Với diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, giúp lòng hồ Na Hang (Tuyên Quang) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến thăm lồng bè, câu cá và thưởng thức thành quả hứa hẹn là hoạt động du lịch hấp dẫn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, toàn huyện hiện có 629 lồng nuôi thủy sản trên hồ Na Hang, sản lượng ước đạt 648,1 tấn với tổng giá trị ước tính 32 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.300 lao động. Triển khai Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND huyện đã thẩm định và trình phê duyệt cho 25 hộ vay vốn nuôi cá lồng, với số vốn vay là 4,2 tỷ đồng để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thủy sản.
Công ty TNHH Thường Mai, thị trấn Na Hang là một trong những doanh nghiệp đi đầu về đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Na Hang. Năm 2015, từ 25 lồng nuôi cá ban đầu, đến nay công ty đã đầu tư phát triển 54 lồng cá với nhiều chủng loại cá đang được thị trường ưa chuộng như: cá lăng nha, trắm đen, chép, lăng chấm, cá bỗng, cá anh vũ. Đây là những giống có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước của lòng hồ thủy điện Na Hang và mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số giống cá khác đang được nuôi tại địa phương. Công ty phấn đấu năm 2018, sẽ cung cấp ra thị trường trên 200 tấn cá thương phẩm các loại.
Tận dụng nguồn nước chảy từ vùng lõi rừng đặc dụng để nuôi cá đặc sản, tại khu vực Thác Mơ Na Hang Tuyên Quang, Công ty TNHH Long Giang đã đầu tư hệ thống hạ tầng trên 2 tỷ đồng với 20 lồng cá, mỗi lồng có kích thước 108 m3, nuôi các loại cá gồm cá lăng, các chiên, cá bỗng, cá lóc bông. Mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường trên 100 tấn cá, trừ các khoản chi phí có thể thu lãi trên 500 triệu đồng.
Xã Đà Vị với lợi thế mặt nước ổn định, nguồn thức ăn phong phú, đa dạng đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả hơn từ nuôi cá trên hồ Na Hang. Đến nay, toàn xã có 13 hộ nuôi cá lồng với số lượng 93 lồng nuôi các loại cá như cá lăng, cá bỗng, cá nheo, cá rô phi... bước đầu đạt hiệu quả. Anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị chia sẻ, năm 2015, gia đình anh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư 10 lồng cá đặc sản gồm các loại cá bỗng, cá lăng, cá chim... Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cá nhà anh không bị dịch bệnh, phát triển tốt, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường gần 10 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng.
Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cá lồng cũng như phương pháp trong việc chăm sóc và thu hoạch để áp dụng vào điều kiện thực tế ở vùng hồ Na Hang.
Có dịp lên ký sự và du lịch hồ Na Hang, sau chuyến thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ và nên thơ, chúng tôi chọn đến thăm lồng bè nuôi cá của người dân địa phương. Chiếc thuyền đưa chúng tôi cập bến tại một hộ gia đình nuôi cá lồng dưới chân núi Pác Tạ. Đến đây, chúng tôi được đón bằng nụ cười thân thiện của anh chủ nhà bè. Những chiếc cần câu cũng đã sẵn sàng cho hành trình của chúng tôi. Anh Lê Xuân Chiến chủ nhà bè chia sẻ: “Khu vực lòng hồ có rất nhiều loài cá. Một số người đã câu được con cá chép, cá mè nặng hơn 10 kg...”. Chúng tôi như thêm phần háo hức và thả câu đến tận xế chiều với thành quả cũng đáng khích lệ.
Khi hoàng hôn buông xuống, lòng hồ Na Hang trở nên huyền ảo hơn, những nhà bè đã bắt đầu lên đèn, mặt nước lấp loáng ánh điện sáng như những ngọn hoa đăng khiến khung cảnh thêm phần thơ mộng. Bữa tối tại nhà bè, ngoài những món cá được câu từ chiều, chúng tôi được anh Chiến mời thưởng thức rất nhiều món cá khác mà anh nuôi và đánh bắt được. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng món canh cá chua nấu lá thấm lầm, đây là một loại lá rừng, nấu với cá cho vị chua mát và mùi thơm rất đặc biệt. Canh cá chua nấu lá thấm lầm cũng là món ăn đặc sản hồ Na Hang được nhiều thực khách biết đến.
TTXT du lịch Tuyên Quang