Năm qua, ngành du lịch Thái Bình tiếp tục ghi nhận sự phát triển của du lịch tâm linh nhưng chưa thực sự rõ nét. Ðể du lịch tâm linh góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, là một kênh quan trọng quảng bá hình ảnh đất và người Thái Bình đến du khách, tỉnh đang triển khai một số kế hoạch, dự án cụ thể thúc đẩy du lịch tâm linh tiếp tục phát triển.
Tiềm năng và di tích sẵn có
Thái Bình là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, chống ngoại xâm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 di tích, trong đó 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà).
- Ðược xây dựng năm 1632, trải qua gần 400 năm lịch sử, chùa Keo là một ngôi chùa cổ với kiến trúc còn khá nguyên vẹn như ban đầu. Ðến với chùa Keo, du khách sẽ được thả mình vào một không gian yên bình, thoát tục, được chiêm ngưỡng một kiệt tác trong kiến trúc cổ Việt Nam là gác chuông ba tầng được làm bằng gỗ theo kiểu chồng diêm, chạm khắc trang trí điêu luyện, công phu, uyển chuyển. Nhìn bề ngoài, gác chuông chùa Keo có vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thâm nghiêm song không kém phần đồ sộ, thể hiện chiều sâu văn hóa của vùng đất Thái Bình. Năm 2013, chùa Keo được công nhận là điểm du lịch quốc gia, trở thành nơi tâm linh nổi tiếng của du lịch Thái Bình.
- Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần mang ý nghĩa lịch sử to lớn, bởi vùng đất Long Hưng xưa - nay là huyện Hưng Hà là nơi phát tích, dựng nghiệp, kiến tạo nên vương triều Trần - nhà nước thịnh trị trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tuy đóng đô tại kinh thành Thăng Long nhưng nhà Trần vẫn đặc biệt chú trọng xây dựng Long Hưng thành căn cứ địa vững chắc, xây cất mộ phần, khởi dựng sơn lăng thái miếu, thờ tự tổ tiên của các vua, hoàng hậu đầu triều và công thần khai quốc. Ðây còn là hậu cứ hiểm yếu, luyện binh, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí phụ trợ đắc lực nuôi quân đánh giặc. Lễ hội đền Trần được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với nhiều lễ thức cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần như: tục rước nước, tục thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi pháo đất, thi kéo lửa nấu cơm cần, tục giao chạ giữa hai làng Tam Ðường (xã Tiến Ðức) và Vân Ðài (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà)... thu hút đông đảo lượng khách đến với du lịch Thái Bình trong mỗi mùa lễ hội.
Ngoài hai di tích quốc gia đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh có 109 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó đền A Sào, đền Ðồng Bằng (Quỳnh Phụ), đền Tiên La, đền Lưu Xá, từ đường nhà bác học Lê Quý Ðôn (Hưng Hà), đình An Cố (Thái Thụy)... là những di tích có cảnh quan đẹp, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc; nhiều lễ hội thôn làng có các trò chơi, trò diễn độc đáo. Mỗi di tích mang một đặc trưng riêng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch Thái Bình nói chung và du lịch tâm linh nói riêng.
Thực trạng và hướng phát triển
Những năm qua, để phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa, du lịch Thái Bình cùng chính quyền các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ thường xuyên chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ vậy, lượng du khách đến với các di tích ngày một tăng. Tuy nhiên, so với các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh... thì du lịch tâm linh Thái Bình có điều kiện phát triển nhưng chưa trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn du khách.
- Với hai di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thì vào mùa lễ hội rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Tuy nhiên, khi mùa lễ hội qua đi, lượng khách hàng ngày còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do quảng bá chưa thật tốt, các tuyến đường giao thông chưa thuận lợi, và dịch vụ chưa phong phú. Còn với các ngôi đền cổ, đền Tiên La, đền Ðồng Bằng lại có lượng khách vào ngày thường nhiều hơn, nhất là du khách đồng bằng Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Phúc Ðiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình cho biết: “để tạo thêm điều kiện cho du lịch tâm linh tiếp đà phát triển, bên cạnh việc tích cực quảng bá, tổ chức và quản lý lễ hội bảo đảm văn minh, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách, ngành văn hóa sẽ phối hợp với các huyện có di tích để tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, phát triển du lịch nông thôn, sinh thái biển, nghỉ dưỡng, hình thành mạng lưới du lịch đa dạng, tăng sức hấp dẫn với du khách”.
TTXT du lịch Thái Bình