát quan họ với 400-500 người thường xuyên sinh hoạt. Từ hơn 10 năm nay huyện, tỉnh có tổ chức hội thi hát quan họ vào dịp đầu xuân tại hội Bổ Đà, CLB quan họ Thổ Hà bao giờ cũng có giải cao, riêng các liền anh luôn được xếp vào "chiếu trên". Tôi và anh hai Hiệp ba lần đại diện cho làng Thổ Hà tham gia thi hát dân ca Việt Nam, được hai giải B và một giải C, năm 2011 chúng tôi lại đoạt giải B hội thi Tiếng hát dân ca Việt Nam. Chúng tôi được mời tham gia nhiều sự kiện lớn như: nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, sự kiện đón Bằng công nhận Quan họ là di sản thế giới tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đầu năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại thủ đô Pari (Cộng hòa Pháp) với nhiều nội dung, trong đó có phần trình diễn văn hóa phi vật thể của hơn 160 quốc gia. Đại diện cho đoàn Việt Nam là Đoàn Nghệ nhân quan họ Bắc Giang, tôi cùng anh hai Hiệp được mời đi biểu diễn.
Là một trong những liền anh sống tại một nơi được coi là cái nôi của văn hóa xứ Bắc với nhiều giá trị bản sắc quý còn lưu lại, theo anh, quan họ làng Thổ Hà cần phải làm gì để giữ mãi được tiếng thơm ?
Trước hết chúng tôi phải giữ được lề lối truyền thống cách chơi quan họ của người làng Thổ Hà không để bị mai một và biến tướng. Chúng tôi tiếp tục nhân rộng phong trào học hát quan họ ra nhiều hơn tới các liền chị và điều quan trọng nữa chúng tôi tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các canh hát quan họ ở chùa, bởi hát canh ở đó hội tụ tất cả những gì gọi là văn hóa quan họ.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang tới gần, các anh mang gì đến Ngày hội ?
Một số bài quan họ cổ vẫn phong cách chơi quan họ của người làng Thổ Hà, anh cứ chờ xem và hôm nào cho ý kiến nhé!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
* Làng Thổ Hà, nơi quan họ "lên bến, xuống thuyền"
Điều thú vị nhất trong các làng quan họ vùng Kinh Bắc hiện nay là chỉ còn Thổ Hà thực sự là nơi quan họ "lên bến, xuống thuyền". Vào dịp hội làng Thổ Hà, trong cái xuân tình xuân sắc của đất trời, nhìn các liền anh áo the khăn xếp, ô đen, các liền chị áo mớ ba mớ bẩy, trong không gian sông Cầu mênh mang, những lời ca quan họ tha thiết cất lên: Ngồi rằng ngồi tựa mạn thuyền; rồi Gọi đò chẳng thấy đò thưa... mới thấy hết cái vẻ đẹp thực sự của quan họ Thổ Hà. Có nhà nghiên cứu quan họ từng khẳng định, nói tới quan họ vùng Kinh Bắc là nói tới cái mênh mang sông nước thì nay cái mênh mang ấy ta chỉ còn thấy ở làng Thổ Hà.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi đi tìm làng quan họ cổ, nhà nghiên cứu Trần Linh Quý đã "duy danh" 49 làng ở hai bờ nam bắc sông Cầu, trong đó 4 huyện, thị phía nam sông Cầu có 44 làng, còn huyện Việt Yên bắc sông Cầu có 5 làng (Sen Hồ, Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Mai Vũ) mà không có làng Thổ Hà. Nhưng đến đầu thế kỷ XXI, khi tham gia đề tài nghiên cứu quan họ bắc sông Cầu do Viện Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hoá Thông tin) và Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang phối hợp tổ chức, Trần Linh Quý mới có dịp cải chính và ghi danh quan họ Thổ Hà. Ông khẳng định "Quan họ Thổ Hà - nhịp cầu nối truyền thống với hiện đại" và cho rằng Thổ Hà thực sự là làng quan họ gốc. UNESCO vinh danh dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có làng quan họ Thổ Hà cũng chính là sự ghi danh xứng đáng về một làng quê mang vẻ đẹp "độc đáo" vùng quan họ.
TTXT du lịch Bắc Giang