Qua nhiều đợt khai quật ở xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu), các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích quan trọng về lịch sử, văn hóa của vùng đất này, cần được ngành VHTTDL quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách.
Giàu giá trị lịch sử, văn hóa
Xã đảo Long Sơn nằm ở phía Tây Nam của TP. Vũng Tàu, có diện tích rộng hơn 90km2, địa hình bao gồm hệ thống núi non, sông, rạch chằng chịt, đan xen là những giồng, gò cao. Đảo che chắn các cửa sông đổ vào vịnh Gành Rái, sông Thị Vải, Ngã Bảy ở phía Tây, sông Chà Và, sông Mũi Dùi và sông Dinh ở phía Đông. Đây là những cửa sông rộng và sâu, là đường giao thông thủy quan trọng để nối với nhiều khu vực trong đất liền, trở thành điểm hội tụ dân cư rất sớm và có mối giao lưu với nhiều địa phương vùng Nam bộ.
Từ hàng ngàn năm trước, dưới chân Núi Nứa đã có con người sinh sống. Các cuộc khai quật khảo cổ học năm 2003, 2005 tại di chỉ Giồng Lớn (thôn 3, thôn Rạch Già, đảo Long Sơn) đã hé mở một góc nhìn mới về vùng đất này. Với loại hình di chỉ khu vực mộ táng, sau khi khảo sát khai quật 650m2, đã phát hiện 80 cụm mộ nồi và mộ đất, thu được 2.310 hiện vật. Trong đó, có 2.043 hiện vật là đồ trang sức với chất liệu bằng gốm, thủy tinh, đá quý, kim loại... Những di tích, di vật phát hiện được cho thấy, các địa điểm này có niên đại cách nay khoảng 2.000-3.000 năm. Những di tích, di vật này là nguồn sử liệu vô cùng quý báu để tìm hiểu về lịch sử giai đoạn đầu Công nguyên của Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.
Nhằm phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng cho dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trên đảo Long Sơn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh khảo sát, thám sát và khai quật khảo cổ học khu vực này. Đoàn khảo sát đã phát hiện nhiều di tích cư trú, mộ táng và thu thập được bộ sưu tập hiện vật có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng nhiều thông tin khoa học liên quan về một vùng đất có giá trị lịch sử lâu đời với quá trình tụ cư của các cư dân cổ. Cụ thể, tại các địa điểm: Gò Trâm Bầu, bãi Cá Sóng, giồng Ông Trượng... đoàn phát hiện được gạch, gốm và các mảnh xỉ lò, bước đầu được xác định thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Riêng tại bãi Cá Sóng, đoàn đã thu thập được nhiều hiện vật có giá trị: 17 hiện vật rìu tứ giác, rìu có vai, mảnh vỡ rìu giống với các loại hình văn hóa Đồng Nai; 12.872 mảnh gốm; khuyên tai; linga... Theo nhận định của Đoàn khảo sát, đây là các dấu tích cư trú của cư dân ven biển, hình thức cư trú là các nhà sàn được dựng lên trên khu vực sình lầy, ngập mặn.
Dựa vào các loại hình di vật đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, có thể tìm ra mối liên hệ nguồn gốc cũng như sự giao lưu văn hóa kỹ thuật ở Đông Nam Á thời tiền sử. Theo các nhà khảo cổ học, các di vật của Giồng Lớn đảo Long Sơn có nhiều nét tương đồng với văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Giồng Phệt, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)... Hiện nay, sự phát triển và đầu tư hệ thống cảng biển là một thế mạnh của kinh tế biển Bà Rịa Vũng Tàu, đã làm thay đổi tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh trong khu vực Nam bộ. Từ góc nhìn về cảng thị cổ Long Sơn, càng khẳng định vai trò vị trí cảng biển là một trong những yếu tố quyết định hình thành, phát triển giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Cần được quảng bá rộng
Ông Trần Văn Triêm, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, qua nhiều đợt khai quật, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận thêm hàng ngàn hiện vật, làm giàu thêm di sản văn hóa của địa phương, phục vụ cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, tham quan của người dân và du khách. Những giá trị văn hóa, lịch sử từ các cuộc khảo cổ học tại đảo Long Sơn rất có ý nghĩa. Qua các cuộc khảo cổ đã tìm lại được dấu ấn lịch sử Bà Rịa Vũng Tàu, chứng minh vị trí của vùng đất xứ Mô Xoài xưa (TP. Bà Rịa, huyện Đất Đỏ và Long Điền ngày nay) trong tiến trình lịch sử Nam bộ nói riêng và lịch sử nước ta nói chung.
TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho rằng, đảo Long Sơn là điểm sáng của khảo cổ học Bà Rịa Vũng Tàu. Bằng chứng là nhiều đợt khảo sát, khai quật trước đây đã phát hiện nhiều hiện vật quan trọng, trong đó có hiện vật mặt nạ bằng vàng thời tiền sử. Hiện chiếc mặt nạ bằng vàng quý hiếm, độc đáo này đang được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Việc phát hiện được các hiện vật cổ ở Long Sơn đã chứng minh rằng, từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã khai đất, cư trú tại đây. “Đây là khu vực quan trọng trong quá trình khai thiên, lập địa của nước ta. Tại Long Sơn, cách đây hơn 2.000 năm, khi dân số địa phương còn thưa thớt nhưng đã có một lớp người cư trú tại đây. Vì vậy, các giá trị lịch sử, văn hóa của các di vật ở Long Sơn cần được giữ gìn, quảng bá rộng rãi cho người dân và du khách biết”, ông Cường nói.
Tại cuộc họp nghe Bảo tàng lịch sử Quốc gia báo cáo kết quả khảo sát, thám sát và khai quật khảo cổ học khu vực xây dựng Tổ hợp hóa dầu Long Sơn vừa qua, ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Bảo tàng tỉnh thống kê các di chỉ, hiện vật từ các đợt khảo cổ trên đảo Long Sơn để lưu giữ, bảo quản, trưng bày, quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách những giá trị văn hóa, lịch sử. Đồng thời, cho biết Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh làm cuốn sách tư liệu giới thiệu về môi trường, lịch sử, văn hóa của Long Sơn để cho thế hệ người dân sau này hiểu hơn về lịch sử Bà Rịa Vũng Tàu.
TTXT du lịch Vũng Tàu