Việc xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang đã tạo ra lòng hồ Na Hang rộng 8.000 ha trải dài trên địa bàn 2 huyện Na Hang và Lâm Bình. Với vùng hồ rộng lớn, người dân ở miền non cao này đã dần dần chuyển đổi nghề, trở thành những ngư dân thực thụ. Với du khách, được trải nghiệm làm ngư dân sẽ là hoạt động thú vị.
Nguồn cá tôm lòng hồ dồi dào
Trước kia khi chưa có Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, sông Gâm với sông Năng cung cấp chủ yếu các loại cá sông và cá suối, sản lượng tự nhiên cũng không nhiều. Sau khi có vùng lòng hồ Na Hang, những con suối bắt nguồn từ rừng nguyên sinh trên núi đổ vào lưu vực đưa thức ăn màu mỡ cho các loài thủy sản. Với cao trình mực nước dâng thủy điện 120 m, mực nước sâu trung bình trong lòng hồ từ 60 - 80 m là điều kiện lý tưởng cho nhiều loài cá sinh sống ở tầng nước nông, trung bình và sâu.
Khi hồ thủy điện tích nước, dòng chảy cũng trở nên hiền hòa hơn, thích hợp cho nhiều loài cá sinh sống, phát triển. Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết, mấy năm gần đây đơn vị đã phối hợp với huyện Na Hang, Lâm Bình thả hàng triệu con cá giống xuống lòng hồ Na Hang. Ngoài thả thêm các loại cá sông, suối bản địa như cá rầm xanh, anh vũ, lăng, chiên, quất, bỗng, nheo, các kỹ sư thủy sản còn thả các loại cá ao hồ như cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi. Qua theo dõi, cá sinh trưởng phát triển tốt, nhiều người đã đánh bắt được những con cá trắm, mè nặng đến 20 - 30 kg.
Chưa tính các loại cá lồng, theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi ngày các ngư dân khai thác tự nhiên trong lòng hồ lên đến hàng chục tấn cá các loại. Số cá này chủ yếu được các lái buôn chuyển bằng xe đông lạnh về xuôi tiêu thụ, một phần cá lẹp được dùng cho chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Mến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang khẳng định, do có môi trường sống ở lòng hồ tốt, cá sinh sản thành từng đàn, lượng cá trong lòng hồ ngày một lớn nên thu hút nhiều người dân địa phương sắm ngư cụ theo nghề đánh bắt cá và cho thu nhập khá.
Hiện nay, số cá tôm đánh bắt ngoài tự nhiên ước chừng 3.000 - 4.000 tấn/năm và đang tăng nhanh qua từng năm. Do không phải tính chi phí chăn thả nên khai thác cá tự nhiên cho thu nhập cao, rủi ro ít trong khi giá bán cá thường thấp hơn so với thị trường. Cá lẹp là loại cá bán rẻ nhất vùng lòng hồ, được ngư dân bán buôn với giá 4.000 -5.000 đồng/kg. Cá ra đến chợ thị trấn Na Hang được nâng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg và về chợ Tam Cờ được bán lẻ có giá 20.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi một công đi đánh bắt cá tự nhiên trên hồ Na Hang cũng cho thu nhập ổn định từ 200 - 500 nghìn đồng.
Người vùng cao hóa ngư dân
Quanh vùng lòng hồ Na Hang khoảng 10 năm về trước người dân chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi đại gia súc. Thế mà, từ khi vùng lòng hồ rộng lớn xuất hiện, những người dân nơi đây dần dần trở thành ngư dân thực thụ. Bắt đầu là việc làm quen với sông nước và biết được tên các loài cá. Chị Nông Thị Duyên, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) tâm sự: “Trước kia chị nhát nước lắm, không biết bơi. Công việc chèo thuyền là do chồng đảm nhiệm. Nhưng dần thấy bất tiện, muốn đi đâu cứ phải đợi chờ người khác. Thế là chị quyết tâm học bơi, học chèo thuyền và lái thuyền máy thuần thục. Bây giờ, công việc thả và kéo lưới chị cũng có thể đảm nhiệm được”.
Đêm đã về khuya, mặt hồ Na Hang tối đen như mực, thi thoảng lại có cơn gió lốc mạnh thổi trên mặt nước. Anh Ma Văn Hưng, một ngư dân của xã Khau Tinh (Na Hang) đang lái chiếc thuyền gỗ của gia đình đi đánh cá. Anh bảo, hoạt động đánh bắt cá ở đây thường diễn ra vào ban đêm. Mới đầu chưa quen sông nước, luồng lạch và tập quán của cá, anh cũng gặp một số khó khăn như dễ bị đi vào vùng nước xoáy hoặc gặp những cơn lốc trên mặt hồ. Rồi việc thả lưới hay dính vào cành, gốc cây còn sót lại dưới lòng hồ. Ở đây, tùy theo khả năng mà mỗi người chọn cho mình một hình thức đánh bắt phù hợp.
