Thống kê 9 tháng đầu năm 2017, huyện Na Hang - địa bàn trọng điểm của khu du lịch Na Hang (Tuyên Quang) đã đón tiếp hơn 84.600 người, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của những bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, để du lịch phát triển hơn nữa và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương thì vẫn còn nhiều vấn đề cần chính quyền và người dân nỗ lực.
Quảng bá tiềm năng
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá, Đảng bộ huyện Na Hang đưa phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong từng năm và cả nhiệm kỳ. Riêng trong năm 2017, huyện đã xây dựng chương trình hành động số 15 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020, huyện sẽ đón 130 nghìn lượt khách du lịch, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động tại địa phương.
Trên thực tế, huyện có tiềm năng lớn cho ngành kinh tế du lịch phát triển. Với diện tích hơn 8.000 ha, hồ Na Hang kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn Na Hang với 8 xã khu C của huyện và các xã của huyện Lâm Bình hợp thành khu du lịch Na Hang rộng lớn; nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với diện tích trên 33.000 ha nằm trên địa bàn xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có mức độ đa dạng sinh học cao. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý... Khu bảo tồn có nhiều loài chim, thú quý, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ; nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.
Ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì các đền, chùa như đền Pác Tạ, Pác Vãng cũng được trùng tu, khôi phục đã đáp ứng phần nào việc tham quan, thưởng ngoạn các thắng cảnh và du lịch tâm linh của du khách. Đến với huyện, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương như các lễ hội Lồng tông đầu năm tại thị trấn Na Hang, xã Năng Khả, Yên Hoa; Lễ hội Lồng tông xã Đà Vị gắn với hội thi trâu bò khỏe đẹp; Lễ hội Giã cốm xã Côn Lôn.
Những năm gần đây, hình ảnh du lịch Na Hang được quảng bá rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huyện phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình quảng bá danh lam thắng cảnh và ẩm thực với thời lượng 30 phút về khu du lịch sinh thái Na Hang phát trên kênh VTV2, VTV4; xây dựng nội dung chương trình “S Việt Nam - Hương vị cuộc sống” để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, hình ảnh khu du lịch Na Hang phát sóng trên kênh VTV1. Huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UNESCO đưa hồ sơ Ba Bể - Na Hang vào danh mục hồ sơ di sản thế giới.
Phát triển bền vững
Không làm du lịch theo kiểu chộp giật mà phải làm du lịch bền vững là phương châm mà huyện đề ra. Để làm được điều này, bên cạnh phát triển hệ thống cơ sở vật chất, huyện cũng chú trọng phát triển chất lượng con người làm du lịch gắn với xây dựng văn hóa du lịch; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh du lịch, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt chém du khách trong mùa cao điểm của khu du lịch Na Hang.
Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết, hiện toàn huyện chỉ có 3 cán bộ làm việc tại Phòng, chưa có cán bộ chuyên sâu về du lịch. Năm 2017, huyện đã mời giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội lên tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho 74 học viên. Huyện cũng phối hợp với Ban quản lý khu du lịch sinh thái Na Hang Tuyên Quang thực hiện tốt việc quảng bá, tiếp, đón khách và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Để nâng cấp hệ thống hạ tầng, huyện tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang, xây dựng thị trấn Na Hang lên thị xã vào năm 2020, gắn với phát triển du lịch. Hiện nay thị trấn đạt khoảng 70% các tiêu chí đánh giá đạt chuẩn đô thị loại IV. Huyện đã hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường nối liền những điểm du lịch trong và ngoài huyện như tuyến: Hồng Thái với Pắc Nặm (Bắc Kạn); tuyến đường vào Bản Bung, xã Thanh Tương; tuyến lên điểm du lịch Phiêng Bung, gắn với trồng các loài hoa như hoa ban, hoa đỗ quyên, hoa ngũ sắc, hoa đào tạo cảnh quan đẹp cho điểm du lịch...
Hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đến nay, toàn huyện đã có 12 nhà nghỉ, khách sạn với 127 phòng, 249 giường nghỉ, 9 nhà hàng ăn uống, 1 tàu cao tốc, 45 thuyền du lịch kết hợp với vận tải hàng hóa phục vụ du khách tham quan. Một số sản phẩm nông sản phục vụ du lịch như gạo nếp Côn Lôn, đậu tương, đậu xanh Yên Hoa, Thượng Nông, rau sạch Hồng Thái, ngỗng Côn Lôn đã bước đầu được hình thành đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Việt Cường, thị trấn Na Hang chia sẻ, hiện tại khách sạn của công ty có 20 phòng nghỉ. Ngoài dịch vụ nhà nghỉ, công ty kinh doanh thêm dịch vụ ẩm thực. 3 năm trở lại đây, khu du lịch Na Hang đông khách hơn, nên doanh thu từ du lịch của công ty đạt 200 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần so với trước. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phòng nghỉ của công ty luôn được vệ sinh sạch sẽ. Ngoài các món ăn ngon thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được công ty coi trọng. Công ty chúng tôi đã làm dịch vụ du lịch được hơn 10 năm nay, do luôn lấy chữ tín đặt lên hàng đầu nên khách ăn, nghỉ đều có phản hồi tích cực.
Anh Nguyễn Văn Vinh, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) cho biết, lên du lịch thủy điện Na Hang anh rất ấn tượng bởi các điểm du lịch khá sạch sẽ, nước lòng hồ trong xanh và hầu như không có rác thải sinh hoạt. Nếu huyện phát huy được ưu điểm này sẽ là điểm cộng quan trọng trong lòng du khách.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nà Hang cho biết, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc bảo vệ môi trường tại khu vực Bến thủy, lòng hồ Thủy điện và các Khu điểm du lịch của huyện; tuyên truyền và đề nghị các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh du lịch cần trang bị thùng rác trên thuyền du lịch, các khu vực đón tiếp khách du lịch, thu gom rác thải để bảo vệ môi trường chung của khu du lịch Na Hang; xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải tại từng điểm du lịch. Tại các địa phương làm du lịch, cần giữ gìn vệ sinh cảnh quan đường làng ngõ xóm, không thả rông và nuôi nhốt gia súc bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là hướng phát triển du lịch văn minh, bền vững mà huyện luôn hướng tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì khu du lịch Na Hang vẫn còn những tồn tại nhất định như: Sự liên kết giữa các địa phương làm du lịch còn hạn chế. Sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch quy mô vẫn còn nhỏ. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm, khai thác thị trường còn thiếu đồng bộ và chưa chủ động... Đây là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền huyện đã nhìn nhận và sẽ có hướng điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cho du lịch có sự phát triển bền vững.
Chị Nguyễn Thị Tâm, thành phố Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm du lịch Na Hang, chỉ cần trong túi hơn 1 triệu đồng, một du khách từ Ninh Bình có thể đến đây tham quan và khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp. Mặc dù biết chúng tôi là khách ở xa, nhưng những người kinh doanh nhà nghỉ, ăn uống, phương tiện... vẫn lấy giá các dịch vụ giống như người dân trong tỉnh. Dù chưa có bảng niêm yết, nhưng giá của các hộ kinh doanh dịch vụ đưa ra khá tương đồng và hợp lý. Đây là điểm yên tâm cho khách đến với khu du lịch Na Hang. Với những giá trị sẵn có, tôi mong muốn huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tốt hơn nữa các dịch vụ du lịch. Tôi sẽ trở lại Na Hang trong dịp sớm nhất.
TTXT du lịch Tuyên Quang