Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng bè Long Sơn ứng dụng công nghệ cao

04/04/2019 - 3271 view
Làng bè Long Sơn ứng dụng công nghệ cao

Vào sáng ngày 4/4, tại UBND xã Long Sơn, Sở NNPTNT phối hợp với Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam tổ chức hội thảo Nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Tại đây, các chuyên gia, cơ quan chức năng đã giới thiệu công nghệ mới được ứng dụng để tăng hiệu quả sản xuất; thảo luận về thực trạng và tìm các giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy, hải sản ở làng bè Long Sơn nói riêng và trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.

Áp dụng khoa học, kỹ thuật là tất yếu

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành đánh bắt đang khai thác gấp 2,5 lần lượng thủy, hải sản mà các biển, đại dương có thể tự tái tạo. Nếu vẫn giữ mức độ như hiện nay, việc nguồn lợi này cạn kiệt là viễn cảnh trước mắt. Do đó, việc phát triển nghề nuôi trồng là xu thế tất yếu. Xác định được điều này, các đại biểu, ngư dân tham dự hội thảo đã tập trung bàn các giải pháp để phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn này. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao vào nuôi, trồng thủy hải sản.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Duy Hải (tiểu khu số 7, khu làng bè Long Sơn trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, từ cuối năm 2017, anh đã áp dụng công nghệ lồng nuôi bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE. Sau gần 2 năm thực hiện, anh đã thu được hiệu quả rất cao. “Vụ cá vừa qua tôi nuôi 20 ngàn cá chim và 5 ngàn cá bớp. Nuôi bằng vật liệu mới này đã hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường tới đàn cá, do đó tỷ lệ chết giảm mạnh, đàn cá cũng lớn nhanh hơn từ 1-2 tháng so với thông thường. Nhờ vậy, đợt vừa rồi tôi thu được 14 tấn cá chim và 10 tấn cá bớp. Với giá khoảng 130 ngàn/kg cả 2 loại, tôi thu được trên 3 tỷ đồng. Trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 750 triệu đồng”.

Còn theo ông Nguyễn Công Biên, người nuôi cá ở làng bè Long Sơn cũng thành công khi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng. Đầu năm 2018, ông được Chi cục Thủy sản, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ lắp đặt máy quan trắc tự động nguồn nước nuôi lồng bè. Hệ thống này có chức năng đo các thông số của môi trường nước như độ mặn, nồng độ clo, nồng độ oxy, nhiệt độ nước biển... Nếu những chỉ số này tăng cao hoặc xuống dưới ngưỡng sẽ báo trực tiếp vào điện thoại của ngư dân. Ông Biên cho biết: “Nhờ đó, tôi thường xuyên nắm được các thông số kỹ thuật trong nguồn nước nuôi để xử lý kịp thời khi có biến động. Tôi yên tâm hơn trong sản xuất, hiệu quả nuôi trồng cũng tăng lên”.

Các giải pháp để phát triển bền vững

Bên cạnh chia sẻ lợi ích của việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích nuôi trồng lớn, chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển, gần bờ điển hình như làng bè Long Sơn. Hình thức nuôi này chưa tối ưu, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ông Dũng đề nghị tỉnh phát triển hình thức “nuôi biển”, nuôi trồng ở xa bờ. Ông Dũng cho biết: “Hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm như nguồn nước ngoài khơi thường sạch và có dòng chảy ổn định, thuận lợi cho thủy sản phát triển; lại tránh được ô nhiễm môi trường nước. Tỷ lệ thủy sản chết hoặc bị ảnh hưởng do các yếu tố con người gây ra thấp khi “nuôi biển” cũng sẽ thấp hơn gần bờ. Tuy nhiên để phát triển hình thức nuôi này cần chú ý một số vấn đề như: tìm vị trí phù hợp, đủ xa nhưng vẫn có khoảng cách nhất định với các địa điểm hỗ trợ hậu cần như tuyến đảo, quần đảo. Hình thức này cũng cần lồng nuôi, kỹ thuật nuôi tiên tiến, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.

Ngoài việc phát triển hình thức nuôi mới, cách chọn nguồn giống, thức ăn phù hợp khi nuôi trồng thủy, hải sản cũng được nhiều nhà khoa học giới thiệu cho ngư dân làng bè Long Sơn tại hội thảo. Ông Nguyễn Xuân Toản, Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam cho biết, hiện nay, đa số người nuôi thủy sản vẫn còn sử dụng cá tạp làm thức ăn khi nuôi thủy, hải sản, nhất là trong lồng bè. Loại thức ăn này có nhiều khuyết điểm như phụ thuộc vào ngành đánh bắt, lượng hao hụt lớn và gây ô nhiễm môi trường nước. Ông Toản khuyến cáo: “Theo nghiên cứu, trung bình 7-8kg cá tạp mới sản xuất được 1kg cá thành phẩm, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 2-3kg thức ăn công nghiệp/1kg cá thành phẩm. Vì vậy, để giảm chi phí sản xuất mà vẫn không gây ô nhiễm môi trường. Bà con nên phối trộn giữa cá tạp và thức ăn công nghiệp. Như vậy sẽ giảm chi phí thức ăn và nguy cơ ô nhiễm môi trường nước”.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT nhận định, việc các chuyên gia khuyến cáo việc phát triển ngành nuôi trồng để giảm áp lực đánh bắt là phù hợp và tỉnh đang gấp rút triển khai. Hiện nay, Sở NNPTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó, chú trọng đến hình thức “nuôi biển”. “Bên cạnh đó, Sở đang gấp rút tiến hành các công việc như cụ thể hóa các vùng nuôi thủy sản, nhất là hình thức nuôi lồng bè của tỉnh điển hình như làng bè Long Sơn và sẽ tiến hành cấp giấy phép trong thời gian tới. Đây không chỉ là căn cứ để cơ quan nhà nước thuận lợi trong việc quản lý mà còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Sở cũng đã liên hệ, đặt hàng các cơ quan chuyên môn mở các khóa tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con, trong đó tập trung vào 2 yếu tố quan trọng nhất là lựa chọn giống và tự phối trộn thức ăn thủy sản”, ông Cường thông tin.

TTXT du lịch Vũng Tàu

Mục lục

1) Du lịch Vũng Tàu
             - Bãi Sau
             - Bãi Trước
             - Bãi Dứa
             - Bãi Dâu
             - Tượng Chúa Kitô Vua
             - Hải Đăng
             - Bạch Dinh
             - Cáp treo Vũng Tàu
             - Đua chó Vũng Tàu
2) Mở rộng điểm đến
             - Suối nước nóng Bình Châu
             - Bãi biển Hồ Cốc
             - Bãi biển Hồ Tràm
             - Bãi biển Thùy Dương
             - Bãi biển Long Hải
             - Đảo Long Sơn
             - Côn Đảo