Thousand Islands (Nghìn hòn đảo) là tên gọi một quần đảo nằm trong hồ Ontario chạy dài từ thành phố Kingston suốt 80km cho đến đầu nguồn con sông Saint Lawrence. Hồ Ontario nằm giữa hai nước Mỹ và Canada, nên những hòn đảo này một số thuộc về Canada, một số thuộc về nước Mỹ. Cảnh quan xinh đẹp, kỳ lạ cộng với những tiện nghi nghỉ dưỡng, giải trí thoải mái, đã biến nơi này thành một khu du lịch hấp dẫn của Canada.
Cảnh tượng thật là thú vị, có thể nói là kỳ lạ chưa từng thấy. Trước mặt bạn, sau lưng bạn, lố nhố những hòn đảo bé tí, xinh xắn với những ngôi biệt thự thấp thoáng sau những chòm cây. Du thuyền từ từ chạy quanh các đảo để du khách tha hồ ngắm nhìn quang cảnh đẹp như những bức tranh. Các ngôi nhà cũ hiện trên những hòn đảo có đủ dáng cỡ, có cái là biệt thự, có cái là nhà gỗ làm chòi câu cá, có cái là tòa lâu đài hoành tráng với phong cách kiến trúc châu Âu của mấy thế kỷ trước. Đứng trên du thuyền nhìn xuống, thấy mặt nước trong veo, có nơi có thể nhìn thấy cả những tảng đá ngầm dưới hồ.
Gọi là Nghìn hòn đảo cho gọn, thật ra có tất cả 1.864 đảo. Đảo lớn nhất có diện tích 100km2, đảo nhỏ nhất chỉ bằng một mảnh sân đủ xây một ngôi nhà nhỏ, hoặc chỉ đủ cho vài ngọn cây mọc lên! Nhìn những hòn đảo này, du khách Việt Nam sẽ liên tưởng đến những cù lao trên dòng Cửu Long ở miền Tây Nam bộ, nhưng không đến nỗi bé tí xíu như ở đây, trên hồ Ontario. Ở đây, để được gọi là đảo, phải có ba tiêu chuẩn. Thứ nhất, phải nổi trên mặt nước quanh năm; thứ hai, có diện tích lớn hơn 1m2 và thứ ba, có thể chịu được một cây lớn mọc trên diện tích đó. Những tiêu chuẩn đề ra nghe có vẻ rất tếu. Nhưng đúng là bạn sẽ nhìn thấy một hòn đảo vừa vặn cho một cây mọc trên đó. Và có hòn đảo chỉ đủ chỗ xây dựng vài ngôi nhà nhỏ.
Từ truyền thuyết của người da đỏ
Vị thần tối cao của người da đỏ là Manitou trị vì ở cõi trên, nhưng rất buồn lòng khi nhìn xuống mặt đất vì thấy những con người ở đây cứ luôn luôn tranh giành chém giết lẫn nhau. Thần Manitou thấy cần phải giúp họ dàn hòa với nhau. Người vén màn mây, mang trên lưng một gói đồ bí mật bao kín bởi một tấm chăn và hạ xuống mặt đất. Người gọi tất cả mọi người lại, dạy bảo họ nên chung sống hòa đồng với nhau. Và người mở tấm chăn, trải ra khu vườn tuyệt đẹp để mọi người đều có chỗ mà chung sống. Nhưng chỉ một thời gian sau, tranh giành lại nổ ra, khu vườn không còn yên tĩnh. Manitou tức giận, bèn gom khu vườn lại, gói vào trong tấm chăn rồi bay trở về trời. Nhưng khi người vén bức màn mây, khu vườn bỗng tuột ra khỏi tấm chăn và rơi xuống dòng sông Saint Lawrence, vỡ ra thành hàng ngàn mảnh nhỏ. Những mảnh đất vỡ ra hình thành khu Nghìn hòn đảo mà du khách đến thăm hiện nay.
Đến hòn đảo của tình yêu
Nơi du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng nhiều nhất là đảo Welleslay, hòn đảo lớn thứ ba trong khu Nghìn hòn đảo. Có thể đến đây bằng du thuyền hoặc bằng ôtô chạy trên chiếc cầu lớn nối liền hai bên bờ Mỹ và Canada đến giữa đảo. Trên đảo, có khu resort với hơn ba trăm nhà nghỉ, có sân golf, khu cắm trại, khách sạn, nhà hàng. Nổi tiếng nhất ở đây là hòn đảo có hình dáng giống như trái tim và mang tên là Heart Island (Đảo Trái tim). Hòn đảo này có một tòa lâu đài rất đẹp gắn liền với câu chuyện tình của một nhà tỉ phú Mỹ đối với người vợ của mình, mối tình chung thủy như trong chuyện cổ tích.
Năm 1900, nhà tỉ phú George Boldt, chủ nhân của Khách sạn Waldorf Astoria sang trọng bậc nhất ở thành phố New York mua Đảo Trái tim và xây dựng một tòa lâu đài cực kỳ tráng lệ trên đảo làm quà tặng cho vợ mình là bà Louise Boldt. Trong khi tòa lâu đài chưa xây xong thì năm 1904 bà Louise Boldt qua đời sau một cơn đột quỵ tim, thọ 42 tuổi. Quá đau buồn, ông George Boldt ra lệnh bỏ dở việc xây dựng tòa lâu đài và sống độc thân với hai người con cho đến khi mất vào tuổi 65.
Tòa lâu đài bị bỏ hoang phế suốt 73 năm trời, mặc cho gió mưa băng tuyết tàn phá theo thời gian. Năm 1977, Cơ quan quản lý Nghìn hòn đảo mua lại Đảo Trái tim và bỏ ra 43 triệu USD để trùng tu tòa lâu đài. Tòa lâu đài có tất cả 120 phòng, ngoài ra còn có bến đậu cho chiếc du thuyền lộng lẫy mang tên bà Louise. Đến nay, lâu đài Boldt là địa điểm thu hút du khách nhiều nhất trong khu Nghìn hòn đảo. Đã có hơn sáu triệu du khách đến viếng thăm nơi này. Hơn một ngàn cặp tân lang tân nương làm lễ cưới trong tòa lâu đài theo nghi thức thời xưa.
Hòn đảo huyền bí - Có tên là Đảo Đen tối (Dark Island), hòn đảo này nổi tiếng vì trên nó có lâu đài Singer (Singer Castle). Tờ báo New York Times thời đó gọi nó là Lâu đài ma quái (The Castle of Mysteries). Dư luận bàn tán rất nhiều chung quanh tòa lâu đài này, các nhà sử học thì cho rằng nó xây theo mẫu của một tòa lâu đài gần thành phố Oxford của Anh, như được miêu tả trong bộ tiểu thuyết lịch sử Woodstock của nhà văn Walter Scott (1771-1832). Tòa lâu đài này hấp dẫn vì bên trong có nhiều đường hầm bí mật, lạc vào đấy khó mà tìm được lối ra.
Ngoài ra, hòn đảo được chụp ảnh nhiều nhất là đảo Zavikon (Zavikon island), gồm hai hòn đảo bé xíu nằm sát bên nhau, gần làng Rockport. Hòn đảo lớn hơn thuộc về Canada, hòn đảo nhỏ thuộc về Mỹ. Chiếc cầu đi bộ nhỏ xíu nối liền hai đảo được xem là chiếc cầu quốc tế ngắn nhất trên thế giới.
Vamvo.com
Tổng hợp.