Từ khi hồ Na Hang (Tuyên Quang) hình thành cũng là lúc nghề lái đò xuất hiện ở miền sơn cước này. Gắn bó với bến nước, con đò không chỉ giúp họ kiếm sống mà còn giúp họ tích lũy kinh nghiệm để phát triển nghề chuyên chở người, hàng hóa, khách du lịch bằng đường thủy.
Chuyện lái đò
Chúng tôi đến Bến Thủy vào ngày nắng đẹp. Núi Pác Tạ nghiêng mình soi bóng nước hồ Na Hang. Dưới bến nhộn nhịp khách lên thuyền để chuẩn bị rời bến. Mỗi ngày có 2 chuyến đò từ thị trấn Na Hang đi Bản Lãm, xã Khau Tinh và ngược lại. Cả bến có 14 thuyền, chuyến sớm nhất đi từ 6 giờ sáng và chuyến muộn nhất là 17 giờ chiều.
Những người làm nghề chuyên chở khách ở hồ Na Hang đều biết ông Quan Văn Đạt là “bậc thầy” về lái đò. Ông Đạt là cựu chiến binh ở thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh. Năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông trở về địa phương chọn nghề lái đò để mưu sinh. Bao năm làm nghề ông Đạt nắm vững từng khúc sông, biết được đoạn nào thường có cây, có đá ngầm; lúc nước lên, nước xuống phải đi như thế nào cho thuận.
Anh Phạm Tiến Hưng, nhà ở tổ 13, thị trấn Na Hang làm nghề lái đò từ năm 2005. Ngày xưa Bến Thủy chưa xây dựng, đường xuống bến là đường đất. Ngày mưa lầy lội, anh và những người lái đò tự bỏ công sức tu sửa đường dẫn vào bến. Anh Hưng cho biết, nghề lái đò ở vùng hồ Na Hang cũng có thời hoàng kim, đấy là vào những năm 2007, 2008. Khi ấy con đường từ thị trấn Na Hang đi các xã khu C chưa được thông tuyến, đường duy nhất đến các xã là đường thủy, vì thế khách đông nườm nượp. Ngoài chở khách thì các nhà thuyền còn chở hàng hóa, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng... Thời ấy, Bến Thủy có tới 40 đầu thuyền, lái đò là một nghề “hái ra tiền”. Sau khi con đường từ thị trấn Na Hang đi các xã khu C được thông tuyến, Bến Thủy trở lại vắng khách, nhiều người bỏ nghề, đi tìm việc khác. Anh Hưng vẫn gắn bó với con thuyền, bến nước từ đó tới nay. Ngày ấy, cả bến chỉ có 3 người lái đò, nhưng không phải ngày nào các chủ thuyền cũng chạy. Anh Hưng bảo: “Nghề này tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng cho mình nhiều cái được. Mà cái được lớn nhất là mình có tiền chắt chiu để nuôi 2 con học đại học. Giờ các cháu đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định rồi!”
Năm 2011, đường vào Bến Thủy được đổ bê tông, kè bờ kiên cố, khang trang hơn, khách đi đò cũng nhiều hơn, trong đó có nhiều khách du lịch hồ Na Hang. Giá vé chỉ 20.000 đồng/người. Anh Hoàng Ngọc Tân, Hạt phó Hạt giao thông Na Hang cho biết, Bến Thủy phát triển, việc quản lý bến được thực hiện chặt chẽ hơn. Các chủ thuyền hoạt động phải tuân thủ những quy định về mức giá, mức tối đa số người được chở trên 1 chuyến đò. Các chủ thuyền hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép hoạt động, áo phao cứu sinh, bằng lái, bảo hiểm thuyền, quy định giờ xuất bến của từng chủ thuyền...
Đại sứ du lịch
Từ thị trấn Na Hang nếu muốn lên các xã khu C có hai lựa chọn, hoặc đi bằng đường bộ dọc theo Quốc lộ 279, hai là đi thuyền từ Bến Thủy đến xã Khau Tinh. Theo lời giới thiệu của anh bạn người bản địa, tôi lựa chọn trải nghiệm với con đường sông nước và ngắm cảnh sắc hùng vĩ của vùng hồ Na Hang.
Chúng tôi đồng hành trên con thuyền của chàng trai trẻ người Dao Chúc Tạ Hiéng, chủ thuyền đi chuyến 9 giờ từ thị trấn Na Hang đến Bản Lãm. Anh Hiéng chia sẻ, chở đò cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, phải xuất bến đúng giờ, không tham bắt khách làm cho thuyền quá tải, nguy hiểm đến tính mạng của hành khách và cần phải thường xuyên bảo dưỡng thuyền cẩn thận. Tôi hỏi: “Chở thế này, gặp khách lạ hay khách du lịch mình có “chém đẹp” không?” Anh cười đáp: “Không đồng chí ạ! Làm nghề phải có lương tâm chứ, đến cái xe của khách mình không sắp xếp cẩn thận mà bị trầy xước mình vẫn có trách nhiệm đền cho khách. Vùng hồ Na Hang đang đẩy mạnh phát triển du lịch mà, chính quyền tuyên truyền mỗi người dân phải là 1 “đại sứ du lịch”. Với người lái đò, càng giữ được lương tâm nghề, khách càng đông thì nghiệp đò càng vững mà”.
Hơn 1 giờ đồng hồ xuôi dòng, chúng tôi cảm nhận được cảnh quan tuyệt đẹp trên vùng hồ Na Hang. Non nước hùng vĩ với núi chồng núi, cây nối cây, tầng tầng lớp lớp phủ rợp hai bờ sông. Như hướng dẫn viên du lịch thực thụ, ông Đạt chỉ cho tôi từng đoạn sông đẹp, nơi nào có nhiều thạch nhũ đá, nơi nào gắn với huyền thoại trong truyện cổ Na Hang. Ông giới thiệu từng địa danh trên đoạn sông, giải thích cả nghĩa tiếng Tày và nguồn gốc của việc đặt tên địa danh. Như khu Phe Phong nghĩa tiếng Tày là “đá vôi”; khu Đén Luông nơi có thác nước tuyệt đẹp; khu Pác Nẻn hay còn gọi là Hổ Nhảy vì khúc sông này trước đây rất hẹp, con hổ cũng có thể nhảy qua... Đến khu Đén Luông, ông Đạt bảo đây là đoạn đẹp và hẹp nhất của khúc sông. Những hôm trời nắng, nhìn rõ 2 ngọn núi nửa trên trời nửa dưới nước. Ở đoạn này, nhiều hôm ông còn nhìn thấy cả bầy khỉ. Nghe ông kể, những vị khách chăm chú lắng nghe suốt chuyến đò...
Tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện việc xã hội hóa, đây sẽ là sức mạnh trong phát triển du lịch hồ Na Hang. Những người lái đò có tâm, những câu chuyện, hiểu biết của họ chính là “đại sứ du lịch” từ dân.
TTXT du lịch Tuyên Quang