Theo chân các ngư dân lênh đênh trên lòng hồ Na Hang, tôi đã hiểu phần nào hoạt động đánh bắt cá nơi đây. Đầu tiên, ngư dân phải xác định những nơi tập trung cá, tôm nhiều. Tiếp đó, lập kế hoạch đánh bắt theo nhóm nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Có người thì đi bỏ đó, trong có mồi nhử để bẫy tôm, cá. Thường thì các ngư dân bỏ đó được nối với nhau bằng sợi dây và hệ thống phao vào buổi chiều, gần tảng sáng họ đi nhấc. Biện pháp này đơn giản, nhưng sản lượng đánh bắt không nhiều, chủ yếu được tôm. Một loại hình đánh bắt mà người dân lòng hồ hay sử dụng là thả lưới. Lưới có thể bắt được các loài cá, nhưng cũng dễ rách do vướng vào cành cây, sản lượng vừa phải. Còn loại hình đánh bắt đơn giản nhất chính là câu. Một buổi tối, trung bình mỗi người có thể câu từ 5 đến 20 kg cá các loại.
Để tăng tính hiệu quả và sản lượng đánh bắt cá trên lòng hồ, ngư dân ở đây đã áp dụng hình thức đánh bắt bằng vó bè. Đến nay, trên vùng lòng hồ Na Hang có hàng trăm cái vó bè. Đa số các vó bè này được ngư dân đặt ở các eo ngách, cửa con sông suối đổ vào lòng hồ. Đây là vùng nước ấm, nông, có nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện sinh trưởng thuận lợi. Các vó bè có diện tích từ 200 đến 500 m2, ngư dân phải đầu tư từ 20 - 30 triệu đồng. Khi đặt vó bè vào ban đêm, người ta thắp một bóng điện ở giữa để nhử cá tụ tập vào nơi có ánh sáng. Tầm 3 giờ sáng, các ngư dân đi cất vó bè bằng cách cắm mô tơ điện cho cáp tự tời vó lên. Có mẻ trúng đậm lên hàng tạ cá, nhiều nhất vẫn là các loại cá lẹp.
Nhằm khai thác bền vững, tái tạo nguồn lợi thủy sản, các ngư dân đã áp dụng hình thức đánh bắt vó bè bằng mắt lưới to, những loại cá nhỏ được bảo tồn. Hơn nữa, khi bắt được các loại cá con đặc sản, có giá trị kinh tế cao, ngư dân gom vào nuôi cá lồng. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các ngư dân còn chính là những người tích cực phát hiện, báo với lực lượng chức năng những đối tượng đánh bắt cá hủy diệt như dùng kích điện, mìn. Cho nên tình trạng đánh bắt cá trái phép trên lòng hồ đã bị dẹp bỏ, tạo đà cho những ngư dân làm ăn chân chính phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa (Na Hang) khẳng định, trước kia chỉ có vài người trong xã theo nghề đánh bắt cá. Nhưng nay thấy hiệu quả kinh tế, nhà nhà đua nhau đóng thuyền, sắm ngư cụ đi theo nghề cá. Kinh tế của các ngư dân mấy năm nay khấm khá hẳn, nhiều hộ xây được nhà khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt. Cá, tôm đánh lên đến đâu lái buôn đi thuyền đến mua gom hết đến đó, ai cũng phấn khởi.
Rời vùng lòng hồ Na Hang trong lúc chạng vạng tối, tôi thấy từng đoàn thuyền đang vươn khơi đánh bắt tôm cá. Để rồi tảng sáng họ lại chở tôm cá về tập kết tại bến thủy dưới chân đập nhà máy thủy điện. Ở đây hoạt động mua bán cá tôm diễn ra tấp nập. Các xe đông lạnh nối đuôi nhau chở hàng về xuôi tiêu thụ. Một lái buôn ở đây cho biết, khách hàng ở các thành phố lớn thích ăn cá hồ thủy điện hơn vì cá sạch, thơm, ngon.
Sản lượng đánh bắt của ngư dân hàng năm tăng cao, nhưng thị trường vẫn tiêu thụ hết. Hiện nay, các công ty lữ hành đang kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm làm ngư dân trên lòng hồ Na Hang Tuyên Quang. Đây là loại hình du lịch độc đáo, đang thu hút nhiều du khách, nhất là từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Ba Bể được khởi động làm hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Riêng kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, huyện Na Hang và Lâm Bình đón gần 20 nghìn lượt khách du lịch. Tín hiệu vui này không chỉ cho ngành du lịch của 2 huyện, mà còn là tiền đề để phát triển hơn nữa nghề đánh bắt cá của những ngư dân miền sơn cước.
TTXT du lịch Tuyên Quang